Xấu hổ quá đi mất!

07:00 | 13/12/2013

6,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bấy lâu nay, chúng ta vẫn vỗ ngực và nói rằng: “Tự hào là một nước văn hiến, tự hào là một dân tộc có truyền thống cần cù, tiết kiệm” và nhiều thứ tự hào khác. Nhưng cứ nhìn hình ảnh người dân đổ xô ra cướp bia ở Đồng Nai ngày 4/12/2013 vừa qua thì quả thực phải thấy rằng đây là một hình ảnh ô nhục cho đất nước Việt Nam. Xấu hổ quá đi mất!

Năng lượng Mới số 282

Rồi lại những hình ảnh nam thanh, nữ tú trèo lên đầu, lên cổ nhau để kiếm được mấy món ăn Nhật Bản được phát miễn phí trong dịp khai trương một nhà hàng trên phố Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội.

Gần đây, những vụ “hôi của”, cướp của của những người bị nạn đã trở thành phổ biến và nhiều khi chỉ đơn giản là vì miếng ăn, người ta sẵn sàng làm mọi thứ.

Ấy là chưa nói đến những vụ ăn chặn tiền của gia đình thương binh, liệt sĩ, ăn chặn tiền cứu trợ, tiền xóa đói giảm nghèo mà Chính phủ cấp cho người dân, rồi khai khống để tham ô tiền bảo hiểm…

Những điều đó nói lên cái gì ở xã hội chúng ta hiện nay?

Rõ ràng là trật tự xã hội, các giá trị đạo đức đang bị đảo lộn, những hành vi ứng xử cao đẹp dần trở nên hiếm hoi và nhiều khi không được xã hội tôn vinh, đánh giá đúng.

Đây thực sự là một mối nguy hiểm cho xã hội chúng ta.

Những câu mà cha ông ta để lại từ ngày xưa: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… ngày càng trở nên hiếm hoi.

Những nhà làm chính trị có thể tự hào nói rằng, mỗi khi có thiên tai, mọi người xúm vào giúp đỡ… Nhưng trong không ít trường hợp, sự giúp đỡ đó không phải là từ tâm, mà là bắt buộc và nhiều khi còn là sự bố thí (theo nghĩa đen).

Người viết bài này đã nhiều năm đi làm công tác xã hội từ thiện. Phải công nhận rằng nhiều đơn vị kinh tế có trách nhiệm cao đối với cộng đồng. Họ trích một phần tiền lãi, vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp tiền lương để mua quà tết, gửi cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng cũng có những đơn vị kinh tế, tiền cho bà con thì chẳng được bao nhiêu, nhưng mượn việc ấy để làm PR, thậm chí còn đặt ra những yêu cầu tuyên truyền một cách quá đáng.

Tôi thực sự xúc động khi chuẩn bị cho hoạt động xã hội từ thiện vào dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, có những đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ khá nhiều, nhưng kèm theo chỉ là một điều kiện: Nhờ Báo Năng lượng Mới đưa đến tận tay bà con nghèo, các cháu học sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, và đừng nhắc gì đến đơn vị chúng tôi.

Có lẽ đây mới đúng nghĩa là sự “bố thí” theo tinh thần của Phật giáo.

Những năm trước, thấy các cháu học sinh, bà con vùng sâu, vùng xa thiếu quần áo, thậm chí giữa ngày đông, tháng giá có nhiều cháu bé vẫn phải cởi truồng, chúng tôi đã vận động một số doanh nghiệp quyên góp quần áo cho bà con. Cũng có những đơn vị đã làm cực kỳ cẩn thận: phân loại riêng quần áo người lớn, quần áo trẻ em, giặt là cẩn thận, đóng gói, thậm chí như quần áo mới. Nhưng cũng có những nơi, khi mở thùng quần áo cũ ra, chúng tôi dựng tóc gáy vì những bộ quần áo bẩn thỉu, nhàu nhĩ và nhét đủ thứ quần áo rách, thậm chí cả quần áo lót và bốc mùi hôi rình. Báo hại cho các anh em đi làm công tác xã hội từ thiện lại phải chọn lựa, sàng lọc, rồi mang đi thuê giặt là… Gần đây, cũng đã có những tỉnh yêu cầu không gửi quần áo cũ cho bà con nữa. Nghe mới thật chán làm sao!

Trở lại vụ cướp bia ở Đồng Nai mới xảy ra cách đây vài hôm, điều không thể hiểu nổi là khái niệm liêm sỉ trong con người bây giờ còn là gì nữa? Con người không có liêm sỉ thì có thể làm bất kỳ việc gì để thỏa mãn lòng tham của mình.

Quan chức không có liêm sỉ thì sẵn sàng tham ô, tham nhũng.

Người thường không có liêm sỉ thì sẵn sàng xông vào cướp bia, hôi của như những hình ảnh vừa rồi.

Nghe nói, người dân Biên Hòa đã dựng một tấm biển đề lời xin lỗi, Công an Biên Hòa đã vào cuộc tìm ra những kẻ cướp bia… Những việc làm này là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Vấn đề là chúng ta phải thay đổi cách giáo dục để ngay từ nhỏ, mỗi đứa trẻ hiểu được sâu sắc ý nghĩa câu nói: Cái gì không phải của mình thì đừng lấy.

Nền giáo dục của chúng ta bao năm nay chạy theo chủ nghĩa thành tích, mà quên đi cái gốc là dạy cho học sinh phải biết liêm sỉ. Nhưng khổ nỗi, dạy học sinh biết liêm sỉ thì thầy cô đã biết liêm sỉ chưa? Cha mẹ ở nhà đã biết liêm sỉ chưa? Thầy cô làm sao có thể nói được học sinh, làm sao có thể giảng dạy về đạo lý làm người khi không ít thầy cô vẫn nghĩ mưu kế bắt học sinh phải đi học thêm. Cha mẹ còn có thể dạy dỗ con cái rằng: con phải thế này, con phải thế khác, nhưng bản thân thì lại làm giàu bất chính, nghĩ mưu kế tham ô, tham nhũng đủ kiểu.

Ngày xưa, thời bao cấp khốn khó, gia đình nào có con mắc vòng lao lý thì cha mẹ hết sức tủi hổ, thậm chí đi chợ có khi còn phải úp nón vào mặt. Nhưng bây giờ, có những cán bộ khi đi tù, công đoàn, Đảng ủy còn tổ chức đến thăm, tặng quà.

Ngày trước, gia đình nào vợ chồng bỏ nhau hoặc cãi vã nhau hoặc con cái hư đốn thì lấy đó làm xấu hổ.

Bây giờ thì thôi rồi.

Học trò cãi thầy, tranh luận tay đôi với thầy, với cô lại nói đó là dân chủ.

Con cái cãi lại cha mẹ thì lại khuyến khích và cho đó là quyền tự do.

Các nhà giáo dục, các nhà chính trị hình như quên mất một điều rằng, văn hóa phương Đông khác văn hóa phương Tây, mỗi dân tộc nếu như không giữ được bản sắc văn hóa của mình thì dân tộc đó chẳng còn là gì nữa.

Từ khi Đảng, Chính phủ bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước, rồi chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta hoàn toàn không lường được mặt trái của nền kinh tế thị trường, không lường được sức mạnh và sự quyến rũ chết người của đồng tiền. Đồng thời, lại học đòi theo phương Tây nhiều khi rất vô lối và du nhập đủ mọi thứ văn hóa phương Tây vào nước ta. Các cơ quan quản lý cứ nói một cách khuôn mẫu, sáo rỗng là phải xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng lẽ ra kèm theo đó phải có những chế tài, cứng rắn để buộc mọi người tuân theo. Rõ ràng là khung pháp luật của chúng ta hiện nay đang tạo ra một xu thế dân chủ quá trớn, đang “khuyến khích” vô chính phủ những hiện tượng nổi loạn và trong chừng mực nào đó đã làm cho xã hội chúng ta trở nên tình trạng người ngay sợ kẻ gian, cha sợ con, thầy giáo sợ học trò, cấp trên sợ cấp dưới.

Một xã hội không còn trên dưới, không còn giữ được chữ “lễ” thì những vụ như hôi của, cướp bia, chen nhau cướp miếng ăn sẽ còn xảy ra.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc