Quần áo Made in Vietnam: "Vàng thau" lẫn lộn

15:59 | 19/09/2012

4,247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vào Google và gõ cụm từ: “Quần áo Made in Vietnam”, ngay lập tức hơn nửa triệu kết quả hiện ra trước mắt. Chỉ bằng một động tác nhỏ trên, cũng đủ để kiểm chứng độ trung thực của chuỗi cửa hàng Made in Vietnam lên tới con số hàng ngàn đang chen chúc mọc lên khắp phố phường...

Lấy đâu nhiều “Made in Vietnam” đến thế?

Cuối năm 2002, đầu 2003, những cửa hàng Made in Vietnam đầu tiên xuất hiện trên các phố Lý Thường Kiệt, Phố Huế, Hàng Bông... đã gây nên một cơn sốt thật sự. Nó tác động đáng kể đến phong cách ăn mặc của người dân thành thị Việt Nam, bởi trên thực tế, Made in Vietnam giải quyết cơ bản cơ hội tiếp cận “đồ hiệu” với giá bình dân. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng thời trang của các thương hiệu quốc tế được gia công bởi các công ty may uy tín trong nước, xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Các cửa hàng của chuỗi Made in Vietnam (do Vietbrothers khai sáng) có chung một biển hiệu với logo thống nhất, có nhân viên mặc đồng phục phục vụ khách hàng và giá các mặt hàng đều được niêm yết công khai toàn hệ thống.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, chị Thu Hằng - Trưởng phòng Kinh doanh Vietbrothers cho biết, thành công lớn nhất của công ty là có nguồn hàng ổn định, từ đó tạo dựng uy tín nơi khách hàng. Khi xác định gắn bó với lĩnh vực mới mẻ này, Made in Vietnam đã đặt mối với hầu hết các công ty may lớn của Việt Nam gia công cho các hãng quần áo, giày dép, phụ kiện nổi tiếng của nước ngoài như U2, Banana Republic, Old Navy, Levis... Bởi mắc một số lỗi về hình thức/kỹ thuật nên không thể xuất khẩu (vì các tiêu chuẩn của những khu vực lượng hàng này xuất sang hết sức khắt khe). Nhược điểm lớn nhất của Made in Vietnam là lượng size dành cho người Việt (XS, S, M) khá hạn chế. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi chuyển nguyên liệu (vải, khuy, phéc-măng-tuy, mark...) sang nước thứ 2 và thứ 3 để tận dụng nhân công rẻ, thường thì các hãng luôn +3% rủi ro cho đối tác. Có nghĩa là may 100 cái áo theo mẫu mã chính hãng gửi sang, nhưng các công ty may Việt Nam luôn nhận được nguyên liệu cho 103 cái. Nếu may chuẩn, không lỗi thì đương nhiên 3% dư thừa là “món quà” mà chính hãng gửi tặng các công ty may gia công, cho dù tình trạng trên rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đồ Made in Vietnam giữa các cửa hàng na ná nhau thì điều đó quả sai lầm. Con số 3% không thể phân chia cho toàn hệ thống và đó cũng là điểm đặc biệt của Made in Vietnam.

Hãy dùng hàng Việt chất lượng cao

Mới đây, EU và Mỹ vừa chính thức lên tiếng đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam kiểm soát chặt chẽ hơn xuất xứ của hàng xuất khẩu sang hai thị trường này. Tình trạng hàng Trung Quốc núp bóng một số quốc gia thứ hai (thực chất là trạm trung chuyển) để tìm cách lọt vào những thị trường lớn, khó tính đang lan tràn như một dịch bệnh.

Vĩ mô là thế, với quần áo, giày dép Made in Vietnam cũng chẳng tránh được. Một loạt các cửa hàng khác ăn theo thương hiệu “Made in Vietnam”, cũng trưng biển tương tự với nền màu đen, chữ trắng... nhưng không theo quy chuẩn thống nhất của chuỗi hệ thống. Các shop tự phát là nơi bày bán “thập cẩm” đủ thứ hàng, không chỉ hàng Việt, mà còn có hàng xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Công hoặc Campuchia. Người mua đến với những cửa hàng này rất dễ bị hớ khi không những không mua được sản phẩm như ý, mà giá cả chênh lệch nhau tới chóng mặt.

Thử đi khảo sát qua một số cửa hàng bán quần áo trên các tuyến phố Cầu Giấy, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng... người mua sẽ hoa mắt trước vô vàn cửa hiệu mang biển “Made in Vietnam”. Trong số những sản phẩm được bày bán, bên cạnh những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu là rất nhiều loại không có nhãn mác.

Cũng không thiếu quần áo dán nhãn mác các hãng nước ngoài lớn như: Calvin Klein, Louis Vuitton, Puma... với giá “bèo” từ 150.000-500.000 đồng, đủ biết xuất xứ của chúng không thể là chính ngạch. Nhìn thoáng qua cũng biết là hàng “nhái” với chất lượng kém - chất vải kém, đường may ẩu, logo không sắc nét... Sẽ không khó khăn lắm khi tìm thấy nhiều sản phẩm trên cổ áo gắn “Made in Vietnam”, nhưng ở sườn áo vẫn còn nguyên nhãn mác “Made in China” hoặc chữ tượng hình loằng ngoằng. 

Không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc, các cửa hàng còn nhập ngay từ những xưởng gia công trong nước. Hàng nhái thường được sản xuất dưới hình thức ăn theo các mẫu mã của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như MNG, Limited Too, GAP, Levis... rồi may tại những cơ sở sản xuất nhỏ với số lượng lớn. Anh Hồ Bắc, Giám đốc Công ty thêu Hưng Nguyên có xưởng đặt tại Vĩnh Hưng, Hoàng Mai chuyên nhận hàng may gia công - cho hay: “Hằng tháng, xưởng của anh đều nhận được các đơn hàng may các sản phẩm như áo sơmi, quần âu và may theo mẫu quốc tế được đưa. Tôi cũng không biết những sản phẩm may này sẽ được họ đưa đi đâu bán, chỉ biết khách chủ động đưa xe đến lấy hàng chứ chúng tôi không phải lo phần vận chuyển. Chắc chỉ loanh quanh trong Hà Nội!”.

Một chủ cửa hàng Made in Vietnam trên phố Cầu Giấy, thú nhận chủ yếu giao dịch qua các mạng mua bán online đang mọc như nấm sau mưa. Khi đã thành mối quen, người cung cũng chẳng ngại rỉ tai: Đa phần các cửa hàng tự phát đều nhận lấy mối từ trong miền Nam, càng có nhiều tiền càng “ôm được nhiều mẫu”. Dù là hàng hóa toàn gắn những nhãn hiệu nổi tiếng, nhưngkhông rõ có phải được gia công bởi các công ty có uy tín hay không. Tỷ lệ này chiếm khoảng 40-50% tùy cửa hàng Made in Vietnam đang ăn theo.

Tùng Lê

(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 19/8/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps