Thấy gì qua việc thu hồi nhà đất của ông Truyền

07:00 | 25/11/2014

2,622 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày qua cùng với sức nóng của những phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên Nghị trường tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII, tâm điểm được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân cả nước cũng như báo giới quan tâm đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về khối tài sản khủng bao gồm nhà, đất của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

>> Ủy ban Kiểm tra TW yêu cầu thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền

Năng lượng Mới số 377

Kết luận đã chỉ ra những sai phạm của ông Truyền trong việc kê khai tài sản không trung thực, lợi dụng ảnh hưởng, uy tín cá nhân để nhận đất, xin thuê, mua nhà đất không đúng tiêu chuẩn, cũng như sai phạm của các cơ quan chức năng của Bến Tre và TP HCM đã nể nang, không xác minh khi xét cho ông Truyền được thuê, mua hóa giá nhà và kiến nghị phải thu hồi những ngôi nhà mà ông Truyền đang sở hữu không đúng tiêu chuẩn.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khiến đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân hoan nghênh, vì vụ việc lình xình từ lâu tưởng như đã chìm xuồng. Đây có lẽ là lần đầu tiên cơ quan kiểm tra của Đảng tổ chức xác minh, kết luận và kiến nghị xử lý về khối tài sản nhà đất của một cán bộ cao cấp dù đã nghỉ hưu. Theo một số cán bộ lão thành thì việc kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra có phần hơi chậm, nhưng chậm còn hơn không, vả lại vụ việc liên quan đến cán bộ cao cấp càng phải tiến hành cẩn trọng.

Thấy gì qua việc thu hồi nhà đất của ông Truyền

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre (Bến Tre) có diện tích hơn 16.500m2

Qua sự việc trên, cán bộ, đảng viên và nhân dân càng thêm tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và cho thấy không có vùng cấm trong việc chống tham nhũng cũng như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, nếu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng chỉ tắm từ cổ, từ vai trở xuống, trừ cái đầu ra thì dân sẽ mất niềm tin. Bên cạnh đó dư luận cũng như người dân có phần bất ngờ và thất vọng bởi vì một cán bộ cấp cao từng là một trong những “Bao Công” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, rất nhiều lần đăng đàn thể hiện ý chí quyết tâm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng lại vi phạm và mọi người có quyền hoài nghi, đặt câu hỏi liệu trường hợp của ông Truyền có phải là duy nhất có sai phạm về sở hữu nhà đất hay là còn nhiều người khác chưa bị lộ.

Qua vụ việc của ông Truyền cho thấy, việc kê khai tài sản của cán bộ đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ hết sức hình thức, kê khai cho nó có vậy thôi chứ không có tác dụng gì đối với việc phòng chống tham nhũng. Lẽ ra việc kê khai tài sản phải được công khai tại nơi cán bộ đó làm việc, tại nơi cư trú và tại địa phương mà cán bộ đó đã từng sinh sống, công tác, thậm chí ở những vị trí nào đó phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người  có điều kiện giám sát. Chưa kể khi kê khai tài sản không cán bộ nào lại tự nhận mình có bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu lô đất, mà thường là những tài sản ấy mang tên vợ, con rồi người thân họ hàng thì việc kê khai tài sản như lâu nay ta vẫn làm không mang lại tác dụng nào cả, chỉ đến khi sự việc vỡ lở, các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới biết ông này ông kia có bao nhiêu nhà đất, tài sản mà thôi.

Một vấn đề nữa là qua vụ việc của ông Truyền cho thấy việc sinh hoạt phê và tự phê bình trong Đảng đang tỏ ra rất kém hiệu quả. Bởi vì bản thân đảng viên giữ chức vụ cao không tự giác gương mẫu trong việc tự phê bình, còn đồng chí đồng nghiệp thì thủ tiêu đấu tranh, ngại phê bình, nể nang, dĩ hòa vi quý, nhất là đối với những khuyết điểm, sai phạm của cấp trên thì cấp dưới rất khó, thậm chí không dám phê bình góp ý vì sợ bị trù dập, cho nên cấp trên ngày càng chủ quan, độc đoán và dần dần tha hóa biến chất mà bản thân mình không nhận ra vì không được góp ý chân tình, thẳng thắn. Đó là một tình trạng phổ biến trong các cơ quan đơn vị, cấp dưới sai phạm thì tổ chức kiểm điểm, góp ý rất đơn giản và xác định hình thức kỷ luật rất nhanh chóng, nhưng ngược lại thủ trưởng sai phạm, khuyết điểm thì không ai dám đấu tranh, góp ý, cùng lắm thì chỉ xì xào bàn tán ngoài lề hoặc gửi đơn thư nặc danh lên cấp trên.

Căn nhà 3 tầng số 465/48C ở khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP HCM do bà Phạm Thị Thủy, vợ ông Trần Văn Truyền đang đứng tên sở hữu

Có một câu chuyện vui được lưu truyền từ lâu nói về việc cấp dưới góp ý phê bình cấp trên: Trong cuộc họp có một nhân viên dám góp ý thủ trưởng là một người năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, gần gũi hòa đồng với quần chúng, là tấm gương sáng để anh em học tập noi theo, tóm lại là những gì tốt đẹp nhất đều tụ hội ở thủ trưởng cả. Tuy nhiên, cũng xin mạnh dạn phê bình thủ trưởng còn hạn chế khuyết điểm là không biết giữ gìn sức khỏe vì làm việc nhiều quá, lỡ ốm ra đấy thì lấy ai đứng mũi chịu sào lo lắng cho anh em, rồi thì dạo này thủ trưởng hút thuốc hơi bị nhiều cho nên cần rút kinh nghiệm. Thế là cả cuộc họp ồ lên nhất trí hoàn toàn với ý kiến phê bình thủ trưởng và đề nghị thủ trưởng phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Cho nên trong sinh hoạt Đảng, ngoài việc phê và tự phê phải có một cơ chế nào đó để giám sát kịp thời những sai phạm của những thủ trưởng không gương mẫu, trung thực, không dám nhận thiếu sót khuyết điểm.

Vụ việc của ông Trần Văn Truyền đáng tiếc là không phải do nội bộ tổ chức Đảng hoặc đơn vị phát hiện mà là do những ý kiến phản ánh của người  dân nơi ông Truyền cư trú đối với cơ quan báo chí và nếu như báo chí không vào cuộc một cách quyết liệt thì liệu sự việc có được kết quả như hôm nay?

Điều cuối cùng rút ra qua vụ việc của ông Trần Văn Truyền, đó là một sự cảnh báo, răn đe đối với những quan chức có ý định lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng hãy từ bỏ ý nghĩ như lâu nay là chỉ cần “giữ gìn” khi đương chức, còn khi đã về hưu, hạ cánh an toàn thì sẽ không bị đụng đến nữa. Bởi vì đã là cán bộ đảng viên thì kể cả lúc đương chức hay khi về hưu thì vẫn phải chịu sự điều chỉnh của quy định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và không ai được coi là vùng cấm bất khả xâm phạm.

Qua vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ có thể rút ra nhiều bài học trong công tác quản lý, giám sát cán bộ, trong công tác thanh kiểm tra, trong đấu tranh phê và tự phê bình và đặc biệt là sự tu dưỡng rèn luyện, làm gương của những cán bộ có chức quyền và hy vọng rằng đây không phải là trường hợp cá biệt duy nhất được làm rõ để Đảng ta loại ra khỏi đội ngũ “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất, tham nhũng ra khỏi đội ngũ, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

Xuân Tuyến

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc