Vàng mắt vì vàng

08:23 | 23/10/2012

968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các doanh nghiệp chủ các thương hiệu vàng phi SJC đã bị thiệt khi NHNN tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng và quốc hữu hóa tầm quốc gia thương hiệu SJC. Nay không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng vẫn “vàng mắt vì vàng!”.

Cuối tuần trước có thông tin chính thức là Công ty SJC đã gia công xong 80.000 lượng vàng trong tổng số 350.000 lượng vàng móp méo, cong vênh và vàng phi SJC. Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM chính thức xác nhận thông tin này.

Trước đó, từ ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép Công ty SJC gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng với khối lượng hơn 350.000 lượng. Và đây được coi là động thái đối phó với việc vàng miếng lên cơn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước hiện vẫn đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định đầu cơ là lý do đẩy giá vàng lên ngất ngưởng.

Câu hỏi về trách nhiệm đặt ra với việc giá vàng tăng đột biến không chỉ là năng lực điều hành chính sách mà còn đối với động cơ đằng sau nó. Từ khi chuẩn bị ban hành, chính sách quản lý vàng này đã bị rất nhiều chuyên gia cảnh báo gay gắt về tính hiệu quả cũng như những hậu quả có thể phát sinh. Thực tế đang chứng minh những cảnh báo này của các chuyên gia là chính xác. Và, cho đến nay, khi đã đi được một chặng đường, câu hỏi về việc có cần thiết phải xây dựng một thương hiệu SJC độc quyền hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC do NHNN độc quyền sản xuất so với giá vàng thế giới vẫn tiêp tục nới rộng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC so với giá vàng miếng khác nội địa cũng từ vài trăm đến hơn 2 triệu đồng một lượng. Ngược dòng thời gian, NHNN muốn ngăn chặn thực tế vàng được sử dụng như một loại tiền tệ nhưng lại cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động – cho vay vàng, khiến cho mỗi khi có biến động thì tiền đồng, USD hay vàng hoán chuyển với nhau dễ dàng, đồng nghĩa với việc các nhà quản lý tự thu hẹp dư địa chính sách của mình.

Thời hạn cuối hiện nay là 25/11 đang bị lung lay bởi áp lực từ một số NHTM, khi mà họ chấp hành lệnh NHNN, các ngân hàng đang phải mua lại một lượng vàng lớn đã bán ra để tất toán trong bối cảnh giá thế giới tăng cao và nguồn cung vàng SJC trong nước nhỏ giọt. Những ngày vừa qua, họ vẫn tận dụng thời gian còn lại để chạy đua lãi suất huy động vàng, nếu giá thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, chắc chắn bất ổn chưa đến hồi kết.

Dư luận đang chờ đợi NHNN  có kế hoạch huy động vàng trong dân nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế. Nếu không thì vàng vẫn hoàn là tiền. Tác động của vàng đối với vĩ mô vẫn vậy. Vấn đề bình ổn giá chỉ nên đặt ra với mục tiêu tiệm cận giá thế giới. Hậu quả nhãn tiền của chính sách này đang trút thẳng vào người dân.

Các doanh nghiệp chủ các thương hiệu vàng phi SJC đã bị thiệt khi NHNN tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng và quốc hữu hóa tầm quốc gia thương hiệu SJC. Nay không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng vẫn “vàng mắt vì vàng!”.

Ngân Kim