Mất trộm... lòi “quan tham”

06:45 | 15/08/2014

2,737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, những vụ mất trộm với giá trị tài sản lớn của các gia đình quan chức ngày một nhiều. Và từ những vụ trộm lớn ấy, lộ diện những quan chức giàu có, đồng thời cũng lộ diện những băng trộm cắp chuyên rình mò nhà quan. Xa hơn nữa, dư luận cũng muốn làm rõ vấn đề: Các quan chức lấy đâu ra nhiều tiền của đến như vậy? Xin điểm qua một số vụ tiêu biểu:

Năng lượng Mới số 348

Sáng 11/8 vừa qua, ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM đã trình báo công an vì bị mất trộm gồm 1 tỉ đồng và 30.000USD. Số tiền này ông cất tại phòng làm việc của mình ở cơ quan và đó là tiền mà gia đình ông chuẩn bị mua nhà cho con.

Trước đó, bà kế toán trưởng Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh, vợ ông Ðội trưởng Ðội đăng ký trước bạ thuộc Chi cục Thuế quận Bình Tân, TP HCM bị trộm cạy phá chiếc két sắt đặt trong phòng ngủ, mất tổng trị giá hơn 6 tỉ đồng.

Vụ trộm 247 lượng vàng tại nhà riêng ông Chủ tịch HÐTV Công ty TNHH MTV cao su Bình Thuận, tại thị trấn Võ Xu, huyện Ðức Linh, Bình Thuận do 4 người đóng giả mua ve chai thực hiện. Chúng đã phá két sắt, lấy toàn bộ 247 lượng vàng và hơn 20 triệu đồng của gia đình nói trên.

Ngày 7/5, bà Dương Thị H, ở phường Ðức Xuân, thị xã Bắc Kạn (là vợ ông Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn) trình báo bị kẻ gian đột nhập lấy trộm 40.000USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 đôi nhẫn cưới và số tiền gần 100 triệu đồng.

Mất trộm... lòi “quan tham”

Nhìn vào các đối tượng bị hại thì thấy họ đều là quan chức cỡ cấp quận, huyện trở lên. Với những cán bộ này, nếu làm ăn chân chính thì thu nhập từ tiền lương và bổng lộc cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu, tiết kiệm lắm thì cũng chỉ dành dụm được một phần lo cho con cái học hành và đề phòng khi gia đình có việc đại sự. Thế mà ngoài nhà lầu, xe hơi và nhiều đồ dùng đắt tiền, họ vẫn còn có những khoản tài sản khổng lồ gồm tiền Việt, USD, kim cương, hạt xoàn, nhiều sổ tiết kiệm. Với điều kiện kinh tế nước ta, khó ai có thể khẳng định rằng, số tài sản ấy do mồ hôi, công sức và trí tuệ họ làm ra được.

Tiền của để ở nhà bị mất trộm, để ở cơ quan cũng bị trộm nẫng mất. Tại sao họ không gửi vào ngân hàng nhỉ? Khổ một nỗi, cán bộ công chức ở ta sợ bị lộ! Tiền để ở nhà, vợ con lấy ra tiêu bừa bãi có khi lại dính vào tệ nạn xã hội, hư hỏng, ảnh hưởng đến uy tín của mình với cơ quan. Thế thì phải cất giấu ở cơ quan. Nhưng gần đây, cơ quan cũng đã bị trộm “thăm hỏi” nhiều. Tệ thật! Sao thiếu gì chỗ để ăn trộm mà bọn đạo chích lại nhè vào đám quan chức ngay tại cơ quan để lấy?

Thật đơn giản! Quan chức mới lắm tiền, nhiều của và ăn trộm của quan mới bõ công sức bỏ ra rình mò, chôm chỉa “được ăn cả, ngã vào tù”. Lũ trộm cao tay bây giờ nghĩ thế và đã hành động đúng như thế. Trong khi đó, không phải quan chức nào mất trộm cũng dám tố giác, trình báo công an. Ðã có một số trường hợp mất rất nhiều tiền của mà im như thóc, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tại sao lại như vậy? Vì các quan này nghĩ “của đi thay người”; nói ra chắc gì tìm được mà dư luận xì xào bàn luận thì còn đau hơn. Thôi thì “mất keo này, bày keo khác”, mình còn đương chức, đương quyền, còn có “cửa” để kiếm chác thì chấp nhận làm lại từ đầu vậy. Những năm tháng cuối của cuộc đời công chức, nếu chịu khó nhặt nhạnh thì vẫn có chút để dành cho sau này về hưu!

Cũng có gia đình quan chức mất nhiều nhưng sợ thiên hạ soi mói, nghi ngờ và đàm tiếu nên có tố giác mất trộm cũng chỉ nói ra số lượng rất ít, gọi là cho có. Chẳng hạn vụ trộm cắp tại nhà riêng của vợ chồng ông Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trưởng phòng tổ chức Cục Thuế tỉnh Gia Lai. Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy đi khoảng 2,792 tỉ đồng. Nhưng một tuần sau, bà vợ có đơn trình báo gửi Công an TP Pleiku, bà chỉ khai bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 5 cây vàng!

Rồi vụ trộm đột nhập nhà riêng ông Trưởng ban Quản lý Dự án huyện Ðông Hải (Bạc Liêu), ở thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) lấy đi tài sản trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng trong két sắt. Khi trình báo, ông nói tài sản trên gồm 1 tỉ đồng tiền mặt của nhiều doanh nghiệp gửi để qua tết nộp ngân sách; 4.000USD của cha mẹ vợ ông gửi, còn tiền, vàng là tài sản của gia đình (?). Tiền của tập thể lại gửi ở nhà riêng; ngoại tệ của bố mẹ vợ lại gửi con rể... nghe cũng lạ!

Từ lâu nay, qua tai mắt người dân, bằng sự giám sát của dân, rất nhiều quan chức đã bị tố giác về khối tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc, không có cơ sở hình thành từ nguồn thu nhập bình thường ở vị trí công tác của các quan chức ấy. Thế rồi, quy định cán bộ công chức Nhà nước phải kê khai tài sản cá nhân tưởng như sẽ làm rõ được những quan chức có tài sản khủng. Nhưng việc quan chức khai thế nào là tùy ý và chuyện xử lý thế nào, có xử lý tận gốc hay không lại rơi vào im lặng. Ðó là một lỗ hổng rất lớn, không chỉ dung dưỡng tình trạng tham nhũng, trong đó có hối lộ - nhận hối lộ mà còn tạo ra môi trường cho những giao dịch bất hợp pháp, đặc biệt là cả hiện tượng rửa tiền. Cơ quan pháp luật và những người có trách nhiệm vẫn làm ngơ việc này, bởi có sự liên quan đến những nhóm lợi ích họ đang nắm giữ. Vì thế mà nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa có dấu hiệu khả thi.

Ðại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc rất có lý khi nhận xét rằng: Câu bình luận đúng và đơn giản nhất trong trường hợp này là ngạn ngữ “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Những chuyện quan chức lộ tài sản “khủng” phản ánh bức tranh toàn cảnh về một thực trạng quản lý xã hội của chúng ta, cụ thể là quản lý tài sản của những người không chỉ giàu có mà còn có quyền lực.

Ở Việt Nam, việc này cũng được xác định là quan trọng khi nhiều lần các cơ quan quản lý Nhà nước nói đến việc giám sát tài sản cán bộ nhưng chưa bao giờ chúng ta đưa ra được các biện pháp có tính chất căn bản, căn cơ, nhất là quản lý thu nhập.

Hiện tượng thì ai cũng thấy, cũng hiểu nhưng vấn đề là chưa bao giờ thấy được xử lý, giải quyết triệt để. Cho nên trên thực tế, phải nói là dường như những người có trách nhiệm vẫn cố tình “lờ” những việc này.

Bọn trộm cứ “sờ” đến quan chức nào thì hầu hết đều khui ra khối tài sản lớn cả. Mà các quan chức có bị trộm “hỏi thăm” thì mới lộ ra những tài sản như thế. Còn rất nhiều quan chức khác khôn ngoan, cảnh giác hơn thì vẫn giữ được an toàn cả người và tài sản, trong đó có cái ghế họ đang ngồi.

Nói tóm lại là có mất trộm thì mới lộ diện quan tham! Mà quan tham đã lộ diện nhưng không bị xử lý nghiêm minh thì quan còn tiếp tục tham nữa!

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc