Xin can bàn ngang!

08:16 | 21/12/2012

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các chỉ tiêu kế hoạch đã được Chính phủ xác định và Quốc hội đã thông qua. Vấn đề đặt ra là bàn các giải pháp thực hiện chứ không phải bàn ngang xương, đặt lại các chỉ tiêu theo kiểu chém gió.

Trong Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013” trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách Nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Đề xuất này đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và trở thành chỉ tiêu pháp lệnh cho năm 2013.

Cùng với các con số cụ thể, mục tiêu tổng quát được Quốc hội xác định là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết cũng đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm tổ chức thực hiện trong giai đoạn cuối năm 2012 và cả năm 2013. Các giải pháp này cũng nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu rõ, giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bằng các biện pháp đồng bộ, đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Tiếp tục rà soát các khoản nợ và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm. Xử lý nợ giữa ngân sách với các doanh nghiệp, nợ chéo giữa các doanh nghiệp (như than, khí, điện, xi măng…). Khôi phục thị trường bất động sản. Nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ.

Thực hiện các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan và ngân hàng; triển khai nhanh các công trình kết cấu hạ tầng, chương trình phát triển nhà ở xã hội, giao thông nông thôn... Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngăn chặn có hiệu quả việc gian lận thương mại, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng.

Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ của các công trình công nghiệp quy mô lớn. Thực hiện các biện pháp đồng bộ để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Hỗ trợ các nhà thầu trong nước nâng cao năng lực để tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, cung cấp linh kiện, phụ kiện và sử dụng nhiều lao động.

Như vậy, các chỉ tiêu kế hoạch đã được Chính phủ xác định và Quốc hội đã thông qua. Vấn đề đặt ra là bàn các giải pháp thực hiện chứ không phải bàn ngang xương, đặt lại các chỉ tiêu theo kiểu chém gió.

Hãy lướt qua một vài cái gọi là “kịch bản kinh tế năm 2013” được đưa ra gần đây. Bản thảo này có ba kịch bản đánh số kiểu Tôn Tử nên có thượng sách, trung sách và hạ sách. Trong đó, kịch bản trung sách được coi là bản chủ, khả thi cao. Theo đó, trong những điều kiện được “nghiên cứu cẩn trọng” đã đưa ra mức tăng trưởng GDP sẽ đạt từ 5-5,68% và 6,34%. Các chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ đề xuất, Quốc hội chuẩn y cũng được đẩy lên đưa xuống có phân tùy tiện.

Tại một hội nghị lại có tuyên bố, hiện đã có trong tay kịch bản cho bất động sản. Đây là kịch bản giải cứu phá băng… bằng tiền. Thế thì nói làm gì, nếu có tiền cho doanh nghiệp bất động sản vay dài hạn, giảm lãi suất… để trả nợ nhà băng thì băng đã tự tan. Quá nhiều đề xuất bất khả thi. Căn hộ xịn thành lớp học lấy đâu ra trẻ con VIP đến học? Chung cư thành bệnh viện ư, coi chừng bị môi trường thổi còi!

Tuy nhiên, các báo cáo về thị trường bất động sản TP HCM cho biết, dư nợ cho vay bất động sản trên 66.000 tỉ đồng chưa kể vốn tự bỏ ra của nhà đầu tư, trong khi tồn kho chỉ có 30.000 tỉ đồng, thế thì số tiền to đùng kia chạy đi đâu? Chưa có câu trả lời. Thì ra người ta tính toán rằng, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 30%, đi vay 70%, sau 2 năm làm nhà bán không được nhà coi như mất hết. Số liệu này cần được kiểm tra, giải thích như thế nào? Làm sao có kết quả đúng nếu dữ kiện không rõ ràng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu đề nghị của Ngân hàng Nhà nước xin cho ra đời của Công ty Mua bán nợ quốc gia (AMC) được chuẩn y thì đây là giải pháp tốt trong việc mua bán lại nợ xấu thông qua việc thành lập công ty này. AMC mua lại nợ xấu có thể theo cơ chế thị trường. Nhờ đó bất động sản mặc nhiên cũng được giải cứu, khỏi cần chẻ nhỏ chung cư thành căn hộ ổ chuột, biến nhà ở thành trường học, cư xá thành nhà thương, cách rách lắm…

Như thế xem ra lạm phát kịch bản giải cứu này nọ có vẻ như đang là phong trào viết kịch bản chém gió. Chém gió hiu hiu thì khỏi lo nhưng lạm phát kịch bản chém gió thì hãi quá.

Xin can!

Thọ Vinh