Tại sao người Việt chỉ thích... to? 11

10:26 | 13/09/2014

10,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một điều rất lạ là người Việt mình thì tầm thước nhỏ bé nhưng mà lại rất khoái những thứ to tát, hoành tráng vĩ đại, trong khi những cái bé nhỏ thiết thân với cuộc sống hàng ngày thì không mấy quan tâm.

Vừa qua, tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam do Tập đoàn Samsung tổ chức tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung cho dù đó chỉ là con ốc vít.

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì trong 93 nhà cung cấp cho Samsung, Việt Nam chỉ có 7 doanh nghiệp, chủ yếu cung ứng được các sản phẩm bao bì, còn cái ốc hay con vít vẫn chưa làm được. Chỉ điều đó thôi đã nói lên trình độ công nghệ và vị trí của ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đứng ở đâu so với thế giới.

Tại sao người Việt chỉ thích... to?

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Vietnam (SEV) Yên Phong, Bắc Ninh.

Chúng ta đều biết tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung đã đưa vào sản xuất hai nhà máy thiết bị điện tử với quy mô tầm cỡ thế giới, một ở Bắc Ninh, một ở Thái Nguyên và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, với giá trị xuất khẩu hàng chục tỉ đô la mỗi năm và đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỉ đồng.

Chỉ riêng trong năm 2013, Samsung Việt Nam đã phải bỏ ra tới 19,8 tỉ USD để mua các thiết bị linh kiện, nếu như các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần đáp ứng được khoảng 10% số đó thì đã là một con số không hề nhỏ mà mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân và lợi nhuận cho doanh nghiệp không phải là nhỏ.

Cũng theo Samsung Việt Nam thì chỉ riêng dây sạc pin cho điện thoại di động mỗi năm cần 400 triệu sản phẩm và mỗi sản phẩm trị giá 0,5 USD thì nếu doanh nghiệp Việt Nam cung ứng được thì mỗi năm cũng thu về 200 triệu USD, một con số không phải là nhỏ, nhưng họ vẫn phải nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài vì các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được.

Nhìn sang lĩnh vực công nghiệp ô tô cũng vậy, mục tiêu nội địa hoá 40% coi như phá sản không thực hiện được vì các  doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực trình độ để cung cấp những phụ tùng thiết yếu, thậm chí cả những con ốc, cái vít, nhà sản xuất vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Thái Lan chứ trong nước cũng không làm nổi.

Nhưng khi nói về nguyên nhân thì có rất nhiều lý do để biện bạch, nào là cơ chế nào là vốn liếng, nào là không được đầu tư đúng mức v.v... và vô vàn lý do khác nhưng trái lại ở Việt Nam thì lại có rất nhiều kỷ lục được xác lập, chả cần thế giới công nhận mà cứ tự phong cho nhau để rồi tự sướng.

Tại sao người Việt chỉ thích... to?

Cặp bánh chưng bánh dày kỷ lục.

Hẳn chúng ta chưa quên những Kỷ lục được Guiness Việt Nam công nhận như là bánh chưng, bánh dày to nhất thế giới, ly cà phê, bình rượu to nhất thế giới rồi thì tượng đồng, chuông đồng, tượng Phật to nhất, cao nhất, nặng nhất Đông Nam Á, ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và rất nhiều Kỷ lục khác nữa khó mà thống kê xuể.

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn có một điều rất lạ là người Việt mình thì tầm thước nhỏ bé nhưng mà lại rất khoái những thứ to tát, hoành tráng vĩ đại, trong khi những cái bé nhỏ thiết thân với cuộc sống hàng ngày thì không mấy quan tâm. Phải chăng đó là căn bệnh “tự sướng”. Ừ thì ta không giỏi về cái này thì cũng phải cố tạo ra những cái gọi là kỷ lục để dọa thiên hạ chăng.

Tại sao người Việt chỉ thích... to?

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đạt Kỷ lục châu Á năm 2014.

Một bức tượng Phật bằng đồng nặng 180 tấn được “tự sướng” là lớn nhất Đông Nam Á, nếu không may có nước nào chơi xỏ, họ đúc một bức tượng nặng 180 tấn dư 1kg thôi thế là mình lại mất kỷ lục, không lẽ lại đi bức tượng khác để giành lại kỷ lục à? Cho nên đã là kỷ lục thì không những nó  phải có tính độc đáo riêng có mà phải có hàm lượng chất xám, trí tuệ trong đó mới đáng quý chứ cứ lấy tiêu chí to, dài, nặng mà tự sướng thì cũng không khác gì AQ cả.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định rằng phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu ấy e rằng sẽ còn xa vời khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn chưa làm nổi con ốc, cái vít hoặc cái dây sạc pin điện thoại di động và chúng ta cũng chỉ là những người làm thuê ngay trên đất nước mình mà thôi.

Xuân Tuyến

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc