Nỗi buồn về hội chứng “mua bán”?!

16:03 | 14/12/2014

3,552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đội tuyển Bóng đá Việt Nam thua Malaysia thảm hại với tỷ số 2-4 ngay trên “thánh địa” Mỹ Đình. Và ngay lập tức ào ào lên dư luận cho rằng, đội tuyển đã bán độ, rồi để tỏ ra sòng phẳng, minh bạch và nghiêm khắc người ta vội vàng đề nghị cơ quan công an vào cuộc.

Ngẫm cũng thật khổ cho lực lượng công an. Bây giờ cái gì người ta cũng muốn “lùa” công an vào làm.

Ngẫm lại chuyện cách đây ít năm tôi đi viết một phóng sự về nghề của công an phường. Và tại Công an phường Dịch Vọng tôi được đọc một công văn cực kỳ nghiêm túc của Phó chủ tịch quận gửi Trưởng công an phường. Ấy là, mời Trưởng công an phường đến dự cuộc họp bàn về việc đi tiêm… chó dại.

Thực lòng mà nói, không ít cấp chính quyền do quản lý yếu kém, tiếng nói không có hiệu lực nên cái gì cũng cứ phải đưa công an tham gia, họ đã biến lực lượng công an thành con “ngáo ộp”.

Nhưng thôi, đó là việc khác, chúng ta sẽ đề cập đến sau. Còn trở lại chuyện bóng đá.

Người ta đặt rất nhiều câu hỏi về trận thua bẽ bàng của Đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia mà lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể thắng, hòa, thậm chí thua một trái thì chung cuộc ta vẫn thắng.

Ấy vậy mà ta đã thua thê thảm. Một trận thua mà các cầu thủ đá như mơ ngủ, đá như bị ma ám và nhiều cầu thủ chỉ còn là những cái bóng vật vờ trên sân.

Nỗi buồn về hội chứng “mua bán”?!

Nỗi buồn về hội chứng “mua bán”?!

Cả cổ động viên và cầu thủ đều khóc nức nở khi Việt Nam xa rời giấc mơ vô địch

Và thế là người ta vội vàng đổ tội cho các cầu thủ có “dấu hiệu tiêu cực” - mà cụ thể là có “mùi bán độ”.

Ngẫm ra ở Việt Nam bây giờ, cái từ “mua bán” đã trở thành hội chứng. Bất kể việc gì có dấu hiệu không bình thường là người ta nghĩ đến chuyện có “mua bán”.

Một vụ việc tiêu cực nào đó chậm được giải quyết cũng là có dấu hiệu “mua bán”.

Một vụ phong chức nào đó, với những người không đồng thuận là lập tức họ bảo rằng, “thằng ấy bỏ tiền ra mua”.

Một người vi phạm giao thông bị cảnh sát thổi phạt nhưng sau khi giải thích và trước thái độ cầu thị của người vi phạm, cảnh sát không phạt, nhắc nhở cho đi thì có khi cũng lại bị người khác bảo rằng: “Nó mua rồi!”.

Học sinh thi được điểm cao thì cũng có khi lại bị tiếng là đã “mua” thầy cô giáo…

Thế mới biết sức mạnh đồng tiền bây giờ ghê gớm thật!

Sự “mua bán” bây giờ đã xóa nhòa đi ranh giới: đúng - sai; phải - trái; trắng - đen.

Trong vụ Đội tuyển Việt Nam thua, nếu chúng ta bình tĩnh lại một chút thì thấy trận thua này là bình thường.

Những ai chơi thể thao đều biết thế nào là “điểm rơi phong độ”. Trận đấu trước có thể đá cực hay nhưng trận đấu sau có thể lại cực dở.

Trận đấu trước hay đến nỗi người ta nói các cầu thủ đá như “lên đồng”. Rồi có những đường chuyền “dệt gấm thêu hoa”… Nhưng trận sau thì có khi lại đá như bị “ma làm” và đôi chân cầu thủ như đeo chì…

Người viết bài này đã có một trận đấu bóng bàn nhớ đời cách đây hơn chục năm tại giải bóng bàn nghiệp dư của lực lượng công an.

Tôi đấu với một đối thủ mà không ai nghĩ rằng người đó có thể đánh được với tôi. Và trước trận đấu anh ấy bảo: “Ông đánh nương tay đừng để tôi thua đậm quá”. Rồi hai ván đầu tiên tôi thắng anh ấy như chẻ tre, giải lao anh ấy nói nhỏ: “Thôi còn ván cuối cho tôi lên trên 10 nhé” (ngày ấy đấu bóng bàn với điểm số 21). Rồi đến ván thứ ba tôi dẫn trước 18-10. Và thế là tôi bắt đầu đánh “xông xênh” để cho điểm số của anh cao lên. Rồi anh gỡ hòa và rồi anh thắng ván đấy. Vẫn nghĩ bụng là để cho anh thắng một ván danh dự. Nhưng đến ván thứ tư thì tôi đánh đúng như bị “ma làm” và lại thua. Đến ván thứ năm thì không thể hiểu nổi điều gì xảy ra nữa, tự tôi toàn đánh hỏng.

Huấn luyện viên Đặng Thành của đội bóng bàn Hà Nội nghiến răng bảo tôi: “Anh đánh như bị mê ngủ, nói thế nào anh cũng không còn biết điều chỉnh nữa. Chẳng lẽ em lại tát cho anh hai cái để cho anh tỉnh”.

Cái sự bất bình thường trong thể thao nó rất hay xảy ra đối với những cầu thủ thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu bản lĩnh. Nền bóng đá của chúng ta rất nghiệp dư, bởi lẽ, bao nhiêu năm nay chúng ta có đào tạo cầu thủ cho có bài bản đâu. Ngày xưa việc tuyển chọn cầu thủ chủ yếu từ sân Long Biên. Không ít cầu thủ đá thì hay nhưng lại… mù chữ. Khi một thế hệ cầu thủ này từng làm nên vinh quang thì những người có trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà không nghĩ đến chuyện phải có trường, có lớp đào tạo các cầu thủ một cách bài bản, chuyên nghiệp và đá bóng có văn hóa. Vì vậy, chúng ta vẫn xây dựng đội tuyển trên cơ sở nhặt nhạnh “bó đũa chọn cột cờ” từ các đội tuyển khác. Bây giờ, trừ Hoàng Anh Gia Lai là có đào tạo cầu thủ bài bản, chuyên nghiệp, còn chất nghiệp dư thì vẫn đang ngự trị ở tất cả các câu lạc bộ.

Khi đã bị là nghiệp dư thì có thể trận này hay, trận sau dở là chuyện thường ngày. Và không thể nào đoán định trước được, bởi lẽ các cầu thủ thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí. Còn nếu là cầu thủ chuyên nghiệp thì họ chơi thể thao bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh; họ chơi bằng ý chí rồi mới đến tài năng…

Một điều nữa, chúng ta thua là bởi vì chúng ta nghĩ rằng ta sẽ thắng.

Ăn chặt là thắng.

Nói về việc này tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện xảy ra ở Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) vào năm 2012.

Lần ấy, Đảng bộ PVEP tổ chức kết nạp Đảng cho đảng viên tại Côn Đảo với mục đích là để nâng cao nhận thức về truyền thống của các thế hệ cha anh đã hy sinh đối với đảng viên.

Trước buổi kết nạp Đảng, ban tổ chức hôm đó đã mời một nhà tâm lý học đến. Ông tên là Việt, một nhà giáo dục tâm lý học vào loại có tiếng ở Việt Nam với nhiều cách không giống ai.

Ông đổ một bao tải mảnh thủy tinh ra sàn. Rồi hò hét bảo mọi người hãy đi qua những mảnh thủy tinh đó. Hàng chục người ngơ ngác nhìn nhau không ai dám đi. Rồi ông bảo, các anh cứ đi qua, hãy nhìn thẳng vào phía trước và luôn nghĩ trong đầu rằng: “Tôi sẽ làm được một tỷ… Tôi sẽ làm được một tỷ?”. (Hồi ấy PVEP đang đặt mục tiêu là nộp ngân sách cho Nhà nước với mỗi đầu người là một tỷ đồng).

Thế rồi có một người mạnh dạn đi qua và thấy anh chẳng bị làm sao cả. Và thế là lần lượt cả lãnh đạo của công ty, cả Phó bí thư Đảng ủy và nhiều người khác cũng tâm niệm: “Tôi sẽ làm được một tỷ”… Và họ đi được qua hết.

Ông Việt lại lấy một chai rượu vang mở nút ra rồi bảo một người đặt chai rượu vang lên trán, dang hai tay ra và đi qua đống thủy tinh…

Người đó đi qua cũng chẳng sao, chai rượu vẫn nguyên trên trán. Nhưng có một anh khi đã đi gần hết đống thủy tinh, chỉ còn khoảng 40cm nữa thì anh tưởng đã “thắng” nên mỉm cười… Thế là bước tiếp theo chai rượu đổ luôn.

Ông Việt mới hỏi mọi người thấy gì qua việc chai rượu bị đổ trong khi chỉ còn đúng một bước chân nữa là đi đến thành công.

Mọi người cũng giải thích theo nhiều kiểu.

Ông Việt mỉm cười rồi kết luận: “90% thất bại là do khi chưa làm đã nghĩ đến thua. Và 90% thất bại là khi gần đến thành công rồi thì đã nghĩ mình thắng. Trong kinh doanh, trong thể thao, hay bất cứ lĩnh vực gì cũng đều thế cả”.

Bây giờ càng ngẫm càng thấy lời ông Việt là chính xác và hết sức chí lý.

Đội tuyển Việt Nam chúng ta thua là bởi vì ai cũng nghĩ chúng ta sẽ thắng. Bởi trận trước chúng ta thắng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhưng với một ý chí mãnh liệt, các cầu thủ chúng ta đã làm được điều gần như không tưởng khi lội ngược dòng thành công và khiến người Malaysia phải tâm phục khẩu phục.

Còn trận đá lượt về ở sân Mỹ Đình chúng ta đá trong thế “thiên thời địa lợi nhân hòa” nên không ai nghĩ đến thua… Và thế là chúng ta đã thua.

Điều buồn nhất, không ít người đã xúc phạm đến các cầu thủ và chụp cho họ cái mũ bán độ.

Đừng trách các cầu thủ, chúng ta hãy tự trách chính mình là đã không tạo ra được những cầu thủ chuyên nghiệp, có tài và có bản lĩnh.

Và cũng xin những “người lớn” đừng có “vơ đũa cả nắm” - cái gì cũng nghĩ là có chuyện “mua bán”.

Nói như thế là xúc phạm đến các cầu thủ!

Kim Triêu