Tham nhũng đúng là nghiêm trọng thật!

08:24 | 23/11/2012

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải là không giải quyết được. Vì vậy, minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Với 5.460 đối tượng là người dân, cán bộ, công chức (CBCC) và doanh nghiệp (DN) tại 5 bộ, ngành và thuộc 10 tỉnh, thành phố có dân số chiếm 30% tổng dân số cả nước và đóng góp tới 65% GDP của cả nước được chọn tham gia khảo sát nên kết quả của cuộc khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức” đã phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn tham nhũng (TN) ở Việt Nam. Và dù Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, kết quả của cuộc khảo sát này không đại diện cho ý kiến tổng thể của nhân dân, DN và CBCC mà chỉ mang tính tham khảo thì nó vẫn cho thấy mức độ nghiêm trọng của TN ở Việt Nam, nghiêm trọng từ cả thực tiễn đến tư duy!

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, có 82,3% người dân được khảo sát tin rằng, TN phổ biến và rất phổ biến ở phạm vi cả nước và trong số này có tới 86,5% ý kiến cho rằng TN hiện nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, còn đối với đối tượng là CBCC thì con số này là 78% và 86,6%. Cùng với đó, các lĩnh vực như: Cảnh sát giao thông (trên 80% ý kiến); quản lý đất đai (khoảng 80% ý kiến); Hải quan (khoảng trên 75% ý kiến); xây dựng (trên 60% ý kiến);... cũng là những ngành, những lĩnh vực được đánh giá là TN nghiêm trọng nhất. Đáng chú ý, trong cách nhìn nhận của các nhóm đối tượng khảo sát thì báo chí chính là ngành, lĩnh vực ít TN và điều này được thể hiện khi có tới 80% DN và CBCC cho rằng, báo chí phát hiện ra TN trước khi cơ quan chức năng phát hiện, cũng như gây áp lực buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc đối với các vụ TN tưởng như đã bị “chìm xuồng”.

Tuy cảm nhận của các nhóm đối tượng về TN là vậy nhưng phản ứng lại các hành vi TN lại rất yếu ớt, đặc biệt là nhóm đối tượng CBCC và theo cách nói của bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thì sự yếu ớt đó chính “hành vi tiếp tay cho TN” và TN đang được nuôi bằng cả cầu và cung! Điều này được thể hiện cụ thể như sau:

63% ý kiến của DN cho rằng, công chức tại các cơ quan Nhà nước cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng lại cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết và 28% cho rằng, công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN. Và để tháo gỡ “khó khăn” trên, có tới 51% DN cho nói đã phải nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết, 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền để giải quyết công việc.

Nói như vậy để thấy rằng, DN đã mặc nhiên coi các khoản chi phí không chính thức hay nói đúng hơn là các khoản tiền chi cho TN, hối lộ là tất yếu. Điều này được thể hiện khi có tới 63% DN tin rằng, chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết được công việc một cách nhanh chóng” và hơn 53% cho rằng những chi phí đó sẽ giúp các cán bộ tích cực thực hiện công việc. Trong số những DN chấp nhận chi phí không chính thức thì cũng có tới 32% ý kiến cho rằng đó là cách nhanh nhất để giải quyết công việc.

Còn đối với người dân thì các chi phí ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ công là lớn nhất. Trong đó, có 47% ý kiến cho rằng việc phải trả phí ngoài quy định cho cảnh sát giao thông; hơn 30% phải trả phí ngoài quy định khi xin học cho con cái; 29% phải trả phí ngoài quy định khi xin việc;... Đáng lưu ý là trong số này có tới 58% ý kiến khẳng định việc chi trả này giúp công việc được giải quyết triệt để.

Cũng theo ý kiến khảo sát của nhóm này thì có tới 18% chi phí ngoài quy định được các cán bộ gợi ý trực tiếp và cũng có 17% là gợi ý gián tiếp. Bản báo cáo khảo sát xã hội học cũng đưa ra báo cáo đánh giá chung là có tới 21% người dân ít nhất một lần tự nguyện chi trả cho các khoản chi phí ngoài quy định và trong số này có tới 17% ý kiến nói “không đưa tiền thì không xong việc”.

Ở một khía cạnh khác, TN được CBCC nhìn nhận dưới 12 hình thức sau: mượn tài sản hoặc tạm ứng tiền của cơ quan nhưng không trả lại; tăng giá trị hợp đồng để nhận hoa hồng; mua sắm tài sản cho cơ quan nhưng thực chất phục vụ cho nhu cầu cá nhân; lấy danh nghĩa phân phối hoặc bán rẻ để biến tài sản của cơ quan thành của riêng; sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ nhu cầu riêng; mời người có chức quyền đi du lịch, ăn uống, vui chơi để vụ lợi; cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để đòi hối lộ; bao che, bảo lãnh cho người có hành vi sai phạm để vụ lợi; bố trí, đề bạt, tuyển dụng người không đủ tiêu chuẩn để vụ lợi; gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân; giả mạo trong công tác để vụ lợi.

Qua đó để thấy rằng hệ thống công quyền ở nước ta đang tồn tại rất nhiều vấn đề và đây cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng TN ở Việt Nam. Hiện tượng bao che, dung túng và thậm chí tiếp tay cho TN của các nhóm đối tượng trong xã hội là rất lớn, nó thể hiện ở tư tưởng chấp nhận, cam chịu và tất yếu khi nói về các khoản chi phí ngoài quy định khi người dân, DN đến các cơ quan Nhà nước giải quyết công việc.

Lý giải cho tình trạng TN ở Việt Nam, các nhóm đối tượng khảo sát đều cho rằng TN nghiêm trọng là do tình trạng “giơ cao đánh khẽ” trong việc xử lý TN ở nước ta và đây cũng chính là lý do mà đại đa số ý kiến khảo sát tỏ ra e ngại khi tố cáo TN. Điều này được thể hiện khi có tới 91% CBCC được hỏi cho rằng thiếu xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ TN nghiêm trọng khi được phát hiện và nó gây ra tâm lý hoài nghi của công chúng; 89% ý kiến nhận định rằng cơ chế bảo vệ người tố cáo TN còn yếu kém đã khiến người dân e ngại khi báo cáo các trường hợp TN. Tuy nhiên, cũng có 69% cán bộ, công chức thừa nhận ở những nơi thực hiện được các biện pháp cứng rắn hơn thì sẽ có tác dụng hơn.

Bên cạnh đó, 90% số người được hỏi tin rằng, vì đối tượng TN chưa phải chịu những hình phạt thích đáng; 80% trong cả 3 nhóm cho rằng chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ; hay các biện pháp phòng chống TN còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và 75% CBCC và 85% hai nhóm đối tượng khẳng định là do người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. Thậm chí, có tới 80% ý kiến của người dân tin rằng, TN có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng TN; 87% cho rằng, một số cấp trên bao che cho cấp dưới có hành vi TN và 76% nghĩ rằng CBCC thiếu năng lực.

Từ những kết quả khảo sát trên, nhóm khảo cho rằng cần phải trao quyền cho báo chí để giúp họ sử dụng dễ dàng hơn các kỹ năng điều tra, phát hiện trường hợp TN. Bên cạnh đó, cải cách thể chế tổng thể - tạo sự minh bạch thực sự trong Luật tiếp cận thông tin, sửa đổi Luật Phòng, chống TN với những điều khoản ít hạn chế hơn về quyền thông tin của người dân, có những biện pháp hữu hiệu hơn để kiểm soát xung đột về lợi ích và có những hành động cứng rắn trong kê khai thu nhập và tài sản, hay đưa nền công vụ coi trọng tài năng và ít cơ hội cho TN ... - tất cả các biện pháp này đều cần thiết.

Và đây cũng là quan điểm của bà Victoria Kwakwa khi nhấn mạnh rằng: TN là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải là không giải quyết được. Vì vậy, minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thanh Ngọc