Muốn thành "sao" trước hết phải thành người!

15:10 | 22/09/2012

923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai đó nói rất đúng rằng, muốn thành “sao” trước hết phải thành người đã. Câu này vận vào việc giáo dục các “sao hư” là quá đúng.

Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương trở về sau cuộc thi Hoa hậu Thế giới bỗng nhiên có thông tin là Mai Phương bị bắt cóc. Nghi vấn đều dồn vào một anh trung úy công an, bạn trai của Mai Phương khi anh này đã tuyên bố rằng, nếu Mai Phương đi du học thì anh ta sẽ giết cô rồi tự tử chết theo. Một tuần sau Mai Phương lù lù trở về nhà và nói là chỉ đi chơi xa với bạn bè chứ không hề có chuyện bị bắt cóc. Dư luận bàn tán mãi không thôi về thái độ và hành vi khó hiểu của Hoa hậu Mai Phương.

Mùa thi hoa hậu vừa qua đã khép lại. Ứng viên nọ bị loại, hoa hậu đã nhận vương miện… Nhưng lại có chuyện một “thiếu phụ” đã cưới chồng nhưng khai man trích ngang để đi thi và đã qua trót lọt vòng “gửi xe”. Năm 2008 đã lùm xùm về Hoa hậu Thùy Dung chưa tốt nghiệp THPT khiến báo chí tốn bao giấy mực. Nay chưa chừa lại vẫn còn chuyện cô hoa hậu học gì, ở đâu, trung học hay cao đẳng đang rối như gà mắc tóc. Ông đốc học mới đầu bảo cô chưa, sau lại bảo là đã đỗ đặc cách mà không dám trưng ra đủ quyết định cho thi đặc cách, danh sách hội dồng thi và các bài thi của cô này. Không lẽ người lớn xui trẻ con ăn cứt gà khi đồng tình với trò gian dối. Thật uổng cho sự tôn vinh của quê hương cô hoa hậu 2012 này. Không biết trò hề đối phó loanh quanh này sẽ đi đến đâu?! Ai cũng biết học THPT hay học THCN cũng được thi cơ mà. Việc gì phải trí trá.

Đây là sao chân dài. Chuyện sao chân khỏe cũng có chuyện thuộc về giáo dục. Suốt tuần qua, nghi án Nguyễn Huy Hoàng (31 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An), Đội trưởng CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An “phê” thuốc lắc trong ôtô rồi gây tai nạn ở Thanh Hóa đã khiến nhiều fan rùng mình vì lỡ tung hô cậu này.

Chuyện “bay lắc” của giới túc cầu trẻ không mới. Từng có vụ bắt tại trận những cầu thủ chuyên nghiệp tàng trữ trái phép chất ma túy (như người của HN.ACB, của HN T&T, Hải Phòng bị tóm khi đang tưng bừng “lắc”).

Trong góc khuất mà không phải ai cũng biết của bóng đá Việt Nam, chuyện cầu thủ giải trí bằng thuốc lắc, bằng ketamine và “đập đá” là chuyện thường ngày ở đội. Các câu lạc bộ, từ trong Nam cho đến ngoài Bắc, hình như còn có một “đội” khác tập hợp các cầu thủ “biết chơi”, chung niềm đam mê với cảm giác “ảo” sau giờ ra sân tập. Lắm cậu ra sân chỉ tập cho đủ bài để rồi ngồi dài trên ghế dự bị, chứ mấy khi được đá chính. Có vẻ như lãnh đạo đội biết tỏng tính nết, thói quen và cả sự nghiện ngập của đám cầu thủ này. Theo các fan bóng đá, chẳng qua họ giữ chỗ làm ăn và giữ thể diện. Gần đây, có chuyện một ông bầu đội bóng phải nghiến răng cắt hợp đồng với một cầu thủ từng khoác áo U23 Việt Nam, chỉ vì cậu ta mê “bay” hơn mê bóng. Cánh cửa tương lai đóng sập lại vì theo HLV “cái thân tàn ma dại ấy giữ quả bóng còn không nổi thì đá đấm gì”!? Lại nghe nói có ông HLV đi kiểm tra lính tráng trong đêm, khi mở cửa phòng bắt gặp mấy cậu học trò mình đang say sưa “đập đá”. Trong khi thầy “ngạc nhiên chưa” thì trò lại coi như không có chuyện gì to tát xảy ra. Thế rồi cũng chỉ là nhắc nhở, lưu ý, dặn dò qua loa. Ông HLV này thừa biết có cấm cũng chẳng ăn thua.

Xem ra thảm họa của các sao trên sàn hay trên sân cỏ phần nhiều đều do giáo dục mà nên!

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 157, ra thứ Sáu ngày 21/9/2012)