Lạm bàn về thông tin chủ lưu

07:00 | 27/01/2013

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành tuyên giáo mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam có đội ngũ làm công tác tư tưởng hùng hậu, phương tiện hiện đại, nhanh nhạy như bây giờ, với hơn 800 cơ quan báo chí, hàng nghìn ấn phẩm, 17.000 nhà báo...

Mặc dù vậy, đây đó vẫn có băn khoăn, thậm chí của cán bộ có trách nhiệm là tại sao chúng ta có một hệ thống báo chí hùng hậu như vậy mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân?

Thực ra không hẳn như vậy. Cái gọi là “thông tin lưu truyền trong xã hội” không phải thông tin báo chí và không thể lấn lướt được dòng thông tin chủ lưu. Sẽ là thiếu sót nếu không làm rõ việc các báo điện tử hàng đầu luôn có lượng độc giả truy cập lên tới 7 con số hàng ngày và trên mặt bằng báo chí, một số báo điện tử của chúng ta được xếp hạng ngang ngửa với các báo xuất hiện trước hàng chục năm.

Trong lĩnh vực thông tin chính thống, hệ thống báo giấy, báo mạng từ Trung ương đến các ngành, các địa phương đang làm chủ diễn đàn, hướng dẫn dư luận và đấu tranh với các thông tin sai trái bịa đặt, xuyên tạc. Dòng thông tin chủ lưu được tổng hòa từ toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng.

Đây hẳn là lý do để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng, chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ làm công tác tư tưởng hùng hậu, phương tiện hiện đại, nhanh nhạy như bây giờ. Nếu nói các thông tin từ blog được lưu truyền lấn lướt hệ thống báo chí rất có thể sẽ là phiến diện. Trước hết cần làm rõ các thông tin blog này là thông tin lĩnh vực nào?

Hình như bây giờ, thông tin về giới showbiz nặng về đời tư, tình yêu, scandal, lộ hàng, trưng diện khoe của… không còn nóng nữa. Bạn đọc chân chính quá nhàm chán và dễ dàng bỏ qua loại tin tức này rồi. Đáng tiếc là chính một số trang mạng đã vẽ đường cho hươu chạy, tiếp sức không công cho các thông tin loại này gây ngộ nhận về độ bao phủ thông tin.

Tất nhiên trong hệ thống báo chí với 800 đầu mối không khỏi có lúc có nơi để xảy ra sai sót, thậm chí vi phạm. Được biết, trong năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý vi phạm 57 cơ quan báo chí, thu 6 thẻ nhà báo, đình bản 2 tờ báo điện tử, 9 ấn phẩm tự đình bản. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đây là sự răn đe nghiêm khắc của cơ quan Nhà nước đối với một số cơ quan báo chí.

Được biết, trong tất cả các văn bản, kể cả quy chế của Ban Bí thư về thông tin nói chung, trong đó có cả một số thông tin về vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cũng như quy chế về phát ngôn và thông tin cho báo chí, nếu thực hiện tốt cũng đã giúp cho báo chí có những nguồn thông tin quan trọng, chính xác, kịp thời để thông tin đến công chúng. Nhưng trong thực tế, những người có trách nhiệm thay mặt cho các cơ quan hành chính Nhà nước, khi sự kiện xảy ra, hoặc những thông tin mang tính thường xuyên thì không có chế độ thông tin kịp thời. Thậm chí, đối với những vấn đề nổi cộm còn bị né tránh, ngại trách nhiệm. Vì vậy có báo đã tiếp cận những nguồn thông tin có khi độ tin cậy thấphoặc không đủ độ tin cậy, dẫn đến thông tin thiếu chính xác, hoặc không đại diện, không thể hiện đầy đủ tính chính thống.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là vấn đề đã đề cập trong tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 77 của Thủ tướng Chính phủ về cung cấp thông tin cho báo chí. Vấn đề quan trọng nhất của báo chí vẫn là vấn đề thông tin. Cho nên, việc đổi mới cung cấp thông tin là vấn đề đang được đặt ra.

Làm sao để các cơ quan, ban, ngành, địa phương bảo đảm chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Đây cũng chính là định hướng dư luận về những vấn đề mà xã hội quan tâm chắc chắn sẽ rất thuận lợi. Còn nhớ vụ máy bay của hàng không Việt Nam bị sét đánh gây thảm họa ở Thái Lan mãi mới có thông tin chính thức.

Gần đây chúng ta có thêm bài học về việc báo chí chủ động thông tin, làm rõ mục đích, yêu cầu, lộ trình, cách làm trong việc cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tham gia giao thông thì người dân thấy đó là lợi ích thực sự và sau đó, nghiêm túc thực hiện trở thành nét đẹp văn hóa của cả xã hội.

Trong thực tế, từng có những vụ việc xảy ra nhưng do có ý kiến lo ngại nếu thông tin sẽ hoang mang, lo lắng không cần thiết, dẫn đến “bí mật hóa” quá mức như các vụ tai nạn, hỏa hoạn lớn, cưỡng chế giải phóng mặt bằng… khiến báo chí chính thống không giữ được thế chủ động thông tin. Vì vậy trong các trường hợp này, dòng thông tin chủ lưu đã bị cản bởi các tin tức lan truyền trên mạng, trên blog. Theo các nhà báo lão thành, tại sao trước một cuộc cưỡng chế các cơ quan chức năng không chịu cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về nội dung, ý nghĩa, cách thức và đề nghị báo chí tập trung định hướng, tạo sự nhất quán trong chỉ đạo giữa Trung ương và địa phương, giữa báo chí và các cơ quan chỉ đạo thì thiết nghĩ chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.

Gần đây, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương để có một quyết định thay thế Quyết định 77. Trong đó sẽ có những chế tài, những quy định bắt buộc. Nếu cơ quan, đơn vị và cá nhân không thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin và phát ngôn thì được xem là vi phạm quy định của Chính phủ, vi phạm quy định của Luật Báo chí và sẽ bị xem xét. Hy vọng, khi đó tính nghiêm minh sẽ cao hơn rất nhiều.

Đã đến lúc, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn là cần có đủ cán bộ, công chức có kỹ năng, bản lĩnh, tác phong, thái độ để thay mặt cho cơ quan hành chính Nhà nước phát ngôn báo chí.Và cũng theo báo giới, Luật Báo chí cần sửa đổi. Trong sự phát triển của thông tin truyền thông hiện nay đã có những loại hình rất mới, như báo điện tử, cần có sự điều chỉnh của pháp luật.

Gần đây, trong báo giới lại rộ lên việc xử lý thông tin “nhạy cảm” đang làm khó các tổng biên tập. Khái niệm “nhạy cảm” hiện chưa được làm rõ bởi không có tiêu chí cụ thể. Phóng viên thì hào hứng muốn đưa tin ngay vì vấn đề đang nóng, hấp dẫn dư luận. Thế nhưng, Ban Biên tập một số tờ báo lại ngại ngần đụng chạm, cân nhắc lâu khiến thông tin báo nhà bị thiu và báo ngoài thì nóng. Nhưng cũng có báo sa đà vào những thông tin “nhạy cảm” này với mục đích câu khách, khiến có trang, có mục trở nên lạc lõng, thậm chí bị chính bạn đọc lên tiếng phản bác trước khi cơ quan quản lý nhắc nhở.

Theo các nhà báo lão thành, cả hai khuynh hướng “nhạy cảm hóa” và “bình thường hóa” thái quá đều bất cập, ảnh hưởng đến vai trò của các báo chính thống khi tham gia dòng thông tin chủ lưu. Hãy trao quyền cho Tổng biên tập tự chịu trách nhiệm khi xử lý thông tin, kể cả thông tin “nhạy cảm”.

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc