Thông tin về tài sản của quan chức không phải là tài liệu mật!

15:15 | 12/03/2014

8,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Điều này phần nào cho thấy, việc kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ thời gian qua vẫn nặng về hình thức…

Biệt thự xây trên khu đất rộng khoảng 16.000 m2 được cho là của một cựu quan chức.

 

Tài sản “khủng”, khó truy nguồn gốc

Những ngày qua, dư luận được phen choáng váng với thông tin về “của nổi, của chìm" của một vài quan chức, khối tài sản này đủ để “dọa” bất cứ đại gia nổi tiếng nào trong nước.

Dù dư luận đặt nghi vấn, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa lên tiếng hay kết luận gì về nguồn gốc chính đáng hay không chính đáng của những khối tài sản trên. Và thực tế, các quy định liên quan cũng không cho phép truy nguồn gốc tài sản do cán bộ, công chức kê khai lần đầu, dù khối tàn sản đó có lớn đến đâu.

Dù vậy, chúng ta vẫn thấy sự lúng túng trong việc kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức dẫn tới nhiều khả năng là những nghi vấn đặt ra quanh các khối tài sản lớn bất ngờ của một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ đã nghỉ hưu sẽ khó mà được giải đáp.

Khu nhà vườn được cho là giá trị hàng tỷ đồng cùng với nhiều cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi có giá trị rất “khủng” của gia đình một vị bí thư tỉnh ủy.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 20%, bởi đối tượng tham nhũng thường dùng thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản nên khó xác minh để thi hành án.

Theo đánh giá của ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thì việc kê khai tài sản những năm qua còn nặng về hình thức, hiệu quả ngăn ngừa và phát hiện phòng chống tham nhũng (PCTN) thấp.

“Qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN (2011) - đã rút ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhận thức chung về kê khai tài sản của cán bộ công chức chưa đúng. Thứ hai, quy định trước đây về minh bạch tài sản chưa rõ ràng, cụ thể, chủ yếu dựa vào tự giác mà không có biện pháp kiểm soát. Thứ ba, việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ (nơi giao cho cơ quan thanh tra, nơi giao cho cơ quan cán bộ...) và đặc biệt là việc thực hiện chưa quyết liệt”, ông Tuyển cho biết.

Cũng theo ông Tuyển Luật PCTN (sửa đổi) 2012, nội dung về minh bạch tài sản rộng hơn và đặc biệt có 2 điểm mới rất mạnh, theo tôi còn mạnh hơn cả luật pháp của nhiều nước về minh bạch tài sản. Đó là: Công khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và chịu sự xác minh của tổ chức. Cụ thể, công khai có hai hình thức, niêm yết kê khai tài sản tại trụ sở cơ quan cho mọi người giám sát hoặc công bố tại cuộc họp cơ quan.

Điều này có nghĩa khẳng định bản kê khai không còn là tài liệu mật, tạo điều kiện cho nhiều người được giám sát. Thứ nữa là bản kê khai phải chịu sự xác minh của tổ chức nếu cần, chứ không như trước đây chỉ áp dụng cung cấp cho cơ quan có yêu cầu.

TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển cho biết: Phải kiểm kê cụ thể tài sản của những cán bộ giàu bất thường.

TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển chia sẻ: "Không chỉ những vụ việc gần đây mà trước đây từng có vụ việc xôn xao về tòa nhà của bí thư Hải Dương. Nhưng theo tôi, nếu thật sự muốn làm vẫn có cách truy ra được. Tiền không từ trên trời rơi xuống. Nếu nói nhà của con trai hay của ông chú cho, cơ quan có thẩm quyền không nên dừng ở đó rồi cho qua chuyện.

Đồng ý "anh con trai" hay "ông chú" đó có thể có tiền, nhưng từ đâu ra? Anh cần chứng minh cho tôi anh lấy đâu ra số tiền như vậy. Nếu "ông chú" không thể có số tiền đó thì làm sao cho được. Hay "ông con" làm cán bộ nhà nước, tiền ở đâu ra? Nếu anh kê ra hàng loạt việc kinh doanh hay thu nhập khác, tất nhiên phải xem anh có vi phạm, có trốn thuế không. Quy trình nghiệp vụ thanh tra và xác minh việc này hoàn toàn có thể làm được."

“Tôi cũng là người dân, trước thông tin một cán bộ nhà nước có tài sản như thế, tôi cũng rất băn khoăn, tự hỏi liệu có tham nhũng không, làm sao có được khối tài sản ấy?”, TS Giao nói.

Nên tin vào sự tự giác của cán bộ?

Sau khi Quốc hội sửa đổi Luật PCTN thì đầu tháng 1-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Trong đó, đặt ra yêu cầu mới về kiểm soát việc kê khai tài sản, xác định đây là giải pháp quan trọng trong công tác PCTN. Cụ thể phải tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản, theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp cụ thể cũng như các biện pháp nhằm thực hiện việc kê khai và công khai thu nhập của cán bộ, công chức một cách hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc kê khai tài sản là một chủ trương đúng đắn nhằm minh bạch hóa tài sản và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực của cán bộ và nó cũng phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, thực tế việc làm này vẫn đang còn dừng ở mức độ hình thức, bởi chỉ kê khai mà bản kê khai đó không được công khai, không phải giải trình nguồn gốc tài sản thì sẽ tạo ra tâm lý làm đối phó, coi thường quy định.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, cần làm quyết liệt việc giám sát, hậu kiểm tài sản thu nhập của cán bộ, công chức. Nếu không công khai ngay được hết thì cũng phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận cán bộ công tác ở những vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

Còn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì thẳng thắn cho rằng phải xử lý nghiêm người không trung thực: “Cái đích của kê khai phải khuyến khích tất cả các cán bộ kê khai trung thực. Kể cả nguồn gốc nguồn tài sản này không được trong sạch, nhưng cũng nên khuyến khích người ta nói lên sự thật. Đừng chưa gì đã chụp mũ người ta, chẳng có cái mũ nào vừa đầu đâu! Trong quá trình kê khai, nếu động viên họ kê khai đúng, đủ có thể cho thấy có người có rất nhiều tiền”.

Ông Vũ Quốc Hùng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ nhận định: Kê khai tài sản công chức sẽ không đạt hiệu quả mong đợi, nếu thiếu sự tăng cường cơ chế giám sát.

Trước vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng cho biết, việc kê khai tài sản công chức trên thế giới đã thực hiện từ lâu.

“Việc công khai tài sản công chức cần phải có quy định lại. Quy định rộng rãi hơn nữa có thể công khai ở khu dân cư, công khai trên báo chí, công khai ở toàn cơ quan, công khai trên toàn quốc hay trong tỉnh… tùy theo chức vụ của mỗi cán bộ. Ví dụ ở các nước, tổng thống thì tài sản được công khai trên toàn quốc. Việc công khai rộng rãi như vậy, để các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội cũng như người dân đều có cơ hội nắm rõ và tăng cường chức năng giám sát.

Cũng cần quy định rõ người kê khai sẽ chịu hình thức xử lý như thế nào nếu kê khai gian dối, mặt khác cơ quan có chức năng thẩm tra xác minh cũng phải chịu trách nhiệm, sẽ bị xử lý như thế nào nếu việc thẩm tra xác minh không chính xác. Nếu làm tốt được những vấn đề trên, tôi nghĩ rằng sẽ rất hiệu quả trong việc góp phần đấu tranh và ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc