Thanh tra để làm gì?

09:00 | 21/01/2013

2,825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có thể nói đây là nhận xét của người dân về công tác thanh tra hiện nay. Điều này càng đúng qua những thông tin từ hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Thanh tra Chính phủ tổ chức vừa diễn ra, Nhiều vấn đề “nóng” trong công tác của ngành thanh tra đã được nêu ra, trong đó gay gắt nhất là vì sao lực lượng thanh tra đông mà số vụ tham nhũng phát hiện được lại rất ít.

Thực ra vấn đề này không mới. Trong một phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2012 sát và toàn diện hơn báo cáo của Chính phủ về công tác này. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã nêu việc một số vụ tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng.

Đáng quan tâm là hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tự phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Năm 2012, nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương. Năm 2012, qua phát hiện các vụ việc tham nhũng, cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ thu hồi được 141 tỉ, chênh lệch hàng chục lần, cần làm rõ vì sao lại như vậy?

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý thực trạng có vụ rất lớn nhưng khi đưa ra xử thì lớn chuyển thành bé, tội nặng sau một thời gian chuyển thành nhẹ.

Được biết từ tháng 10/2010 đến tháng 6/2012, có nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn. Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng còn mờ nhạt. Cục Điều tra của Bộ Công an trong năm 2012 chỉ phát hiện được 16 vụ tham nhũng. Hiện 63 tỉnh, thành đã thành lập các đội cảnh sát phòng, chống tham nhũng, rất đông, mạnh nhưng con số vụ việc phát hiện đúng tình hình tham nhũng ít. Một trong những nguyên nhân không hiệu quả là do cơ quan chức năng này hoạt động chưa hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng: “Công tác phát hiện đấu tranh của ta còn sức ì quá cao, bị cản do quá trình chỉ đạo thiếu năng động? Chỗ này chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá. Có những vụ án đến hơn 5 năm vẫn chưa xác định được có đưa ra truy tố hay không nữa thì gay quá”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, đó là chưa kiên quyết, chưa làm đến nơi đến chốn, còn cả nể, còn dĩ hòa vi quý. Nên chọn một giải pháp, một điểm để làm, làm kiên quyết, đến nơi đến chốn, không cần làm nhiều. Nếu không sẽ không khắc phục được.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2012, UBND các tỉnh, thành phố và các ngành đã triển khai 1.589 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý các cấp nhưng chỉ xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế, chưa quyết liệt khởi tố từ hồ sơ thanh tra. Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Không để việc cấp trên can thiệp vào kết luận của thanh tra để gỡ tội cho cấp dưới. Phải làm nghiêm.

Toàn hệ thống thanh tra có hơn 18.000 người. Thanh tra Chính phủ khoảng 700, còn lại khoảng 17.300 người là ở các bộ, ngành địa phương. Bộ nào cũng có thanh tra, Sở nào quan trọng cũng có thanh tra nhưng vụ việc ai phát hiện? Báo chí phát hiện, Thanh tra Chính phủ phát hiện, đoàn thanh tra phát hiện... vậy 17.300 người để làm gì?, Phó thủ tướng đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng thanh tra. Câu trả lời vẫn còn ở thì tương lai, ít nhất cho đến khi Ban Nội chính Trung ương chính thức vào cuộc.

Thọ Vinh