Lại lạm bàn về chống tham nhũng

08:25 | 30/11/2012

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Đọc các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đó thì thấy rõ ràng là tham nhũng đang là một thứ giặc nội xâm và không khéo là nguyên nhân gây ra sự suy vong của Đảng.

1. Tình hình tham nhũng ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Vấn nạn này đã được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và trong các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng. Đọc các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đó thì thấy rõ ràng là tham nhũng đang là một thứ giặc nội xâm và không khéo là nguyên nhân gây ra sự suy vong của Đảng.

Nghiêm trọng quá đi mất!

Nhưng có cảm giác rằng hình như chúng ta đang vẽ ra “ma” để tự dọa mình, bởi lẽ rằng, qua việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì cho đến nay chẳng phát hiện được ai tham nhũng cả. Thế thì đúng tham nhũng là “ma” chứ còn gì nữa! Vì nó là “ma” nên chúng ta mới không bắt được. Và chúng ta cũng không có những phù thủy cao tay ấn.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chống tham nhũng sửa đổi. Tổng Bí thư sẽ là Trưởng ban Chỉ đạo chống tham nhũng. Nhưng ai sẽ là cơ quan thừa hành, cầm “thượng phương bảo kiếm” để “chém đầu” quan tham thì hóa ra lại chưa có. Thanh gươm ấy được giao cho cả Công an, Thanh tra, Tòa án, Viện Kiểm sát… Một thanh gươm mà giao cho đến 4, 5 ông cùng múa, cùng giơ lên, thế thì sẽ chẳng chém được ai cả! Và không khéo sẽ dẫn đến tình trạng người này vừa giơ lên, người kia đã đòi giật xuống. Cho nên, các cụ ta ngày xưa đã có nhiều câu nói về tình trạng này rồi: “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”…

Không có mấy người vi phạm giao thông khi bị xử phạt mà lại vui vẻ nộp phạt

Tham nhũng đang được coi là một vấn nạn. Vậy thì lẽ ra phải có một cơ quan chống tham nhũng được trao cho những quyền năng đặc biệt. Những người được lựa chọn vào cơ quan này phải là những người có phẩm chất đặc biệt, được bảo vệ đặc biệt và được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Còn nếu như chống tham nhũng như thế này thì cũng chỉ là “nói cho vui” mà thôi. Cũng sẽ có người bảo rằng, muốn chống tham nhũng thì phải “bắt được tận tay, day tận trán”, phải có chứng cứ. Đúng là như thế.

Để đưa một cá nhân vi phạm ra xét xử trước Tòa án thì rõ ràng là “án tại hồ sơ” - đó là chuyện không phải bàn cãi gì cả. Nhưng đặc thù tham nhũng ở Việt Nam khác với trên thế giới. Đó là do nó xuất phát từ tính duy tình của người Việt cho nên tất cả mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo, thật thật giả giả, trắng đen lẫn lộn, phải - trái bất phân minh. Một cấp dưới mang biếu tiền cấp trên, nếu vui vẻ thì bảo, “chú kiếm được cơm ăn, thôi cũng cho anh miếng cháo, anh cám ơn”. Rồi đến khi duyệt cho dự án, thì lại bảo “không có tiền, làm gì có dự án”.

Mới đây nhất lại có một vụ một trường đại học mang tiền biếu thanh tra, đến khi không được thì quay ra tố ngược. Quả thật, nghe chuyện đấy mới thấy rằng, những người cầm đầu trường này rất thiếu nhân cách. Cho nên, chống tham nhũng ở Việt Nam mà cứ đòi là phải chống tham nhũng như kiểu một số nước phương Tây thì có mà đến muôn đời.

2. Qua kết quả điều tra xã hội học về tham nhũng ở Việt Nam từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức, do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới thực hiện, thì họ tìm ra rằng, Cảnh sát giao thông (CSGT) là đứng đầu bảng tham nhũng. Việc công bố thống kê này quả là một sự nhục nhã với lực lượng CSGT vốn được coi là lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đúng là có một bộ phận CSGT ăn tiền của người dân. Dù là dăm bảy chục ngàn cũng là không hay và phải xử lý - đó là điều không bàn cãi. Nhưng cũng giống như các vị lãnh đạo trường đại học nêu trên, mang tiền cho người ta, khi không được như ý lại tố, người dân khi vi phạm giao thông cũng là đồng phạm, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến méo mó hình ảnh CSGT.

Thứ nhất, hầu như không có mấy người vi phạm giao thông, khi bị xử phạt mà lại vui vẻ nộp phạt để mà nhớ lần sau đừng tái phạm, mà họ đều năn nỉ, xin xỏ, rồi lấy điện thoại gọi cho ông nọ, bà kia cầu cứu. Khi không được thì bắt đầu giở trò dúi tiền cho cảnh sát. Nếu cảnh sát nhận tiền cho đi, thì lập tức họ sẽ chửi ngay: “Mày ăn bẩn, ăn thỉu! Mày cướp cơm chim!...”. Nếu hối lộ cho cảnh sát bất thành, bị phạt, bị giữ xe, thì họ lại quay ra chửi cảnh sát là bất nhân, là cạn tàu ráo máng…

Thứ hai, thủ tục nộp phạt của ta rất lằng nhằng, mất thì giờ. Nhiều khi người dân không ngại tốn tiền bằng tốn thì giờ. Bị CSGT giữ xe vì vi phạm, phải nộp phạt, phải mất thời gian đến nơi nộp tiền, rồi phải xếp hàng, nộp xong lại phải lấy giấy, mang đến cơ quan cảnh sát rồi ra bãi giữ xe vi phạm mới đươc lấy xe, lấy lại giấy tờ. Ở trong một quận, một thành phố thì nghe ra đơn giản, nhưng ở các tỉnh, nhất là ở miền núi, thì tính sao đây? Cho nên các nhà xây dựng chính sách cũng nên phải nghĩ sớm ra cách xử phạt cho nghiêm, nhưng phải làm thế nào để đừng gây phiền hà thái quá cho người bị phạt.

Chuyện CSGT ăn tiền là việc đã có từ lâu. Chỉ có bây giờ xảy ra nhiều quá bởi quá nhiều người vi phạm. Người vi phạm muốn dúi tiền cho cảnh sát để được đi cho nhanh và cho rằng đó là cách để “hai bên cùng có lợi” - cảnh sát thì được tiền, người vi phạm thì được giải phóng xe, giảm bớt tiền phạt và đỡ mất thời gian đi nộp… Và trong thời buổi này, đòi hỏi người cảnh sát phải từ chối đồng tiền mà người ta dúi vào rất không đơn giản.

Cho nên đừng lên án CSGT tiêu cực vội mà từng người vi phạm hãy tự soi lại mình rằng tại sao vi phạm luật giao thông, tại sao không chịu nộp phạt mà lại cứ tìm cách dúi tiền cho cảnh sát, thế rồi dúi được hay không được cũng quay ra chửi.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, cũng có ý kiến ngộ nhận rằng 70% số tiền phạt là dành cho CSGT để chia nhau. Và cũng có những kiến nghị rằng số tiền đó phải thu về cho ngân sách và sau đó Bộ Tài chính sẽ phân bổ về cho CSGT. Nhưng họ không biết rằng, với số tiền ấy thì chủ yếu là để mua xăng dầu, sửa chữa phương tiện tuần tra kiểm soát, mua sắm trang thiết bị và tuyên truyền luật giao thông, còn người cảnh sát chẳng được đáng là bao. Người nào ra mặt đường thì được bồi dưỡng từ 700 nghìn đến 1 triệu/tháng. Trong khi đó, không mấy người đã biết rằng tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp của CSGT còn cao hơn bất kỳ ngành nào khác, thậm chí cả ngành hầm lò.

Vậy điều gì sẽ xảy ra với lực lượng CSGT tới đây nếu toàn bộ số tiền nộp phạt thu về ngân sách rồi Bộ Tài chính sẽ căn cứ trên kế hoạch công tác mà phân bổ lại. Với cơ chế lùng nhùng như hiện nay và cách nhìn thiển cận của một số người có quyền chi tiêu đồng tiền thì chắc chắn tới đây lực lượng CSGT sẽ được “ngồi chơi xơi nước” chán vì lấy đâu ra tiền mà mua xăng dầu đi tuần tra; phương tiện tuần tra bị hỏng chờ được kinh phí rót về, có khi đã hỏng thêm nữa rồi. Cho nên, đề ra chủ trương gì thì chủ trương, nhưng nếu như chỉ biết nhìn cái trước mắt thì gay đấy!

Như Thổ

(Báo Năng lượng Mới số 177, ra ngày 30/11/2012)