Vì quan không liêm

14:53 | 25/09/2012

1,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Suy cho cùng, dân hối lộ đa phần vì quan không liêm. Thử liêm xem, các vàng cũng không dám hối lộ.

Trong tiểu thuyết “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, một tác phẩm đặc sắc của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, hình ảnh quan tham được miêu tả như sau: Quan vẫn vừa đọc thư, vừa với tay vào cái đĩa không, để ở góc bàn. Ngài vét mấy lượt mà chẳng được gì. Bỗng ngài ngẩng lên nhìn thẳng vào Pha, ngạc nhiên hỏi:

- Đâu?

Pha ngạc nhiên chẳng kém gì quan, vì chẳng hiểu quan hỏi gì. Song anh cũng trả lời:

- Dạ?

Quan cau mặt hỏi:

- Dạ cái gì? Đâu? Thế ông nghị nhà mày không dặn mày phải thế nào à?

- Bẩm có, con phải đem đầu đến kêu quan lớn thương cho.

Quan gật:

- Biết rồi, nhưng vào quan không có lối nói bằng nước dãi.

Rồi ngài bắt đầu nói xẵng:

- Mày đừng láo. Ông nghị viết cả cho tao là mày trình tao năm đồng và tạ tao hai chục, vì thế ban nãy tao mới bảo tha cho mày.

Pha dựng tóc gáy như nghe thấy tiếng sét. Thực là tự nhiên anh chui vào hang hùm. Năm đồng thì có, chứ hai chục, anh lấy đâu ra. Anh oán ông nghị bỗng dưng đưa anh vào chỗ chết. Anh run lên, nói như mếo máo:

- Lạy quan lớn, cảnh nhà con nghèo, quan lớn đèn trời soi xét cho.

Quan quắc mắt:

-Nghèo thì bước. Làm mất thì giờ của ông…

***

Thời ấy chưa có phong bao, vào cửa quan phải đặt tiền vào đĩa. Nay thì khác rồi. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói thẳng: “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”. Phó chủ tịch Quốc hội đã lên tiếng sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012. Ông Sơn cho rằng, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc. Vì vậy, không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa hối lộ.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong vòng một năm qua chỉ có 18 cá nhân và tập thể nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng. Nhận xét về việc này,  Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Cứ như sách vở đã ghi thì cảnh tượng anh Pha lên cửa quan trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan đâu còn đất diễn. Quan liêm thì dân được nhờ, công việc hanh thông cần gì phải đút lót. Chỉ khi trong bộ máy công quyền còn nhiễu nhương, con người thích ăn của đút, sẵn sàng “nhận” thì người dân buộc phải tòng quyền để được việc. Điều nhỡn tiền là không chịu chi ra thì cầm chắc sẽ gặp khó khăn, ách tắc. Nếu chỉn chu xem xét không mấy ai là không từng bị hành lên hành xuống. Đã có câu chuyện về ông Bộ trưởng này, vị Trung ương kia bị “lên bờ xuống ruộng” khi đến cửa quan đấy thôi. Người dân nghe chuyện này mín môi cười, ai bảo không chịu xưng danh mà thích vi hành nửa vời. Các vị thử xưng danh xem, các vàng các quan nhỏ quan nhỡ dám hành. Có vị kể rằng, chỉ cần về thay bộ đồ thường bằng bộ đồ sang trọng là đã được việc rồi.

Tuy nhiên, có điều là người dân ấm ức vì phải đưa tiền cho quan tham rồi nhưng không dám nói ra. Việc đứng đơn tố cáo là hoang đường vì chờ được vạ má đã xưng. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng từng thừa nhận, có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế đồng phạm. Phó tổng Thanh tra đề nghị bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo vào dự luật sửa đổi lần này. Mong rằng kiến nghị vày được luật hóa để tiến tới miễn truy cứu người (bị) đưa hối lộ.

Có vẻ như hiện nay Bao Thanh Thiên ít hơn Hòa Thân. Vì vậy người dân không có nhiều sự lựa chọn như các trò chơi truyền hình. Trước cửa quan nếu không may mắn gặp ông Liêm và Chính thì chỉ còn cách thực hiện “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Bôi trơn cái đã. Suy cho cùng, dân hối lộ đa phần vì quan không liêm. Thử liêm xem, các vàng cũng không dám hối lộ.

Cảm ơn Phó chủ tịch Quốc hội nói hộ lòng dân!

Anh Minh

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)