Nghĩ từ Đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam

16:00 | 10/09/2014

3,175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi không bàn đến những chiến thắng khiến người hâm mộ ngây ngất của Đội tuyển Bóng đá U19 Việt Nam, từ giải đấu U19 tại Indonesia, cho đến vòng bảng U19 châu Á, rồi giải đấu U22 Đông Nam Á tại Brunei và hiện tại là giải đấu U19 Đông Nam Á (2014) đang diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Tôi chỉ bàn đến sự quyết tâm và tại sao bóng đá làm được nhưng những lĩnh vực khác thì lại không (?).

1. Hồi thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi nhớ trong trận đấu tại SEA Games mà Đội tuyển Quốc gia Việt Nam đã thua Đội tuyển Thái Lan với tỷ số 2-4, tỷ số hiệp 1 của trận đấu là 1-1. Tôi nhớ như in một chi tiết trên hàng loạt tờ báo vào thời điểm ấy: “Hiệp 1, chúng ta đã cầm chân được Thái Lan”. Nghĩa là, chỉ cần hiệp 1 cầm chân được người Thái thôi, thì Đội tuyển Việt Nam cũng đã hay lắm rồi, cũng đã đáng khen lắm rồi, cũng đã can trường lắm rồi. Ngoại trừ hồi năm 1998, với sự xuất thần của Đội tuyển trên sân Mỹ Đình, chúng ta đã có chiến thắng 3-0 trước người Thái. Còn lại, cứ hễ thấy bóng dáng người Thái Lan trên sân là người hâm mộ lập tức nảy sinh cảm giác “chỉ mong đừng thua quá đậm”. Còn giả mà được xếp trong bảng đầu vòng loại có sự góp mặt của Thái Lan, thì ngay cả người trong đội tuyển cũng xác định “Thái Lan nhất bảng, chúng ta cố nhì bảng”. Sau này, năm 2008, chúng ta thắng Thái Lan ngay trên đất Thái Lan với tỷ số 2-1, rồi cầm hòa Thái Lan 1-1 trên sân Mỹ Đình để đoạt ngôi vô địch AFF Cup lần đầu tiên.

Không chỉ có giải đấu có sự tham gia của Đội tuyển Quốc gia, mà ngay cả các giải đấu trẻ thì sự có mặt của Thái Lan vô hình trung biến thành con “ngáo ộp” trong mắt Đội tuyển Việt Nam.

Thế nhưng, xem U19 Việt Nam đá với U19 Thái Lan cách đây vài tuần ở Brunei trong giải đấu U22 Đông Nam Á, nhìn cái cách mà những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Tuấn Tài, Văn Toàn… ép sân khiến cho các cầu thủ đội Thái Lan phải đá co cụm, đá rắn, đá bằng tâm lý yếm thế (hệt như ngày xưa Đội tuyển Quốc gia Việt Nam mỗi lần gặp Thái Lan) lại khiến chúng ta hoàn toàn không bất ngờ.

Không bất ngờ là bởi U19 Việt Nam đang đá hay quá, càng đá càng nhuần nhuyễn, càng đá càng lên chân. Bản lĩnh trận mạc của mỗi tuyển thủ cùng sự phối hợp đã kết dính hơn sau từng trận đấu.

Nghĩ từ Đội tuyển bóng đá Quốc gia U19

Công Phượng (số 10) - cầu thủ được vinh danh nhiều ngày qua với bàn thắng vào lưới đội tuyển U19 Australia.

Nhìn cái cách mà Đội tuyển U19 Việt Nam đã vượt qua U19 Australia với tỉ số 1- 0 mới thấy hết sự chững chạc của các tuyển thủ quốc gia U19.

Mất bao nhiêu năm để có một đội tuyển U19 làm nức lòng người hâm mộ như hiện tại. Tính đến thời điểm này, là mất 7 năm.

Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức quyết định thành lập trung tâm bóng đá trẻ theo dạng liên kết Học viện JMG Arsenal. Ông thực hiện điều này sau khi đọc xong bài báo và tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại Học viện JMG Arsenal Thái Lan.

Thời điểm đó, ông Đoàn Nguyên Đức có nói: “Bóng đá Việt Nam luôn thất bại trước Thái Lan. Trong việc đào tạo tài năng trẻ, họ cũng hơn chúng ta. Ngay cả việc bắt tay vào xây dựng học viện, họ cũng đi trước Việt Nam hai năm. Vậy thì biết đến bao giờ giấc mơ quật ngã Thái Lan trên sân cỏ mới thành hiện thực? Chính vì vậy, tôi quyết định: đã đến lúc phải thể hiện khát vọng vươn lên, xây dựng hình ảnh một Việt Nam quật cường với bè bạn thế giới, chứ không thể chấp nhận những gì đang có”.

Bằng tiềm lực kinh tế cũng như khả năng thương lượng của ông và các cộng sự, Hoàng Anh Gia Lai JMG đã hiện hữu tại Việt Nam. Đó là một sự kiện chấn động trong công tác đào tạo bóng đá trẻ vào thời điểm này.

Làm phép tính đơn giản nhất, cũng thấy được ông Đoàn Nguyên Đức đã quyết tâm như thế nào trong công tác đào tạo bóng đá. 5ha cao su đang độ cho mủ (bình quân thu được 300 triệu đồng/ha/năm) giờ được dọn trống để lấy đất xây dựng Học viện JMG Arsenal Hoàng Anh Gia Lai. Có nghĩa là mỗi năm ông Đoàn Nguyên Đức sẽ mất khoảng 1,5 tỉ đồng (chưa tính lũy tiến), hàng chục tỉ đồng sẽ bị ném vào bóng đá theo cách này.

Vào tháng 3 và 4/2007, ba chuyên gia bóng đá (Pháp và Bỉ) của Học viện JMG đã đích thân đến hàng loạt các tỉnh thành lớn nhỏ của Việt Nam để tuyển chọn lứa cầu thủ trẻ đầu tiên. Đó thật sự là những ngày hội bóng đá, với cả vạn trẻ em đường phố và khối trường học cấp I được kiểm tra theo giáo trình riêng của học viện (nếu có nhu cầu chơi bóng đá).

Học viên đạt tiêu chuẩn do JMG đưa ra, sẽ được ông Đoàn Nguyên Đức đài thọ toàn bộ chi phí ăn học, sinh hoạt khi tham gia huấn luyện với lời cam kết của phía Arsenal “Bảy năm sẽ có một lứa cầu thủ hay”.

Nghĩ từ Đội tuyển bóng đá Quốc gia U19

Đội tuyển U19 Việt Nam đang minh chứng nhiều giá trị với người hâm mộ.

Và những cầu thủ đây chính là nòng cốt của Đội tuyển U19 Việt Nam hiện tại (gọi là Đội tuyển U19 Việt Nam - Hoàng Anh Gia Lai JMG Arsenal cũng không sai). Không chỉ đá bóng hay, họ còn thông thạo các cầu thủ còn thông thạo hai ngoại ngữ là Anh và Pháp. Khi cần thiết, họ có thể trao đổi trực tiếp với trọng tài, cầu thủ trên sân chứ không chỉ là…chắp tay vái hay tỏ ra vô tội bằng các động tác biểu thị. Họ cũng được dạy không đá xấu đối phương, không ăn vạ, không câu giờ.

Thế nên, có gì là khó hiểu đâu khi mà dẫu thắng hay thua thì U19 vẫn chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ.

Trước khi JMG Arsenal được mang về, những cá nhân làm lãnh đạo liên đoàn bóng đá nước mình vẫn cứ loay hoay không biết sẽ phát triển bóng đá theo con đường nào. Họ cứ làm bóng đá trẻ theo kiểu thuận tay mượn một đội bóng đá trẻ của Câu lạc bộ nào đấy để đi đá giải khu vực hay các giải đấu được mời. Câu lạc bộ hay được chọn nhất ngày trước chính là Sông Lam Nghệ An.

Thế nhưng, giải pháp tạm thời đó chưa bao giờ mang lại hiệu quả thật sự ngoại trừ lứa Văn Quyến, Công Vinh… vào thời điểm còn khoác áo Đội tuyển U16 quốc gia tham gia vòng chung kết U16 châu Á. Mặc cho, các cầu thủ Việt Nam luôn được những chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao về tư duy chiến thuật, kỹ thuật cá nhân, sự nhanh nhẹn… nhưng không hiểu sao cứ càng lớn lại càng nhanh lụi tàn.

2. So sánh bóng đá với những lĩnh vực khác e rằng khập khiễng, nhưng sự quyết tâm, ý chí chinh phục để đạt được những thành công bước đầu kiểu U19 Việt Nam đang làm được là điều cũng đáng phải suy ngẫm.

Bao nhiêu năm nay, các nhà quản lý cứ loay hoay trong một mớ bòng bong trên nhiều mặt trận, từ y tế, văn hóa cho đến giáo dục, xây dựng… Bộ trưởng nào cũng gặp phản ứng; ban, ngành nào cũng lâm vào tình cảm mất niềm tin vì thực trạng đã diễn ra. Hết sự vụ này kéo theo sự vụ khác, lắm khi áp lực đến mức là Bộ trưởng Bộ Y tế phải thốt lên: “Tôi chưa thể từ chức vào lúc này”. “Từ chức” là hai từ rất nhạy cảm mà ít quan chức nào tại nước mình dám sử dụng.

Tại sao một tư nhân thì làm được, mà một tập thể với đầy đủ những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành làm cố vấn, với thực quyền được quy định, với ngân sách được cấp phát, với rất nhiều thuận lợi nhưng lại chưa có được một quyết tâm như một tư nhân (?!). (Lưu ý, tôi đang bàn về quyết tâm, chứ tôi không bàn về vi mô hay vĩ mô). Hay là bởi tư duy nhiệm kỳ đã choán hết khả năng thấu thị tương lai của nhiều lãnh đạo bộ, ngành (?).

Làm sao con sư tử đá của Trung Hoa có thể vào được các khu di tích, đình chùa nếu như người làm văn hóa nghiêm túc hơn. Làm sao tai nạn giao thông lại có thể xảy ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, nếu người đặc trách hiểu được chuyện “chém gió là dễ, làm mới khó”. Làm sao để tìm được sự đồng thuận, khi mà tất cả những dự thảo về giáo dục ở thời điểm này đều nghe đâu đó có mùi của “một cuộc tổng tấn công ngân sách Nhà nước” hay bảo vệ lợi ích của một nhóm cá nhân. Làm sao tạo được sự an tâm cho người dân khi mà ngay cả mũi vắc-xin cũng có thể khiến nhiều trẻ em tử vong, người bệnh nằm hành lang, không cấp cứu nếu chưa đóng viện phí…

Vậy đó, cũng như bóng đá, muốn có được thành quả thì ngoài chuyên môn, ngoài tầm nhìn cần lắm một sự quyết tâm không vụ lợi. Sự quyết tâm vì cái chung, vì nỗi muốn phụng hiến cho xã hội.

Quá khó để hy vọng vào ngày thu hoạch quả ngọt, nếu như thay vì gieo mầm lành, người ta toàn gieo nhiệm kỳ để hy vọng thu được những điều gì đó (?!).

Ngô Kinh Luân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc