TS Trịnh Hòa Bình:

Luận bàn về chính quyền và “thần quyền”

06:46 | 06/03/2013

2,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi các giá trị ảo đang trở nên kiểm soát cuộc sống ngày một nhiều hơn chứng tỏ không ít người đang mất niềm tin vào thế giới thực tại. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đó cũng là căn nguyên của nhiều hành vi “buôn thần bán thánh” diễn ra ngày càng nhiều ở những nơi lễ lạt, cầu may. Chưa kể, hành vi “nhặt” từng xu công đức của người hành hương ở các đền chùa và được làm ngơ bởi có một sự câu kết giữa “thần quyền” và chính quyền. Petrotimes đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Hòa Bình về vấn đề này.

Tin có một thế giới khác để điều chỉnh hành vi ở thực tại

PV: Người ta vẫn cho rằng, hành vi của tôn giáo là hồi quang phản chiếu của đời sống xã hội. Vậy những hành động như cúng bái với mâm to, lễ lớn, tiền vàng rải khắp các lễ chùa hiện nay phải được hiểu thế nào, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Trước hết phải nhìn nhận rằng, tôn giáo là hoạt động văn hóa tinh thần của đời sống nhân dân trong bất kỳ thời đại nào. Ngày nay lĩnh vực của đời sống tâm linh càng ngày càng thể hiện rõ ràng và ngay cả trong lĩnh vực khoa học người ta cũng kiến nghị để dành đất nghiên cứu về câu chuyện này. Có nghĩa rằng, những người công tác trong lĩnh vực đó không bị nhìn nhận, không bị xem xét và quy chiếu như mê tín dị đoan như trước đây. Điều đó chứng tỏ xã hội ta đang dần có những cái nhìn mới, khác đi về “thần quyền”.

Nói về khía cạnh gốc rễ thì chuyện đi lễ cầu may là một trong những hoạt động cơ bản ở lĩnh vực đời sống tinh thần. Nó không chỉ là gia vị làm cuộc sống trở nên hay hơn mà cá nhân tôi cho rằng, trong một số trường hợp, đó còn là sự cứu rỗi cho con người. Nhiều người hỏi nhau rằng, phải chăng có thế giới bên kia, để rồi người ta điều chỉnh hành vi ở thế giới thực tại.

TS Trịnh Hòa Bình

Ở đây, chúng ta không bàn sâu về chuyện đó nhưng rõ ràng nếu có một hệ thống cơ chế kiểm soát làm con người ta hướng thiện hơn trong cuộc đời này thì rõ ràng rất tốt. Và điều đó cũng lý giải tại sao hiện nay người ta rất hay đặt ra nhiều câu chuyện về thế giới tâm linh rất kỳ bí. Do đó đã xảy ra việc buôn thần bán thánh, vật chất hóa quá trình “làm việc tương tác” với thế giới tâm linh, thần phật trời đất.

Dường như một bộ phận đáng kể người ta đang mặc cả chuyện đó. Bằng chứng là người ta không chỉ quẳng tiền với những mệnh giá nhỏ mà thậm chí còn tìm cách thi nhau đẩy lễ vật lớn thêm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là mệnh giá của mâm lễ vật, tiền vàng, hoa quả, tiền cõi âm với những mệnh giá lớn lên. Hình như họ đang nghĩ rằng, cống nạp nhiều thì thu hái về được nhiều hơn. Đó là biến tướng và sự phát triển không lành mạnh, nó làm sai lệch đi hệ thống giá trị vốn có.

PV: Chính Ban Tổ chức ở các lễ hội cũng cố gắng rất nhiều nhưng không ngăn cản được những hành động “không đẹp mắt”. Dường như có một bộ phận dân chúng từ mê tín đã trở thành cuồng tín. Theo ông, hiện tượng đó phản ánh tâm lý gì của người dân?

TS Trịnh Hòa Bình: Một trong những điểm đáng nói trong trường hợp này là tâm lý đám đông, sự bắt chước cộng đồng. Nhưng khi cắt nghĩa tâm lý đám đông và sự bắt chước cộng đồng nó chỉ mang nghĩa tương đối. Điều quan trọng hơn mà chúng ta phải nghĩ đến là tại sao người dân phải tìm đến nó?

Có lẽ hệ thống các hoạt động của đời sống xã hội đối với các thần dân của thế giới hiện tại ngày nay trở nên nhàm chán, xơ cứng. Quan trọng hơn là lòng tin của người ta bị suy giảm trước rất nhiều vấn đề của đời sống thực tại kể cả các giá trị mà họ đang theo đuổi. Vì sao người ta tìm đến thế giới siêu nhiên? Rõ ràng khi người ta mất lòng tin nhiều hơn vào thực tại. Khi họ có lòng tin ở thế giới siêu nhiên họ nghĩ nó có thể tháo gỡ, mặc cả, xin xỏ được bằng cách người ta “mặn đạo” hơn, tức là người ta sùng hơn, tin tưởng và đầu tư nhiều hơn họ sẽ được hưởng nhiều may mắn hơn. Điều này tạm gọi xuất phát từ lòng tham của con người ở thế giới trần thế.

Thực tế cũng có một bộ phận đáng kể đi lễ không phải để “buôn thần bán thánh” mà họ đến với các đền, chùa, miếu mạo với hình thức thăm viếng danh thắng, liên quan đến nhiều yếu tố ở đời sống tâm linh. Nhu cầu của đời sống xã hội lớn hơn thì con người càng cố gắng tìm cách vươn lên để thỏa mãn ngày càng nhiều, càng cao. Họ kết hợp đi du lịch kèm với những hoạt động tâm linh và nó cũng xuất phát từ suy nghĩ: “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” hay “ngoan đạo” thì được.

Bóc tách những hành vi đó, vì sao người ta chủ trương ngoan đạo, vì sao họ chủ trương xin nhiều thế bởi vì họ không còn tin ở năng lực cải tạo hành động khách quan của họ ở đời sống hiện tại. Điều đó có căn nguyên, có “quan hệ bà con gần gũi” với những khó khăn thách thức của thời đại mới mà hiện nay chúng ta đang phải đối đầu. Những khó khăn thách thức của cuộc đời thực đã dồn nén khiến con người ta tìm đến nhiều hơn với thế giới siêu thực, thế giới thần tiên, các giá trị cho dù không phải giá trị ảo đang trở nên kiểm soát cuộc sống ngày một nhiều hơn. 

Lấy “buôn thần bán thánh”… là một thứ tư duy láu cá kiểu đi tắt

PV: Thực tế cho thấy, những năm gần đây dường như người, dân trở nên “cuồng tín” hơn trước, khi mà từ công sở đến nhà riêng đâu đâu cũng thấy cúng bái, lễ lạt, xin xỏ ở phủ to, chùa lớn...?

TS Trịnh Hòa Bình: Người ta có hành vi đua tranh, giẫm đạp lên nhau nhưng trên những mảng lớn ta thấy họ thi đua nhau để sùng kính hơn, ngoan đạo hơn, thờ kỹ lưỡng hơn, đi đến nhiều danh thắng hơn… Nếu chúng ta tổ chức nghiên cứu được những lời khẩn cầu của rất nhiều người sẽ còn khám phá ra những điều khác nữa, chắc chắn họ cầu không chỉ những điều lành mà còn cả khẩn cầu hại người khác. Điều đó cũng xuất phát từ lòng tham của con người. Khi người ta không tự tin thấy mình có thể tranh đua một cách lành mạnh và sòng phẳng nên mới viện dẫn lên một thế lực siêu nhiên.

PV: Dưới góc độ xã hội học, theo ông câu chuyện người dân giải quyết với thần linh bằng tiền phản ánh điều gì ở cuộc sống thực tại? Có phải do hiện tại chúng ta giải quyết mọi vấn đề của xã hội đều bằng tiền là chủ yếu nên họ đem điều đó áp dụng tương tự với các thế lực siêu nhiên không?

TS Trịnh Hòa Bình: Thật khó để khẳng định rằng, mười mươi tất cả các mối quan hệ trong xã hội đều giải quyết bằng tiền nhưng chắc chắn khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường thì những giá trị của đồng tiền lên ngôi. Một khi nhìn nhận lệch lạc những giá trị của đồng tiền theo nghĩa “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” thì nó sẽ là cú kích hoạt để cho cả một hệ thống giá trị mới xâm chiếm, trở thành lũng đoạn.

Đó là câu chuyện có thật trong xã hội chúng ta, nghĩa là xúc cảm của con người đang bị những giá trị vật chất, đang bị đồng tiền quy chiếu, làm tăng thói chộp giật lên, đó là một xu hướng lệch lạc. Nhưng rõ ràng không phải tuyệt đối, ở đâu đó nếu không phải rất nhiều vẫn có người sáng lên những giá trị tốt đẹp hơn giá trị về vật chất. Đây có thể xem như một cuộc kéo co, chiến đấu giữa những giá trị tốt đẹp nhân văn với những giá trị ngụy nhân văn, cái giả với cái thật.

Có lẽ cuộc chiến đấu này diễn ra mãi mãi chứ chúng ta đừng hy vọng nó sẽ dừng lại với sự chắc chắn thắng thế của cái xấu. Tôi không tin cái xấu sẽ thắng thế. Hiện nay có thể coi đó như một nút chập của giai đoạn. Nó cũng có căn nguyên cả thôi. Bởi thực tế đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức quá nên người ta giảm lòng tin giữa con người với nhau.

PV: Thực tế ở nước ta cũng có những ngôi chùa yên bình mà ở đó họ quy định người đến lễ không được công đức, đặt lễ. Một số ngôi chùa ở Lào hay Thái Lan cũng thế. Theo ông, tại sao chúng ta không áp dụng hình thức đó một cách rộng rãi?

TS Trịnh Hòa Bình: Ý đó rất hay vì rõ ràng không phải tất cả mọi nơi người ta đều mong kiếm tìm, nhặt nhạnh những đồng tiền như vậy. Họ có thể phát triển lành mạnh hệ thống nhà chùa không nhất thiết phải đóng góp hay nhặt nhạnh những đồng tiền công đức nhiều đến thế.

Thế nhưng cũng phải khẳng định rằng xu hướng chạy theo đồng tiền đang xâm chiếm vào rất nhiều lĩnh vực kể cả khu vực của các nhà hoạt động tôn giáo. Nếu nói một câu có trách nhiệm, tôi nghĩ đó là một sự câu kết giữa “thần quyền” và chính quyền. Họ cũng mạo nhận danh xưng thế này thế kia để ở đằng sau đó cũng có những sự lũng đoạn về tài chính tiền bạc. Thực tế không hiếm những chùa họ chủ trương đóng góp thẳng và minh bạch. Vì vậy một trong những vấn đề hiện nay là làm sao để minh bạch hóa những đóng góp của khách thập phương, của người dân.

Giẫm đạp lên nhau để tranh ấn đền Trần

PV: Có đáng lo không khi giờ đây số đông người dân từ già đến trẻ, từ trí thức đến nông dân… hầu như ai cũng tin rằng “trần sao âm vậy”. Có một thế giới tâm linh ở đâu đó, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Ở đất nước chúng ta niềm tin theo cách đó không phải có ở một tôn giáo mà nó trở thành một thứ “đạo”: Đạo thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đạo thờ cúng tổ tiên còn thứ đạo mới là sùng phục thần thánh, thờ cúng tất cả những nhân vật đi trước… Điều này được quyết định bởi những người đang sống trong thế giới hiện tại.

Nhưng con người ở đời sống thực tại đã đưa tư duy buôn bán ngoài đời vào quá trình hành lễ và nghĩ là đưa được cho các bậc tiền nhân càng nhiều tiền cho dù là tiền âm phủ hay tiền dương thế sẽ càng xin được nhiều và có thể lấn lướt được người khác. Họ có một câu nói cửa miệng “trần sao âm vậy”, tức là họ quy chiếu toàn bộ các quan hệ đang phức tạp hay rất bừa bộn, bẩn thỉu với mối quan hệ với thần linh và các bậc tiền nhân, họ nói thế giới kia cũng vậy.

Chúng ta sẽ nghe được rất nhiều các thầy tướng, cô đồng, các nhà ngoại cảm… lên nói như sách xem xét rằng hồn người này người nọ vừa nói rằng trật tự ở đó cũng y xì như thế kiểu như “đừng tưởng là oai, xuống đây cũng phải làm lính, cũng thiếu đói…”. Họ áp toàn bộ trật tự thế giới này vào thế giới kia rồi tự biến mình thành nô lệ, một cách vô thức.

PV: Hiện tượng này theo ông sẽ diễn tiến thế nào? Đến bao giờ mới chấm dứt hay cứ tiếp diễn mãi?

TS Trịnh Hòa Bình: Ở đây có một chân lý, khi khoa học lên ngôi, mê tín sẽ bị suy giảm. Nhưng đó là khoa học nào? Khoa học đó phải được thể hiện trên một niềm xác tín tin vào những điều trong cuộc sống trần thế và việc đó bị quy chiếu, tác động bởi sự phát triển của toàn bộ hệ thống nền kinh tế xã hội.

Như vậy chúng ta có thể hình dung nếu đời sống kinh tế lành mạnh, hệ thống chính trị thoáng đãng, chủ trương công bằng và minh bạch để mọi thành viên, mọi tổ chức, mọi nhóm xã hội phát triển công bằng và đời sống xã hội trong thời đại mới được ở mức độ cao, con người không bị kiểm tải, bị nô dịch bởi những tư tưởng lệch lạc. Tức là không thể mỗi ngày một thần bí hóa mặc dù chúng ta có thể đang rất bi quan khi mà chúng ta đang ở trong một biển lễ hội bắt chước nhau và sao chép lại.

Năm nay khó khăn hơn. Chúng ta đã được dự báo trước năm 2013 còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn mặc dù những lời họ chúc nhau sang năm mới toàn những điều tốt đẹp nhưng mọi người nhìn sâu trong mắt nhau đều thấy một sự băn khoăn “không biết ngày mai thế nào?”. Chính vì điều đó mà năm nay dù không dồi dào về tiền bạc nhưng lễ hội, đặc biệt các chùa, đền có “tiếng” đều nườm nượp khách đi lễ.

Tiền rải khắp các ban thờ

PV: Có biện pháp gì để giải quyết, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Không thể làm thay cho toàn thể cộng đồng, cái này từ trong Đảng đến cơ quan Nhà nước. Bây giờ nhiều cơ quan còn đặt cả bát hương trong phòng lúc nào cũng thờ, có ai nghiêm cấm không? Thực ra việc thắp một nén hương thơm không phải xấu, đó cũng chỉ là một mỹ tục. Nhưng xu hướng “buôn thần bán thánh”, mặc cả đang tràn ngập mọi vùng miền, mọi lớp người, vì vậy cần làm cả một cuộc vận động xã hội. Chúng ta đừng bi quan. Nếu nói hài hước một chút, cương lĩnh kế hoạch của chúng ta đến năm 2020 Việt Nam cơ bản là một nước công nghiệp, những cái đi kèm theo để khẳng định là nước công nghiệp là nền kinh tế đủ mạnh, tỷ trọng kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ phát triển hơn nữa… Đi kèm với nó phải là một nền văn hóa lành mạnh, phát triển.

Vì thế nếu đến thời điểm đó chúng ta giải quyết được việc là nước công nghiệp, tôi dám chắc xu hướng việc cúng bái la liệt hay niềm tin bị lung lay chao đảo dẫn đến chuyện tin vào thế giới thần linh sẽ không còn. Tác phong công nghiệp và những phẩm chất của một xã hội công nghiệp không có chỗ đứng cho những niềm tin này mặc dù thật khó để cho rằng niềm tin này là sản phẩm của nền sản xuất tiểu nông. Không đổ vạ được như thế nhưng rõ ràng nó rất gần nhau.

PV: Tôi lại cho rằng điều đó cũng chưa hẳn đúng bởi thực tế từng chứng minh rằng, trong thời kỳ chiến tranh chúng ta không hề có chuyện “buôn thần bán thánh”, mặc dù ngày đó cái chết có lẽ là thứ “ra đường là gặp”… Ông lý giải ra sao về điều này?

TS Trịnh Hòa Bình: Họ nói trong những năm tháng chiến tranh người ta chẳng có thời gian để đi, nói thế chưa hẳn đúng nhưng rõ ràng cũng có những ưu tiên hơn là chiến tranh liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Khi đó giá trị lớn nhất là bảo vệ đất nước. Đời sống tinh thần lành mạnh lắm chứ bây giờ không còn tính cộng đồng, không còn chia sẻ như thế nữa. Điều này do cá nhân mỗi người được thừa nhận hơn, cái “tôi” được công nhận khiến người ta cũng trở nên vị kỷ hơn. Đặc biệt không chỉ cá nhân mà lợi ích nhóm đang khuynh đảo.

Có những thắng lợi ở đời, người ta nhận được nhiều khi không phải bằng sức lao động, bằng năng lực cải thiện môi trường và hoàn cảnh khách quan, không phải bằng học tập mà lại là từ mua bán mà có, từ giẫm đạp. Điều đó có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong xã hội hiện đại.

Tôi có thể so sánh khập khiễng rằng, khi người ta mặc cả với thần linh và thế giới bên kia bằng đồng tiền cũng là một thứ tư duy láu cá kiểu đi tắt. Đó là lúc người trần đang áp dụng cách xử thế của mình sang thế giới tâm linh. Chừng nào chúng ta bỏ được khẩu hiệu “đi tắt đón đầu”, chỉ nên đi nhanh chứ không thể đi tắt, không có trò láu cá thì tôi tin các hiện tượng cũng bái, xin xỏ… cũng sẽ giảm dần.

PV: Xin cảm ơn ông.

Thanh Huyền - Thái Linh (thực hiện)