Những "bệnh nhân" của bệnh tham nhũng

11:23 | 28/12/2012

1,214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để ngăn ngừa và loại bỏ tham nhũng, không chỉ nghiên cứu và tìm biện pháp đối phó với hành vi tham nhũng mà cần nghiên cứu cội rễ sâu xa của hiện tượng này, tức là các nguyên nhân của nó trong đó cội nguồn sâu xa nhất là “tâm lý tham nhũng”.

Có thể coi rằng hiện tượng tham nhũng là câu chuyện "xưa như trái đất". Bởi lẽ ngay từ giai đoạn cuối của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, những biểu hiện của tham nhũng đã xuất hiện. Nó là một trong những yếu tố làm tan rã hình thái xã hội này, đưa tổ chức cộng đồng loài người bước sang một xã hội có nhà nước, hay nói theo quan điểm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê nin là "xã hội có giai cấp".

"Bệnh nhân" là những ai?

Đồng hành với sự xuất hiện và phát triển của hiện tượng tham nhũng là những quan điểm bàn về hiện tượng này ở nhiều mức độ và mục đích khác nhau. Tuy nhiên, mãi cho đến những thập nên cuối cùng của thế kỷ 20, một thế kỷ của nhiều thành tựu kỳ vỹ của khoa học kỹ thuật, của dân chủ và nhân quyền (với nhiều bàn cãi, thoả hiệp), vấn đề tham nhũng được bàn đến một cách tập trung và hệ thống dưới nhiều hình thức và cách tiếp cận.

Dù con người (ở các khu vực, quốc gia và vị trí xã hội khác nhau) có  nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về hiện tượng tham nhũng, nhưng có một nhận định khá  đồng nhất là, hiện tượng tham nhũng là một căn bệnh của mọi quốc gia thuộc mọi thể chế chính trị, nhưng nó xảy ra một cách phổ biến nhất tại các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Dù muốn thừa nhận hay không, Việt Nam là một nước đang phát triển, và tham nhũng là một hiện tượng được mọi giới trong xã hội quan tâm và  bàn đến. Bằng chứng là Nhà nước ta đã bỏ khá nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu hiện tượng này, đưa ra và thực hiện nhiều chính sách để đối phó với nó.

Bởi vì tham nhũng như là một căn bệnh hết sức nguy hiểm đang đe doạ sự phát triển nền kinh tế, gặm nhấm lòng tin của nhân dân, thủ tiêu lòng yêu nước, ý chí hy sinh và mong muốn cống hiến của những người dân có năng lực và lương tri, đặc biệt là giới trẻ, tương lai của đất nước Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng, tham nhũng là  sự làm giàu dựa vào quyền lực của quan chức. Hành vi tham nhũng được thể hiện dưới nhiều dạng như: Tham ô tài sản, các hình thức nhận hối lộ, các hình thức sử dụng công quyền vì tư lợi...

Chúng như những trang bệnh án của một người mắc bệnh "tham nhũng" với rất nhiều triệu chứng và một số phương thuốc chữa trị (kết quả chưa cụ thể).

Trước hết, không nên coi "quan chức" chỉ là những viên chức Nhà nước giữ những vị trí chủ chốt, hay có quyền đưa ra những quyết định quan trọng, mà nên coi họ là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng và những ai đang nắm ít hoặc nhiều quyền lực Nhà nước trong một quãng thời gian nào đó.

Thậm chí là những người dù không trực tiếp nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước nhưng có quyền chi phối một cách đáng kể đến hoạt động của bộ máy Nhà nước. Có nhận thức như thế chúng ta mới thấy hết được sự phổ biến của hiện tượng tham nhũng.

Từ khái niệm và đối tượng nêu trên, ta có thể nhìn thấy hiện tượng tham nhũng rất phổ biến: Khi đi trên đường (việc cảnh sát giao thông nhận tiền hối lộ của một người vi phạm luật lệ  giao thông ...), bắt đầu bước vào một cơ quan Nhà nước (tuyển dụng). Thậm chí tại một số đám cưới, đám tang, sinh nhật. Điều này cho thấy sự phổ biến đến mức có thể coi như là sự "xã  hội hoá" của tham nhũng.

Tâm lý tham nhũng... "truyền nhiễm"

Nhìn vào thực tiễn, có thể thấy rằng, nhiều người muốn trở thành quan chức là để có nhiều cơ hội kiếm tiền, sống sung sướng, dựa vào cơ chế xin- cho, thực chất là tham nhũng. Hiện tượng tham nhũng làm cho nhiều người "thèm" được làm quan chức, được đứng trong "hàng ngũ" của những "bệnh nhân" tham nhũng.

Điều này đồng thời cũng nói lên rằng, hiện tượng tham nhũng đã làm cho nhiều người nghĩ rằng, mọi công việc do quan chức giải quyết đều có yếu tố tham nhũng. Và để cho công việc của mình được tiến hành thuận lợi, cần phải thực hiện (những) hành vi như đút tiền, hối lộ, tức là nhiều người đã không còn tin tưởng vào lẽ phải, chân lý, dân chủ và pháp luật.

Nguy hại hơn, tham nhũng làm cho nhiều người nghĩ rằng, mọi việc đều có thể thực hiện được dù đúng hay sai, hợp pháp hay bất hợp pháp nếu có chuyện "đầu...tiên" (tiền đâu). Như vậy, tính truyền nhiễm của căn bệnh này đã làm cho những người không phải hoặc chưa phải là quan chức tin rằng tham nhũng là loại dầu bôi trơn cho cỗ máy cuộc sống hoặc công việc của họ.

Từ đó họ không những không đấu tranh để loại trừ tham nhũng, mà còn cố tình hoặc vô tình nuôi dưỡng, tiếp tay cho căn bệnh này. Đến lượt nó, bệnh tham nhũng lại có điều kiện để phát triển và ngày càng phát triển.

Tại sao lại có hiện tượng này?

Từ xưa đến nay, người Việt Nam thường lưu truyền câu nói "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", hay tục ngữ  "nén bạc đâm toạc tờ giấy". Những câu nói này là sự thừa nhận khả năng và vai trò của lợi ích vật chất trong việc giải quyết các công chuyện. Tập quán này là một trong những cơ sở hình thành và duy trì "tâm lý tham nhũng".

Một điều dễ nhận thấy nữa là, từ xưa đến nay, các bậc cha mẹ thường muốn con mình làm quan để ấm thân sung sướng, có  mấy ai coi mục đích làm quan là để cống hiến, phục vụ. Thậm chí, các nho sỹ coi việc công thành danh toại của đấng nam nhi cũng là nhằm khẳng định khả năng của mình.

Để được coi là  "người quân tử", "đấng trượng phu", để hiển vinh cho mình và dòng họ mình chứ  đâu chỉ phải nhằm phục vụ nhân dân. Câu nói  "một người làm quan cả họ được nhờ" nói lên rằng các ông quan có thể giúp đỡ họ hàng mình rất nhiều nhờ vào uy quyền của mình.

Trong suy nghĩ của người Việt Nam, quan chức luôn được coi là lớp người nhiều bổng lộc, lắm quyền uy và  giàu có. Mặc dù có câu tục ngữ "phi thương bất phú" nhưng lịch sử mấy ngàn năm của nước ta cho thấy rằng thương gia không phải là tầng lớp người được xã hội tôn vinh, mà phải là người làm quan.

Vì thế, cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại một mâu thuẫn trong tâm lý của nhiều người Việt Nam. Dù người ta hay kêu ca, phàn nàn về thủ  tục hành chính, những tiêu cực trong quản lý, sự  bao cấp và thiên vị dai dẳng đối với doanh nghiệp Nhà nước, sự tham nhũng phổ biến của quan chức ... nhưng lại muốn được làm việc tại các cơ quan hoặc doanh nghiệp Nhà nước. Thậm chí  sẵng sàng nhờ vả, đút lót để đạt được mục đích này.

Một bằng chứng rất dễ nhận thấy là có những học giả đáng kính, thậm chí  là các tiến sỹ luật học, khi vô tình vi phạm luật lệ giao thông, họ sẵn sàng đút lót cho cảnh sát giao thông một khoản tiền thay vì nộp phạt theo quy định của pháp luật.

Điều đó có nghĩa là, việc tham nhũng đâu có phải chỉ do học vấn, hiểu biết về pháp luật hay túng thiếu.  Mà "tâm lý tham nhũng" tồn tại trong một bộ  phận dân chúng, không dễ gì xoá bỏ  được.

Do đó, mặc Nhà nước ta đã chủ trương hoá và luật hoá nhiều khái niệm rất tiến bộ trong quản lý như "đầy tớ nhân dân", "vì nước quên thân vì dân phục vụ", "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Nhưng những khái niệm đẹp đẽ đó liệu có thể thực sự trở thành lẽ sống của mọi Đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước hay không? Khi mà con người Việt chúng ta chưa thể đoạn tuyệt với tâm lý tư lợi trong máu thịt.

Đằnh rằng, tất cả mọi người đều giống nhau ở bản năng sinh tồn, sự mưu cầu một cuộc sống giàu có, hạnh phúc nhưng cách thức lại có thể khác nhau do tâm lý, ý thức, hiểu biết, môi trường xã hội (bao gồm cả môi trường pháp luật).

Tuy nhiên, khi tâm lý của con người giống nhau trong cùng một môi trường thì cách thức của họ sẽ tương đối giống nhau. Sự khác nhau sẽ chỉ dừng lại ở mức độ quyết liệt, phạm vi thực hiện do sự liều lĩnh, cơ hội có được hoặc sự khôn ngoan của mỗi người khác nhau.

Do đó, khi "tâm lý tham nhũng" là phổ biến thì cách thức mưu cầu hạnh phúc của con người bằng việc tham nhũng sẽ là phổ biến. Và như thế, dù pháp luật có chặt chẽ bao nhiêu cũng sẽ không thể ngăn ngừa và loại bỏ tham nhũng có hiệu quả. Nếu những người thừa hành và bảo vệ pháp luật luôn có tâm lý tham nhũng, nhất là những người thông qua con đường tham nhũng để được làm những công việc này.

"Tâm lý tham nhũng" làm cho nhiều quan chức không thể từ chối những món lợi vật chất. "Tâm lý tham nhũng" làm cho người dân nghĩ rằng đút lót cho quan chức là một cách thức hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được mục đích của mình trong một số công việc.

Do đó, nhằm ngăn ngừa và loại bỏ tham nhũng, bên cạnh những biện pháp về kinh tế, hành chính, pháp lý, một biện pháp khác rất quan trọng là giáo dục con người lòng tự trọng, ý thức phấn đấu, sự can đảm, lòng nhân  ái, vị tha để dần loại bỏ tâm lý tham nhũng.

Người dân phải đoàn kết với nhau để cùng vạch trần các hành vi tham nhũng, không tiếp tay cho tham nhũng, tạo nên một dũng khí đấu tranh với tham nhũng.

Tức là để ngăn ngừa và  loại bỏ tham nhũng, không chỉ nghiên cứu và tìm biện pháp đối phó với hành vi tham nhũng mà cần nghiên cứu cội rễ sâu xa của hiện tượng này, tức là các nguyên nhân của nó  trong đó cội nguồn sâu xa nhất là "tâm lý tham nhũng".

 

Theo Tuanvietnam.net

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc