PGS Văn Như Cương: “Đổi mới giáo dục không phải là việc của riêng ai!”

06:00 | 07/10/2012

1,977 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mong muốn được góp sức vào chiến lược đổi mới triệt để của hệ thống giáo dục, trong câu chuyện với PV Báo Năng lượng Mới, Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương cho rằng, nền giáo dục của chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “giáo dục ứng thí”, mục đích học chỉ phục vụ đi thi, để có một văn bằng càng cao càng tốt. Nền giáo giục quá xa rời thực tiễn…

Theo PGS Cương, muốn “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thì trước tiên Đảng và Nhà nước phải thực sự xem phát triển giáo dục như một quốc sách hàng đầu. 

PV: Trước thực trạng của nền giáo dục hiện nay, nhiều người cho rằng, cần phải có những bước đi mới để thay đổi căn bản và toàn diện. Nhưng thay đổi như thế nào thì chưa có đáp án cụ thể. Theo ông thì bước đầu tiên chúng ta phải làm là gì?

PGS Văn Như Cương

PGS Văn Như Cương: Cố nhiên, bước đầu tiên là phải xây dựng được đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay. Phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý… cũng như của các từng lớp nhân dân để có thể xây dựng một đề án đúng đắn và khả thi. Muốn có một đề án như thế trước hết phải bắt trúng được căn bệnh hiện nay của nền giáo dục.

Cũng phải nói thêm rằng, muốn thay đổi triệt để, toàn diện thì điều đầu tiên là toàn Đảng và chính quyền phải vào cuộc thật sự. Sở dĩ tình hình giáo dục như hiện này là do Đảng ủy, chính quyền các cấp không nơi nào thực hiện phát triển giáo dục như một quốc sách hàng đầu. Về điều kiện vật chất là trường lớp, đội ngũ giáo viên và sách. Cả ba điều kiện này cần phải làm đồng bộ. Tất nhiên, trong việc học, giáo viên và học sinh là hai yếu tố quan trong nhất. Nhưng, nếu không có trường lớp tốt, sách giáo khoa hợp lý thì giáo viên cũng không thể dạy tốt được.

PV: Ông có thể chỉ rõ căn bệnh trầm kha nhất của giáo dục Việt Nam?

PGS Văn Như Cương: Nền giáo dục chúng ta đang đi lệch hướng cho vấn đề cốt lõi nhất: Học để làm gì?

Luật Giáo dục 2005 đã nói rất rõ và rất đúng: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhưng trên thực tế thì nền giáo dục của chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “giáo dục ứng thí”, mục đích đi học chỉ là để đi thi, đi thi để có một văn bằng, càng cao càng tốt. Nếu chưa có việc thì dùng văn bằng để tìm việc, nếu đã có việc rồi thì dùng văn bằng để thăng quan tiến chức.

Nguyên nhân của sự lệch hướng đó là vì xã hội chúng ta hiện nay quá coi trọng bằng cấp. Dường như đã có một “chủ nghĩa bằng cấp” trong việc đánh giá năng lực con người, trong việc thăng quan tiến chức, trong việc bầu bán chức vụ… Và vì vậy để phục vụ cho “chủ nghĩa bằng cấp” ấy, nền giáo dục càng ngày càng chỉ chú trọng đến việc học để thi và thi để lấy bằng, thậm chí nếu không cần học mà vẫn chạy được bằng thì càng tốt.

Đó là sự lệch hướng lớn nhất, kéo theo mọi lệch hướng khác như: Học cái gì? Và học như thế nào? 

PV: Vậy, giờ đây chúng ta nên học cái gì và học như thế nào?

PGS Văn Như Cương: Một điều chúng ta luôn nói đến là phải giáo dục toàn diện trên bốn mặt: đức, trí, thể, mỹ. Tiếc thay, chúng ta chỉ nói nhưng không làm. Thi tốt nghiệp phổ thông hay thi vào đại học thì làm sao tổ chức được các môn thi về đức, thể, mỹ? Chẳng lẽ phải có môn thi chạy trong kỳ thi tốt nghiệp ư? Vì thế nên chỉ thi các môn văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa mà thôi. Và thế là con em chúng ta chỉ  học “văn” mà không học “lễ”. Các môn học “làm người” hoàn toàn thiếu vắng trong chương trình giáo dục.

Hiện nay con em chúng ta chỉ  học “văn” mà không học “lễ”

Cũng vì học để đi thi nên cách học hiện nay của học sinh ta rất lạc hậu: học nhồi, học nhét, học tủ, học lệch, học vẹt, học thuộc lòng, học thêm học nếm, học không đi đôi với hành, học lý thuyết suông không gắn liền với thực tiễn…

Nói như vậy đủ hiểu rằng, giờ đây ta cần phải quyết định học cái gì và học như thế nào.

PV: Rất nhiều ý kiến cho rằng, muốn đổi mới được hệ thống giáo dục thì trước hết phải phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Nếu nhiệm vụ này vẫn được những con người cũ với cách làm việc và tư duy cũ đảm nhiệm thì việc cải cách sẽ không thành công mà chỉ mang tính hình thức. Ông có cho rằng quan điểm này là đúng?

PGS Văn Như Cương: Tôi đồng ý với quan điểm đó. Con người cũ với tư duy cũ, cách làm việc cũ… thì làm sao đổi mới được? Tuy nhiên, không thể thay hết người cũ bằng người mới, vì như vậy thì sẽ “loạn xì ngầu” ngay. Vấn đề là con người có thể cũ nhưng phải đổi mới tư duy. Các nhà quản lý hệ thống giáo dục phải là những “nhà giáo dục” chứ không nên chỉ là những “công chức giáo dục”.

PV: Để có được những“nhà giáo dục” chúng ta cần phải có hành động ra sao?

PGS Văn Như Cương: Khi tôi nói về các “công chức giáo dục” là tôi muốn nói về những nhà quản lý giáo dục mà “cấp trên” bảo gì thì bảo “cấp dưới” cứ làm như thế, rồi cái ông “cấp dưới” này lại bảo ông “cấp dưới nữa” cứ thế mà làm. Bộ ra lệnh cấm lạm thu tiền của học sinh thì sở cũng ra lệnh tương tự cho các phòng, các phòng ra lệnh cho các ông hiệu trưởng không được lạm thu… Thế là xong, nhưng bao nhiêu năm rồi cái tình trạng lạm thu đầu năm học bao giờ cũng là vấn đề nhức nhối…

Những nhà giáo dục thật sự là những người sâu sát tình hình (chẳng hạn tình hình lạm thu), tìm ra được lý do gì mà tình hình đó vẫn tồn tại dai dẳng, rồi từ đó mới tìm ra biện pháp khắc phục. Còn làm việc theo kiểu “công chức giáo dục” thì cái gì mình không ưng thì ra lệnh cấm, còn có cấm được không thì không cần biết!

Nhà giáo dục phải là những người vừa có tâm vừa có tầm… 

PV: Vậy cái tâm của người làm giáo dục cụ thể là gì, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Đó là lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đó là sự cố gắng hết mình để đào tạo thế hệ thanh niên như Bác Hồ mong đợi. Đó là sự xả thân cống hiến cho một nền giáo dục ở một đất nước có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đó là sự nhận ra những yếu kém, bất cập của nền giáo dục hiện hành. Đó là thái độ kiên quyết chống lại các thói hư tật xấu trong nhà trường… Đó là sự dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí…

PV: Ông đánh giá như thế nào về “cái tầm” của những người làm quản lý giáo dục hiện nay - những người mà ông gọi là các “công chức giáo dục”?

PGS Văn Như Cương: Các công chức giáo dục chỉ biết thuyết giảng những điều cũ kỹ mà ai cũng biết, cũng nghe nhiều lần, nào là: giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục phải toàn diện, học phải đi đôi với hành, nào là phải thực hành các cuộc vận động “hai không”, tiếp theo là “ba có” và rồi thì “bốn đủ”…  Được cấp kinh phí để tổ chức tập huấn cho hàng chục ngàn giáo viên thì người ta cứ tiến hành, cứ diễn văn khai mạc, cứ mời ông to bà lớn đến dự cho thêm phần trọng thể, cứ mời các giáo sư, tiến sĩ đến giảng bài trên trời dưới đất… cứ chia tổ thảo luận, rồi học viên viết bản thu hoạch… Thế là xong, là viết báo cáo lên trên rằng, cuộc tập huấn thành công tốt đẹp và sang năm cần làm tiếp... 

PV: Gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã nói tới tính cấp bách của một cuộc cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam, ông nghĩ sao?

PGS Văn Như Cương: Quá cấp bách là đằng khác! Mình làm bây giờ là hơi chậm. Lẽ ra cuộc đổi mới này phải được chuẩn bị từ cuối thể kỷ XX và bắt đầu từ đầu thế kỷ XXI, cùng lắm là 2005 phải thay đổi. Việc chậm trễ là do đường lối của mình. Nếu đổ lỗi cho điều kiện kinh tế là không đúng vì chính trong điều kiện kinh tế hiện nay càng đòi hỏi phải đổi mới, nhưng tư duy của những nhà quản lý, lãnh đạo không kịp thời.

Có thể nói rất đúng rằng, đối với giáo dục hiện nay “đổi mới hay là chết”.

PV: Nhưng thực tế cũng đã chứng minh, những cuộc đổi mới trước đây của giáo dục không giúp được gì nhiều cho học sinh?

PGS Văn Như Cương: Không hẳn thế, công bằng mà nói thì các cuộc cải cách giáo dục trước đây cũng đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng theo đúng quy luật của cuộc sống, sự đổi mới (hay cải cách) là cả một chuỗi kế tiếp,   không bao giờ có đích cuối cùng. Giáo dục luôn luôn phải đổi mới để theo kịp sự phát triển của xã hội. 

PV: Bản thân ông tự thấy mình đã tham gia vào công cuộc cải cách cấp bách ấy như thế nào?

PGS Văn Như Cương: Tôi chỉ là một hạt cát trong sa mạc giáo dục Việt Nam mà thôi. Và đúng như người ta nói: “Chỉ một con chim én không làm nên mùa xuân”.

GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất ba việc phải làm: Từ nay đến 2020, mọi miền đất nước đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi/ngày; Mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông, các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống; Chấn chỉnh củng cố đội ngũ nhà giáo (đứng lớp và quản lý) có phẩm chất và tay nghề. Theo GS Hạc thì không có 3 điều kiện này khó mà đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thành công.

PV: Trong câu chuyện đổi mới toàn diện giáo dục, nhiều nhà khoa học cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm là không phù hợp, cần rút ngắn. Ông có cho rằng quan điểm này là chính xác?

PGS Văn Như Cương: Tôi không nhất trí với quan điểm đó. Hiện nay chúng ta đang bắt học sinh học rất nhiều kiến thức vô bổ, hoàn toàn không giúp gì cho họ khi bước vào cuộc sống hoặc tiếp tục học lên cao. Nhưng mặt khác chúng ta lại không dạy cho họ những kỹ năng sống hết sức cần thiết: Lao động đơn giản để phục vụ cho bản thân, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng hòa đồng, khả năng phản biện, khả năng lãnh đạo và thuyết phục… Dạy những điều đó mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy vẫn nên học 12 năm, nhưng chương trình kiến thức phải cắt giảm nhiều và thêm vào các môn học “làm người”.

Trên thế giới đang có 128 nước trên 164 nước vùng lãnh thổ có hệ THPT 12 năm. Theo tôi, nước ta đang duy trì ổn định chương trình này và không cần thay đổi. Việc duy trì thời gian học này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những học sinh sau khi kết thúc hệ phổ thông trong nước đi du học ở các nước khác. Nói rút ngắn thời gian học là xu hướng chung của thế giới chỉ đúng với bậc đại học. Ví như nước Anh bậc đại học bây giờ học 3 năm. Nước ta cũng đã rút từ 5 năm trước đây xuống bây giờ còn 4 năm. Xu hướng này không có ở hệ THPT trên thế giới.

Hơn nữa, để rút ngắn 1-2 năm, chúng ta phải mất cả chục năm chứ không phải nói thay đổi là thay đổi được. Do đó, tốt nhất nên giữ nguyên mức thời gian đó và thay đổi nội dung, chất lượng của mỗi năm học.

PV: Sách giáo khoa là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Đã có một số ý kiến cho rằng, nên nhập khẩu sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục mới đây vừa nhập khẩu sách giáo khoa toán của Pháp. Ông có ý kiến gì về việc này?

PGS Văn Như Cương: Mới đây một số cuốn sách giáo khoa của Pháp được dịch ra tiếng Việt, nhưng chưa ai đưa ra ý kiến sẽ dùng các sách đó để dạy cho học sinh Việt Nam. Nhập khẩu khẩu sách giáo khoa nước ngoài để dùng cho học sinh ta là một sai lầm nghiêm trọng. Làm như vậy lại càng xa rời thực tiễn cuộc sống Việt Nam.

PV: Ông nghĩ sao khi đến tận bây giờ nền giáo dục của chúng ta vẫn không gắn với thực tiễn cuộc sống?

PGS Văn Như Cương: Không phải không gắn với thực tiễn, mà có thể nói là rất xa rời thực tiễn. Chúng ta quên mất khái niệm “phổ thông” của bậc học phổ thông. Chúng ta bắt các học sinh phải học những thứ không phổ thông và không cần thiết. Tôi đơn cử một ví dụ: Học sinh phổ thông cần gì phải học số phức, số ảo? Tôi đoán chắc rằng, ngoài các nhà toán học, tất cả mọi người khác (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà doanh nghiệp, bác sĩ, kỹ sư, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo…) không ai cần biết cái số phức là gì. Có đến một phần ba những điều trong chương trình hiện nay là vô bổ, là không cần thiết, không cần học…

Giáo dục nước ta có 3 tiêu chí: dạy chữ, dạy người, dạy nghề, nhưng hiện nay, ai cũng nói mình dạy chữ không xong, nặng quá, thi cử phức tạp. Trong khi đó, dạy người thì thiếu, tức là trong chương trình phải có phần dạy giá trị sống, kỹ nắng sống. Dạy nghề thì quá yếu, do tâm lý chạy vào bằng cấp. Những điều đó quá rõ rệt phải đổi mới, căn bản toàn diện.

PV: Có cảm giác rằng, các nhà quản lý giáo dục đang rất muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục một cách tổng quát, nhưng họ không biết phải làm gì và làm thế nào? Vì sao vậy, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Mặc dù họ là những người gần với giáo dục nhất, nhưng để có một tầm nhìn xa về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thì cả hệ thống chính trị của đất nước phải vào cuộc. Đổi mới giáo dục không phải là việc của riêng ai!

PV: Với thực tế cải cách của Việt Nam hiện nay, theo ông, phải mất bao nhiêu năm nữa chúng ta mới xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, thực tiễn và nhân văn?

PGS Văn Như Cương: Không có ai tính toán được. Nhưng chúng ta phải và có thể xây dựng được một nền giáo dục như thế. Nhưng cần phải có thời gian. Tôi hy vọng vào cuộc đổi mới lần này thực sự là một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, đặt tiền đề cho một sự phát triển lành mạnh của nền giáo dục chúng ta.

PV: Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này.

“…Tôi thấy vấn đề lớn của giáo dục là ngân sách quá hạn hẹp, khiến mọi ý muốn tốt đẹp không thực hiện được. Cho nên ta cần phải tiết kiệm ở mọi nơi, mọi chỗ, cái gì không cần thiết thì phải bỏ, không đưa ra những chính sách khiến người ta không thực hiện được, bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ chế xin cho. Triệt để không cho dạy thêm học thêm hoành hành như hiện nay. Dạy chữ không được quên dạy người. Xem xét thật kỹ các quy chế ban hành cho các trường đại học ngoài công lập, cái gì không hợp lý, mất công, mất sức, tốn tiền, không cần thiết thì không đưa ra ép phải thực hiện”.  (Trích phát biểu của GS.TS Hoàng Xuân Sính trong Hội thảo Khoa học Trí thức Thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020)

Thái Linh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 161, ra thứ Sáu ngày 5/10/2012)