Làm quan phải biết nhận lỗi

07:47 | 27/10/2012

1,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Xem ra văn hóa nhận lỗi nơi quan trường chưa như lòng dân ý Đảng! Không lẽ người lớn không dám nhận lỗi như con trẻ trong lớp học lịch sử?

Vào giờ học cô giáo nhẹ nhàng nói:

- Nào bây giờ bạn nào hãy nói cho cô biết ai đã lấy nỏ thần của Mỵ Châu?

Cả lớp im lặng nhìn nhau, không ai trả lời. Cô hỏi tiếp:

- Lớp trưởng có biết không?

- Dạ thưa cô em không lấy!

- Em không lấy - Cả lớp nhao nhao trả lời cô với vẻ mặt căng thẳng.

Cô lại hỏi:

- Thế thì ai lấy? Bạn nào biết?

Cả lớp vẫn không có câu trả lời. Bỗng lớp trưởng đứng dậy:

- Thưa cô lớp không lấy và không có bạn nào biết người lấy nỏ thần. Con đề nghị để chúng con về xin tiền bố mẹ mua nỏ thần đền cho Mỵ Châu vậy… Chúng con có lỗi vì không biết ai lấy nỏ thần.

Cả lớp đồng thanh:

- Chúng con có lỗi, chúng con xin lỗi, xin đền.

Đúng lúc đó thầy hiệu trưởng vào lớp, thầy nói:

- Thầy có lỗi, cô giáo cũng có lỗi vì không giảng cho các con biết không ai có lỗi trong vụ mất nỏ thần này cả. Nỏ thần bị Trọng Thủy lừa lấy trộm đã mấy ngàn năm rồi… Các con không phải lo đền nữa.

Chuyện xưa kể lại như vậy. Vẫn hay vì ai cũng sẵn sàng nhận lỗi. Dẫn sang nay cũng có nhiều chuyện nhận lỗi đáng đọc, đáng nêu gương.

Còn nhớ hồi năm 2006, khép lại phần Quốc hội chất vấn 12 thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải từ tốn bước lên bục rành rẽ nói: “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội”.

Gần đây nhất, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Cán bộ, nhân dân ta hiểu rằng, đây cũng là lời nhận lỗi của Đảng trước nhân dân. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi có tác dụng nêu gương cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhất là đội ngũ quan chức trong xã hội. Và chuyện nhận lỗi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tường thuật như sau.

Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Lệ thường bản báo cáo nào chả có thành tựu và yếu kém, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, khác mọi lần, trước khi kết thúc, Thủ tướng đã dành 21 dòng trong báo cáo để làm một việc mà nhiều đại biểu Quốc hội không nghĩ là sẽ có, nhiều quan chức không dám làm đó là nhận lỗi trước Quốc hội cũng là trước nhân dân. Có người tẩn mẩn đếm được 329 từ, trong đó Thủ tướng đã “thành khẩn nhìn nhận” và “thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”, trong đó có “nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt” của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, đồng thời cam kết “nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm”...

Các chuyên gia nhìn nhận hành động của Thủ tướng trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đã thể hiện được yêu cầu sòng phẳng và công khai nhận lỗi, cam kết sửa chữa, khắc phục, yêu cầu Quốc hội và nhân dân giám sát. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề trong điều hành, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt. Kết thúc báo cáo, Thủ tướng khẳng định bản thân cũng như từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc, nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, không phải quan chức nào cũng dám nhận lỗi như vậy. Vụ Sông Tranh 2 không thấy ai xin lỗi dân vì xây đập vào đới đứt gãy mà chỉ thấy thanh minh và cam đoan an toàn kể cả khi động đất cấp 9. Quả bóng về tác động môi trường của thủy điện nghe đâu bị đùn đẩy sang bộ khác. Ở các địa phương cũng vậy. Rất ít lời xin lỗi, nhận lỗi dù đâu đâu cũng có sai sót, vi phạm. Kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4 người ta vẫn viết y chang báo công, chẳng có khuyết điểm, thiếu sót gì nghiêm trọng mà nếu có toàn do khách quan. Vẫn chưa có thông tin có ai bị huyền chức vì lỗi điều hành cả. Ông chủ tịch nọ lắm lỗi bị huyền chức lại về cơ quan lớn hơn. Xem ra văn hóa nhận lỗi nơi quan trường chưa như lòng dân ý Đảng! Không lẽ người lớn không dám nhận lỗi như con trẻ trong lớp học lịch sử?

Bảo Dân