Máy móc quá?!

10:02 | 18/10/2014

1,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin về việc Sở Nội vụ TP HCM từ chối tiếp nhận các hồ sơ thi tuyển công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế như TOEFL, TOEIC khiến các ứng viên giật thột và dư luận nổi đóa vì cách nghĩ, cách làm kỳ cục trong tuyển chọn người giỏi, có năng lực ngoại ngữ vào các cơ quan Nhà nước.

Năng lượng Mới số 366

Trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP Lê Hoài Trung ra sức giải thích rằng, bằng TOEFL và TOEIC là chứng chỉ của nước ngoài, trong khi luật pháp Việt Nam quy định thi công chức ở các cấp độ yêu cầu chứng chỉ Anh văn theo các cấp độ A, B, C. Như thế, áp theo quy định hiện hành, việc từ chối nhận những hồ sơ thiếu bằng tiếng Anh A, B, C và dư chuẩn khi có bằng theo chuẩn quốc tế của Sở Nội vụ TP HCM không sai (!?).

Máy móc quá?!

Thế nhưng, câu chuyện “ngang cành bứa” này khiến bạn đọc lăn tăn nhiều điều. Điều đầu tiên là việc vận dụng một cách máy móc và méo mó của Sở Nội vụ TP HCM đã coi thường và không khuyến khích người tài, người giỏi, sử dụng tương đối thành thạo ngoại ngữ tham gia thi tuyển công chức. Người dân đâu có lạ lùng với các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C dễ mua như mua rau ngoài chợ và cam đoan hầu hết những người có chứng chỉ ngoại ngữ A, B không thể chào hỏi ông tây, bà đầm cho đúng phép chứ đừng nói gì đến đọc, nghe, nói, viết. Thứ hai, việc liều mình nói không với bằng tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cũng là  hạ chuẩn tuyển dụng cán bộ, công chức. Hóa ra các ông nội vụ chỉ thích sử dụng chứng chỉ dù là A, B, C thật để làm cảnh, làm đẹp hồ sơ. Các chuyên gia ngoại ngữ tiếng Anh khẳng định rằng, chứng chỉ tiếng Anh A, B, C hiện đã lạc hậu. Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh phải được chuẩn hóa theo khung tham chiếu châu Âu, hướng tới mục tiêu lấy chứng chỉ quốc tế TOEIC hoặc TOEFL. Nhiều trường đại học đã đặt ra yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có điểm TOEIC là 450-550. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT cũng đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc và dự kiến sẽ miễn thi môn này cho những thí sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tại nhiều nước ASEAN, nhờ coi trọng việc dạy và học tiếng Anh theo khung tham chiếu của châu Âu và Mỹ đã thành công trong việc phổ cập tiếng Anh, nay nếu làm theo mấy ông nội vụ TP HCM thì biết bao giờ mới có đội ngũ công chức không cần phiên dịch khi giao tiếp, làm việc. Chợt nhớ, trong ngành Dầu khí Việt Nam hiện đã có nhiều đơn vị  khi tổ chức giao ban, hội nghị sản xuất, kinh doanh ở liên doanh toàn dùng tiếng Anh. Có lần Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mời lãnh đạo phía đối tác họp chi bộ cũng nói luôn bằng tiếng Anh. Giá như có dịp mời lãnh đạo nội vụ thành phố dự để xem với chứng chỉ A, B, C, các vị có thành “vịt nghe sấm”!

Ai cũng biết, TP HCM luôn đi đầu trong lĩnh vực giáo dục. Ngành GD&ĐT TP HCM đã chú trọng đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ, mạnh dạn đưa nhiều chương trình tiếng Anh tiên tiến vào trường học, tạo điều kiện cho học sinh lấy bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho các cấp độ. Vì thế, mặt bằng tiếng Anh của học sinh TP HCM vượt trội các địa phương khác và điều này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế này đòi hỏi cần thay đổi cách thức tuyển dụng công chức, viên chức để chọn lọc người tài, người giỏi thực sự vào những vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao, khả năng sử dụng ngoại ngữ đạt chuẩn. Bên cạnh đó, để xóa bỏ các quy định cứng nhắc về thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, ngành nội vụ phải thay đổi tư duy, sửa đổi cơ chế, chính sách lạc hậu, không sát với thực tiễn về tuyển chọn nhân sự, chức danh công việc. Đừng để người tài, có năng lực bị loại ngay từ vòng đầu và chỉ tuyển những ứng viên có hồ sơ đẹp, hợp lệ theo quy định.

Nói phải củ cải cũng nghe, ngày 13-10, UBND TP HCM có văn bản chấp thuận cho thí sinh thi công chức được nộp chứng chỉ quốc tế thay thế chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia tiếng Anh, trong khi trước đó quy định chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc gia.

Theo tin tức trên báo chí, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B được thay thế bằng một trong các chứng chỉ: TOEFL 400 PBT hoặc 42 iBT trở lên; IELTS 4.5 trở lên; TOEIC 405 trở lên. Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A được thay thế bằng một trong các chứng chỉ: TOEFL 347 PBT hoặc 19 iBT trở lên; IELTS 2.0 trở lên; TOEIC 255 trở lên.

UBND thành phố yêu cầu Sở Nội vụ thành phố có văn bản triển khai chỉ đạo trên cho các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện có tuyển dụng công chức để hướng dẫn thí sinh hoàn thiện hồ sơ.

Dư luận càng hoan nghênh cách xử lý sáng suốt và kịp thời của UBND TP HCM bao nhiêu thì càng phàn nàn cung cách tham mưu của Sở Nội vụ bấy nhiêu. Tại sao các vị không chịu xin ý kiến UBND hay Bộ Nội vụ để cứ khăng khăng cự tuyệt bằng thật, người tài để giữ bằng được cách nghĩ, cách làm bảo thủ?

Minh Nghĩa

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc