Người tài ngán "chạy chợ" công chức!

07:00 | 12/12/2012

1,513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vấn đề không mới nhưng lại luôn “nóng”. Và như một quy luật tất yếu, mỗi dịp cuối năm, khi mà các chỉ tiêu biên chế đã được các tỉnh thành, thành phố lên kế hoạch thì những cuộc “chạy chợ” giành lấy một suất công chức cũng trở lên sôi động.

Nạn chạy công chức, biên chế đang diễn ra rất nhức nhối ở Hà Nội.

Tại phiên thảo luận vừa qua của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Ngọc Dực đã khẳng định: “Chạy” làm công chức thủ đô không dưới 100 triệu đồng.

Từ đó, ông cũng nhấn mạnh: Việc thi tuyển công chức của TP Hà Nội hiện nay không ổn một chút nào. Việc phân cấp cho quận, huyện tổ chức thi tuyển công chức khối quận, huyện là đúng rồi. Nhưng việc quản thi tuyển công chức ở quận, huyện ra sao cũng là một vấn đề. Thời gian vừa qua một số quận, huyện tổ chức thi công chức rất tốt, nhưng cũng có một số đơn vị thi công chức là việc "chạy" để được thi, "chạy" để được đỗ".

Qua đó để thấy rằng, nạn “chạy chức” đang thực sự là vấn đề nhức nhối của Hà Nội. Và trong lúc, Đảng và Chính phủ đang đặt quyết tâm làm trong sạch bộ máy công quyền, tăng tính minh bạch, công khai khi thực thi các thủ tục hành chính nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công chức, chống tham ô lãng phí thì đây thực sự là bài toán khó với chính quyền Thủ đô Hà Nội.

Nói thì nói vậy, nhận diện thì cũng đã nhận diện như vậy rồi, xong theo tìm hiểu của Petrotimes thì hiện tượng này lại đã và đang diễn ra tại không ít cơ quan, ban, ngành của thành phố Hà Nội.

Một sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học Lao động Xã hội, Hà Nội (quê ở Việt Trì – Phú Thọ) kể: Học xong, cũng như nhiều bạn khác trong lớp, em cũng ấp ủ mơ ước được làm việc ở Hà Nội. Vừa rồi, sau khi tốt nghiệp Khoa kế toán của trường, em cũng đã nộp hồ sơ thi tuyển công chức của Hà Nội trong năm 2013.

Tuy nhiên, sinh viên cũng tâm sự rằng: Thực ra, đa số bạn bè em nộp hồ sơ thi chủ yếu là muốn lấy kinh nghiệm thôi chứ chẳng mấy ai nghĩ mình sẽ đỗ cả. Bây giờ có mấy ai dựa vào năng lực bản thân để được tuyển chọn vào làm tại các cơ quan Nhà nước đâu. Muốn đỗ, người ta giờ “chạy’ mà phải “chạy” đúng cửa, nhờ đúng người thì mới được.

“Nhiều anh chị khóa trước mà em biết cũng bảo, em thi làm gì cho mất công, chẳng bao giờ đỗ được đâu. Dân Hà Nội với nhau thi tuyển công chức còn “đánh nhau” loạn nên khốn chi mình là dân ngoại tỉnh” – sinh viên này bi quan.

Đây là một câu chuyện hết sức thực tế của nhiều bạn sinh viên vừa ra trường nhưng nuôi ước vọng được làm công chức Thủ đô, nhưng để ước mơ đó trở thành hiện thực thì gần như không thể. Hà Nội vẫn hô hào chính quyền địa phương các cấp, các ngành phải công tâm trong công tác thi tuyển công chức nhưng xem ra, như lời phát biểu của ông Dực thì đó là điều quá xa xỉ.

Ông Trần Ngọc Dực: Chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng.

Trong một lần đến chơi nhà một người bạn – có bố làm quan cỡ bự của Hà Nội, tôi đã được nghe câu chuyện thế này.

Chẳng là, vì làm quan to nền năm nào ông cũng có suất công chức, biên chế làm việc tại một sở, ban ngành nào đó của Hà Nội. Chuyện này thì nhiều người quen ông đều biết, vậy nên, cứ mỗi dịp Hà Nội chuẩn bị tổ chức thi tuyển công chức là căn nhà 5 tầng nguy nga, lộng lẫy của gia đình ông lúc nào cũng có người ra kẻ vào. Người ta tìm đến ông chẳng có mục đích gì khác là nhờ tìm cửa xin việc, chạy việc cho con, cho cháu họ.

“Một suất công chức, biên chế ở Hà Nội có giá vô cùng, chỗ nào ngon thì lên tới vài ba trăm triệu, mà làng nhàng thì cũng phải trên trăm triệu” – người bạn của tôi bật mí.

Hỏi rộng ra thì tôi được biết, chuyện sếp A, lãnh đạo B có suất công chức tại cơ quan mà mình đang công tác nó như là “chuyện thường ở huyện” và là điều hiển nhiên, tất yếu xảy ra. Vậy nên mới có không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” là người tài, người giỏi, có tâm huyết thì cứ long đong, lận đận mãi không thể kiếm được việc làm đành chấp nhận từ bỏ hoài bão, ước mơ suốt 4 năm đại học.

Có mặt tại một quán nhậu nhỏ trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội), tôi khá bất ngờ khi biết Việt Anh - ông chủ của quán vốn là một trong những sinh viên ưu tú của trường Đại học bách khoa Hà Nội.

Theo như thông tin mà một người quen của Việt Anh cho biết thì, Việt Anh tốt nghiệp chuyên ngành Tự động hóa loại xuất sắc. Anh từng không ít lần nộp hồ sơ xin việc vào các cơ quan Nhà nước và trải qua không dưới 5 lần thi tuyển công chức nhưng đều thất bại. Quá chán nản, Việt Anh đã về nhà mở hàng anh và chấp nhận “bỏ rơi” những kiến thức mình đã học được vào trong ký ức.

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện xin việc, tìm việc và chấp nhận từ bỏ nghề nghiệp của những tân sinh viên, cựu sinh viên ở Hà Nội cũng như không ít tỉnh thành trong cả nước. Hiện tượng “chạy công chức” giờ được người ta ví như cái “chợ”, chỉ có điều, cái chợ đó bán một thứ hàng hết sức đặc biệt và khách hàng của nó cũng được liệt vào hàng đặc biệt không kém.

Vé vào những khu chợ này cũng là cả một vấn đề bởi nếu không có quyền thì phải là người có tiền. Mà điều này thì với những sinh viên “nông dân” thì làm gì có và hệ quả tất yếu, họ có được tham gia “phiên chợ” đó thì cũng chỉ dừng ở mức đứng nhìn, đứng ngắm mà thôi. Nếu có tham gia một cuộc thi nào đó thì cũng chỉ là thi cho “phiên chợ” đông vui, nhộn nhịp hơn. Người nào có may mắn đỗ đạt thì cũng chẳng khác nào anh chơi một trò chơi và đạt giải thưởng là một món đồ nào đó tại phiên chợ. Và tất nhiên, “hàng” khuyến mại thì giá trị chắc chắn chẳng thể cao được, công việc mà họ nhận được rồi cũng sẽ như vậy mà thôi.

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc