Cấm bán bia cho phụ nữ mang thai và cho con bú:

Xin đừng để có... cho vui?

07:00 | 10/09/2014

1,294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương, việc kinh doanh bia tại trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Điều khiến người dân giật mình khi trong dự thảo có phần cấm bán bia cho... phụ nữ mang thai và cho con bú. Đánh giá về tính khả thi, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo này chỉ để cho... “vui”.

Theo nhiều ý kiến của đông đảo người dân, quy định quản lý kinh doanh bia rượu hiện mới chỉ giải quyết được phần ngọn và cơ quan quản lý đang “vẽ việc để làm”. Đơn cử việc bán bia cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú hay người có bệnh lý về lạm dụng rượu bia sẽ đẩy cái khó về cho người kinh doanh và không hiểu người kinh doanh sẽ phải xác định dấu hiệu nào để nhận biết, ai sẽ quản lý, giám sát và xử phạt.

Hiện nay, đa số mua bán mua bia, rượu không hóa đơn chứng từ, liệu cơ quan quản lý có phạt được cửa hàng hay không? Nếu phát hiện cửa hàng bán bia, rượu cho đối tượng trên thì rất khó để có thể xử phạt.

Việc cấm kinh doanh rượu bia tại các địa điểm vỉa hè, trường học và bệnh viện thì dễ nhưng quản lý đối tượng người mua bia rượu như trong dự thảo là rất khó bởi lấy đâu ra người để phạt các cửa hàng vi phạm. Hiện bia rượu đang nằm trong danh sách hàng hóa buôn bán có điều kiện và chịu sự quản lý của quản lý thị trường, thanh tra y tế, thanh tra sở, phòng kế hoạch và đầu tư ở các địa phương.

Xin đừng để có... cho vui?

Về vấn đề này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương, đơn vị tham mưu dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh bia) cho rằng, quy định cấm bán bia trên vỉa hè mới chỉ là đề xuất, được đưa ra để lấy ý kiến của người dân, còn nếu không phù hợp thì hoàn toàn có thể bỏ. Theo vị này, mục đích của Nghị định là để phòng chống tác hại của rượu bia đã gây ra trong nhiều năm qua như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự...

Khi được hỏi về dự thảo quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương, anh Nguyễn Hải Sơn (kinh doanh bia tại khu vực Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra hết sức khó hiểu: “Với quy định “trên trời” này thì chúng tôi sẽ áp dụng như thế nào. Tôi không nói đến việc cấm kinh doanh bia ở vỉa hè, trường học, bệnh viện vì việc đó là điều nên làm nhưng một số điểm như cấm bán bia cho người say bia rượu, phụ nữ có thai, đang cho con bú và người có bệnh lý về lạm dụng rượu bia là khó thực thi. Bởi, chúng tôi là người kinh doanh, khách đến mua thì bán chứ không phải là công an, bác sỹ mà có thể chứng minh được họ đang cho con bú hay có bệnh lý mà từ chối bán được. Chẳng lẽ mỗi lần có ai ra mua tôi phải mang máy đo huyết áp ra thử, kiểm tra sổ hộ khẩu xem người đó đã có con, con đã lớn hay chưa, có còn trong thời gian cho con bú nữa không? Tôi thấy nực cười vô cùng”.

Theo nhiều chuyên gia, xét về mặt bản chất, dự thảo về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương không khác so với dự thảo cấm bán rượu bia sau 20h hay xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ và ngực lép không được lái xe mô tô... Bởi, tất cả những quy định này đều khó khả thi và không thể áp dụng vào thực tế.

Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ: “Đây là một biểu hiện của việc không quản được thì cấm. Tôi cho rằng, không thể đổ lỗi cho việc các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, các vụ án mạng xảy ra thời gian qua là do người dân uống bia ở vỉa hè, bệnh viện, trường học được. Bởi, chỉ tính riêng ở Hà Nội, hiện nay có hàng ngàn quán bia lớn nhỏ, trong đó đa số quán bia có quy mô lớn được bán trong nhà.  Vậy việc cấm quán bia vỉa hè sẽ giải quyết được bao nhiêu % vấn đề.

Cứ cho dự thảo này sẽ được phê duyệt thì có chắc dẹp được hoàn toàn các quán bia vỉa hè hay chỉ tạo điều kiện cho nhiều cơ quan chức năng có cơ hội “làm luật” với các chủ quán bia.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng dự thảo là một biểu hiện của việc không quản được thì cấm.

Còn về việc cấm bán bia cho phụ nữ có thai, đang trong thời kỳ cho con bú, người có bệnh lý về làm dụng rượu bia, ông Phú cho rằng đó là cách xây dựng quy định kiểu giật cục, nghĩ gì nói đó, không nghĩ đến thực tiễn. Bởi theo vị này, ai có thể giám sát được cả ngày ở quán bia để có thể theo dõi xem chủ quán bia A bán cho bà bầu B hay bán cho bà C đang cho con bú.

Bên cạnh đó, làm thế nào để xác định được một người từng mắc bệnh lý về lạm dụng rượu bia để từ chối bán, chẳng lẽ mỗi lần xử lý vi phạm phải dẫn người mua đến bệnh viện để kiểm tra rồi mới xử phạt được người bán. Đây là điều vô cùng phi lý. “Nếu cứ tiếp tục đưa ra những chính sách kiểu cho vui, cho có như thế này nữa thì sẽ làm mất lòng tin của người dân”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Trước những quy định của dự thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng việc phát hiện phụ nữ có thai để đưa vào danh mục cấm là rất khó, vì có thai 5 tháng, 7 tháng dễ phát hiện nhưng mới có thai thì làm sao kiểm tra? Kiểm tra bằng cách nào? Cấm bán bia cho người có biểu hiện say bia, rượu nhưng thế nào là say và có biểu hiện say?

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, những nội dung trong dự thảo nghị định là “những điều trên mây” vì vậy ông Việt đánh giá nghị định không khả thi. Ông Việt còn đặt hoài nghi những người soạn thảo nghị định đã dựa trên văn bản của nước ngoài để đưa ra các nội dung trên, không có sự điều tra, khảo sát, thiếu thực tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu - Nước giải khát Việt Nam, quy định phải có tính khả thi thì mới mang tính giáo dục.

Theo đó, ông Việt cho biết với trường hợp phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú có thể có cảnh báo giáo dục, tuyên truyền cảnh báo như vẽ hình ảnh người có thai và gạch chéo gạch chéo, không thể đưa ra mệnh lệnh cấm và thành luật, Với người dưới 18 tuổi có một số nơi cấm, và trường hợp có thể dưới 18 tuổi khi mua có thể yêu cầu kiểm tra chứng minh thư.

“Đã đưa vào Nghị định là vấn đề buộc phải thực hiện, phải có đủ hệ thống công quyền để triển khai tổ chức hoạt động được việc này nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Thậm chí có kẻ còn lợi dụng, bắt chẹt những nội dung này thích thì làm trấn áp, lấy tiền của người bán gây bất lợi cho người dân. Trong khi nếu các cơ quan thực thi công quyền không hoàn thành nhiệm vụ cũng không có chế tài nào, quy định, không thực hiện cũng có tội”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt nếu những nội dung được thông qua sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh bia, ảnh hưởng tới cả người tiêu dùng, thu ngân sách cho xã hội.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc