Thưa ông cục trưởng, xin mời ông xuống đường!

15:06 | 18/11/2012

1,835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa được xới lên khi ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng bắt chứng minh xe chính chủ là vô lý. Động tác “nói sau”, nói trên "giấy tờ" mà không sát với thực tế này dễ bị dư luận hiểu là để gây chú ý, thỏa mãn đám đông nhiều hơn là tinh thần xây dựng.

Đầu tiên là việc ông Lê Hồng Sơn cho rằng: Đi xe máy ra đường không cần mang giấy đăng ký, bảo hiểm mà chỉ cần bằng lái xe và đăng kiểm là đủ.

Như lời ông Sơn nói, thế ra lâu nay quy định công dân ra đường phải mang theo giấy tờ tùy thân, điều khiển phương tiện phải có đăng ký đều sai. Còn việc cảnh sát giao thông kiểm tra giấy đăng ký phương tiện cũng là sai nốt.

Có nghĩa là 1 tên trộm vừa “thó” một cái xe máy cũng có thể ngang nhiên xuống xe xuất trình bằng lái xe và qua mặt các lực lượng công an một cách dễ dàng.

Rồi một khi xảy ra vi phạm hay tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện có thể ngang nhiên quẳng lại xe của mình và đi mất tích. (Trên thực tế, giá trị chiếc xe gây tai nạn có khi không bằng hậu quả nó để lại)

Chưa hết, liền ngay sau đó là ông quay sang đổ hết trách nhiệm cho ngành công an: “Còn việc giải quyết hậu quả do không sang tên đổi chủ, gây khó khăn cho việc xử lý, là trách nhiệm của ngành công an.”

Bảo đảm trật tự an toàn xã hội là công việc chung của tất cả các cơ quan ban ngành, của toàn thể nhân dân, không thể quy về trách nhiệm của riêng ngành công an như thế. Trên thực tế, việc tuần tra kiểm soát các phương tiện giao thông trong những năm qua đã là một công cụ hữu hiệu để lực lượng công an phát hiện các hành vi phạm pháp, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Quy định, đi xe máy ra đường là phải mang theo giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, bằng lái đã trở thành quy tắc và được người dân chấp nhận, ủng hộ thì việc người đứng đầu một cơ quan của Bộ Tư pháp như  ông Lê Hồng Sơn phát ngôn như vậy là thiếu chuẩn mực và chưa xứng tầm.

 

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)

 

Mỗi một quy định được đưa vào cuộc sống, không đơn giản người ta chỉ ngồi “cân đong đo đếm”  câu chữ trong văn bản mà phải mang ra, “ném vào thực tế” để chứng thực.

Trong trường hợp này, có lẽ, ông cục trưởng nên xuống đường “vi hành” nhiều hơn để thấy được nỗi sợ hãi giao thông của người dân Thủ đô đang lớn như thế nào. Trong đó có nỗi sợ những chiếc xe chẳng biết của ai, khi gây tai nạn sẵn sàng ném lại hiện trường và tẩu thoát.

Xuống đường, ông cũng sẽ được trải nghiệm nắng mưa và muôn vàn những tình huống cần phải xử lý trong quá trình đảm bảo trật tự của một chiến sỹ cảnh sát.

Khi hoàn thành chuyến “vi hành”, tin chắc, ông cũng sẽ làm tốt hơn công việc của mình trong chuyên môn là tham mưu xây dựng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật.

Thêm một điều nữa, Nghị định 71 trước khi được áp dụng vào thực tế đã công bố dự thảo từ rất lâu. Vậy vì sao, với cương vị và những kiến thức của mình, ông Lê Hồng Sơn không tham gia góp ý kiến với các cơ quan soạn thảo, phản biện trên các phương tiện thông tin đại chúng? Phải chờ đến khi nghị định chính thức có hiệu lực thì ông mới lên tiếng thể hiện hiểu biết của mình.

Động tác “nói sau” như vậy dễ bị dư luận hiểu là để gây chú ý, thỏa mãn đám đông nhiều hơn là tinh thần xây dựng.

Petrotimes đã từng khẳng định rằng, vấp phải phản ứng của người dân trong thực thi Nghị định 71 một phần là có lỗi của lực lượng cảnh sát giao thông, không siết chặt kiểm soát ngay từ đầu, rồi nhiều thủ tục rườm rà, không thuận tiện.

Một phần lỗi nữa mà chúng ta thường gặp phải trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật mới vào cuộc sống đó chính là sự thiếu đồng thuận. Và thật bất ngờ rằng, sự thiếu đồng thuận này lại đến từ chính trong các cơ quan tham mưu về pháp luật, mà trong trường hợp này là đến từ một vị cục trưởng của Bộ Tư Pháp.

Tôi từng gặp một vị giám đốc đã nói thẳng vào mặt cấp dưới của mình: “Lúc họp bàn thì không đưa ra ý kiến, không nói, không góp ý thẳng. Giờ quyết định xong đâu vào đấy rồi, đưa vào thực hiện thì bàn tán ỳ xèo này nọ. Đúng là cái loại “thông minh dưới gầm cầu thang”.

 

H.C

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc