Quan đốc học vào cuộc!

10:01 | 11/09/2012

1,546 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai đó nói rất đúng là SGK đừng cho trẻ nhỏ ăn món ăn kiến thức luôn luôn thiếu lượng dinh dưỡng cần thiết! Xin các quan đốc học vào cuộc lên tiếng can thiệp giùm.

Điều kỳ cục nhất trong ngành giáo dục không phải là việc vận động nói không với cái này cái kia mà là những sai sót chết người trong đề thi, trong đáp án đã từng xảy ra mà còn là những sai sót chết người từ gốc: sách giáo khoa (SGK). Đã từng tồn tại bài sử về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (năm 713 - Quý Sửu) nổ ra vì giặc nhà Đường bắt dân ta cống vải - gánh quả vải sang Trung Quốc khiến lòng dân oán giận dẫn đến đứng lên khởi nghĩa. Riêng chi tiết cho rằng, quả vải tươi từ Hoan Châu được gánh cống phục vụ cho thú ẩm thực của bà Dương Quý Phi là đơm đặt, bởi bà phi này được tuyển vào cung khoảng ba mươi năm sau khi Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa. Chết nỗi chi tiết đắt giá này đã làm hỏng giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa. Sức người làm sao đi bộ cả 6.000 kilômét mà quả vải vẫn còn tươi? Không lẽ hồi đó cha ông ta đã chế ra chất bảo quản?! Cuộc tranh cãi cống vải hiện vẫn chưa ngã ngũ bởi người ta chưa chịu công nhận sự thật lịch sử không thể có chuyện này.    

Đã có những phản hồi nghiêm túc về sai sót trong sách giáo khoa lịch sử ở cấp học phổ thông nhưng không có hồi âm. Không lẽ tính bảo thủ ở đây cũng là lịch sử để lại bất khả thay đổi?

Hẳn vì vậy mà dư luận quan tâm đến thông tin về sách tiếng Việt lớp 3 mới nhất, năm học 2012-2013, trong một bài tập đọc về Hai Bà Trưng đã không nói rõ cho các cháu biết Hai Bà đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán! Lần này sai sót ở SGK do NXB Giáo dục ấn hành chứ không phải nhà sách bày đặt ra sách tham khảo để kiếm lời mới để xảy ra bài toán “chặt ngón tay”, bài tập viết “dỗ tổ”.

Ai cũng biết rằng, việc biên soạn SGK là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng cao nhất trong từng chi tiết, ngôn ngữ, nội dung, chủ đề của từng bài, từng cuốn. Vậy mà vẫn có những sai sót cố ý kiểu này. Nói sai sót cố ý vì tác giả của sách đã lên tiếng cãi rằng, cần gì phải viết vào sách. Người lớn sẽ bảo cho các em biết Hai Bà đánh giặc nào!?

Lâu nay sách giáo khoa lịch sử phổ thông vẫn bị coi là vừa thừa, vừa thiếu. Thừa những cái không cần thiết và thiếu nội dung cơ bản, tiêu biểu. Căn nguyên sâu xa và cơ bản nhất là cách nhìn nhận, đánh giá không đúng của chính ngành giáo dục về vị trí, vai trò của môn lịch sử - một môn học luôn bị coi là “môn phụ”, môn học khó “lập thân, lập nghiệp” trong xã hội hiện nay.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng nói rằng: “Sự giảm sút của chất lượng giáo dục môn sử trong các trường phổ thông đã được cảnh báo từ lâu. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, lớp trẻ không thích học sử không phải vì nội dung lịch sử không có sức hấp dẫn và càng không phải lỗi ở lớp trẻ. Học sinh không thích học sử vì cảm thấy học sử nặng nề, đầy các sự kiện, con số khô khan, phân tích lý luận chung chung, nặng về trí nhớ, không tạo nên sự ham mê, lôi cuốn tuổi trẻ”…

Rất may mắn là các nhà giáo vẫn khẳng định một cách khách quan rằng, học sinh chỉ chán học môn lịch sử chứ họ không chán lịch sử, vẫn thích lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử, phim ảnh lịch sử, thậm chí nhật ký chiến tranh vẫn thu hút tuổi học trò.

Đừng vì kết quả kém cỏi về môn sử trong một vài kỳ thi mà nói học sinh “quay lưng” với lịch sử. Các em chỉ chán với cách dạy học và nội dung lịch sử học đường trong hệ thống giáo dục chính thống mà thôi.

Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, nguyên nhân trực tiếp là vì sách giáo khoa nặng nề, khô khan, là vì cách dạy sử mang nặng tính truyền đạt, nhồi nhét...

Các nhà sử học cũng chỉ ra rằng, cốt lõi của lịch sử là sự thật. Không thể chấp nhận bài học lịch sử… nửa vời với cách trình bày ngắc ngứ, lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch như vậy. Thật khó giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nước khi SGK đã thiếu công bằng, thiếu trung thực đối với lịch sử.

Cậu bé Làng Gióng mới lên 3 đã biết rõ kẻ thù, vươn vai đứng lên đánh giặc và thành Thánh. Lẽ nào học sinh lớp 3 hơn cậu Gióng dăm bảy tuổi lại không được biết kẻ nào là kẻ xâm lược khiến Hai Bà cưỡi voi đánh giặc? Nhiều thầy cô ở bậc tiểu học đồng tình với báo chí rằng, một khi đã sai thì tác giả nên nhận lỗi và ngành GD&ĐT cần kịp thời đính chính ngay. Công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc này ít tốn kém nhất.

Ai đó nói rất đúng là SGK đừng cho trẻ nhỏ ăn món ăn kiến thức luôn luôn thiếu lượng dinh dưỡng cần thiết! Xin các quan đốc học vào cuộc lên tiếng can thiệp giùm.

Minh Nghĩa

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc