Quan chức siêu giàu do tham nhũng?

08:27 | 23/08/2014

7,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia khẳng định, nước ta cần có nhiều đại gia, tỉ phú đôla nhờ làm ăn chân chính, nhưng không thể có quan chức siêu giàu bởi lẽ họ giàu có là nhờ tham nhũng.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh sự phát triển tất yếu của xã hội là sự xuất hiện của một số người biết cách làm giàu. Số người giàu tăng nhanh dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội nhiều năm qua là vấn đề không chỉ người trong nước quan tâm mà còn là nội dung nghiên cứu của nhiều định chế quốc tế.

Một tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, thành phần giàu có ở Việt Nam đã tăng gấp 3 trong 10 năm qua. Việt Nam có khoảng 110 đại gia có tài sản cá nhân vượt quá 30 triệu USD trong năm 2013, tăng 30% so với 10 năm trước đây. Đây là những người siêu giàu mà tài sản của họ phải tính bằng tỉ USD.

Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, số người siêu giàu ở nước ta cao hơn dự báo này rất nhiều. Bởi số liệu thống kê của chúng ta thường không chính xác, thêm vào đó là tâm lý e ngại công bố tình hình tài sản công khai. Nghiên cứu của Knight Frank dưới tiêu đề “Báo cáo Thịnh vượng 2014” công bố cách đây vài tháng còn đi xa hơn một bước khi đưa ra nhận định tại châu Á sẽ xuất hiện nhiều người siêu giàu trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu dự đoán 166%, cao nhất thế giới, đạt 293 người.

Quan chức siêu giàu do tham nhũng?

Ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng dẫn đầu danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có tài sản trị giá hơn 22.000 tỉ đồng - trên 1 tỉ USD, được đánh giá là giàu gấp 6 lần những đại gia trung bình ở Việt Nam. Sau ông Phạm Nhật Vượng là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai), ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát)… là những người trong Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Các chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, tỷ lệ người siêu giàu Việt Nam tăng chính là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế, đại diện cho một nền kinh tế chính là cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế đó. Hiện ở Việt Nam, cứ khoảng 1 triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu.

Tuy nhiên, tất cả các con số thống kê, điều tra trên đây đều không hề nhắc đến thế giới người giàu  khác mà dư luận gọi là “tư bản đỏ”. Họ  là công chức làm việc và hưởng lương cán bộ, công chức thì lấy đâu ra nhiều tiền thế? Nhiều cán bộ lão thành đã đặt nghi vấn như vậy khi đặt vấn đề số tài sản kếch xù bị lộ và các vụ trộm cắp lấy đi lượng tiền của khối tài sản khổng lồ. Bằng thu nhập lương thiện các công chức không thể có hàng trăm cây vàng, hàng tỉ đồng hay vài chục nghìn USD… Cựu thứ trưởng Bộ Nội vụ từng tuyên bố lương thứ trưởng không thể mua nổi nhà.

Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội ngày 1/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Tổng Bí thư khẳng định, dù đã nghỉ hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm tại cơ quan Thanh tra. Tinh thần là không nhân nhượng, không cho qua, kể cả đã nghỉ hưu…

Các chuyên gia đề nghị, đối với cán bộ đã nghỉ hưu rồi mới phát hiện ra tham nhũng, sai phạm khi còn đương chức thì sử dụng quy định hồi tố, còn khi nghỉ hưu mới sai phạm thì chính quyền, tổ chức Đảng và cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương xem xét.

Ông Vũ Quốc Hùng bình luận, những người làm giàu bất chính không sung sướng gì đâu. Vì họ bất chính là bắt đầu tội ác. Tội ác sẽ bị đáp lại bằng tội ác, rủi ro theo quy luật nhân - quả. Ông vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ trương kê khai tài sản. Kê khai tài sản là một chủ trương đúng, không chỉ ở Việt Nam mà các nước tiên tiến hay các nước có chế độ xã hội khác nhau đều thực hiện, đều có sự giám sát quyền lực.

Cần thực hiện quản lý tốt việc kê khai tài sản để bảo vệ cán bộ, cán bộ làm ăn bất chính là lộ ra thì gây ảnh hưởng tới người đó và gia đình, xã hội. Việc phát lộ là hoạt động kiên quyết, nhân văn, không bị sỉ nhục trước phán xét của xã hội, với những người này, họ không còn là công bộc của nhân dân. Tôi nghĩ tất cả cán bộ, công chức phải khai báo hết và cần có kiểm tra. Các đồng chí lãnh đạo càng cao càng phải kê khai. Từ trên cao xuống đều phải công khai tài sản, mà phải công khai trên báo chí, cơ quan đại chúng, trên bản thông tin của cơ quan chứ không phải chỉ dừng ở hồ sơ lưu cơ quan.

Các chuyên gia khẳng định, nước ta cần có nhiều đại gia, tỉ phú đôla nhờ làm ăn chân chính, nhưng không thể có quan chức siêu giàu bởi lẽ họ giàu có là nhờ tham nhũng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, chống tham nhũng cần để mắt đến loại quan chức này! Và đừng tin vào các bản kê khai tài sản cũng như báo cáo giải trình là tích cóp cả đời, nhờ vợ con kinh doanh hoặc có anh em kết nghĩa cho…

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc