Thăm dò dầu khí bằng phương pháp địa vật lý tổng hợp

08:00 | 08/12/2014

16,451 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày xưa có câu “Hòn đất mà biết nói năng/Thì thầy địa lý hàm răng không còn”, nhưng ngày nay “Hòn đất đã biết nói năng/Mà thầy địa vật lý hàm răng vẫn còn”. Nhà địa vật lý “ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ” nhưng “nói có sách mách có chứng”. Vậy đâu là sách và đâu là chứng cứ của phương pháp Địa vật lý?

Địa vật lý là tích hợp giữa Vật lý và Địa chất, là một ngành khoa học sử dụng các trường vật lý để nghiên cứu trái đất và các tác động của vũ trụ đến nó. Các trường vật lý tự nhiên của trái đất được sử dụng như trọng lực, từ trường, từ tellua, sóng động đất, phóng xạ. Các nguồn nhân tạo liên quan đến các trường địa chấn, điện công nghiệp, phóng xạ cũng được sử dụng như các trường tự nhiên. Các trường này là hiện tượng tự nhiên của trái đất hoặc do con người tạo ra để nghiên cứu về cấu trúc, tính chất và môi trường địa chất, tìm kiếm các mỏ khoáng sản, trong đó có dầu khí, nhằm phục vụ cho mục đích sinh sống con người và bảo vệ môi trường tự nhiên trên trái đất.

Địa vật lý được phân chia ra các phiên bản khác nhau phụ thuộc vào loại nguồn trường vật lý và mục đích sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu. Phương pháp trường tự nhiên có thể cung cấp thông tin về đặc tính và cấu trúc vỏ Trái đất với độ sâu lớn đáng kể và phương tiện hậu cần đơn giản hơn so với các phương pháp nguồn nhân tạo. Tuy nhiên, nếu sử dụng trường nhân tạo thì kết quả nghiên cứu sẽ chi tiết hơn và hình ảnh cấu trúc địa chất sẽ có độ phân giải tốt hơn.

Trong công nghiệp dầu khí, công tác địa vật lý chiếm vai trò rất quan trọng và có tính quyết định cho cả quá trình tìm kiếm thăm dò và khai thác. Điều đó được giải thích bởi đặc điểm mỏ dầu khí khác với các khoáng sản khác. Dầu khí sinh thành và tích tụ ở chiều sâu lớn dưới tầng phủ dày hàng trăm đến hàng nghìn mét nên bằng các phương tiện thông thường không thể phát hiện chúng được. Thăm dò địa vật lý là phần quan trọng của quá trình nghiên cứu địa chất và thăm dò khoáng sản do hiệu quả cao, độ tin cậy lớn, chi phí thấp và tốc độ thực hiện nhanh của nó. Phương pháp dò địa vật lý được sử dụng chính trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Trong địa vật lý có các phương pháp thăm dò từ, trọng lực, địa chấn, điện, địa vật lý giếng khoan, phóng xạ và địa nhiệt. Thăm dò địa vật lý được tiến hành trên đất liền, trên sông nước, trên biển, trong giếng khoan, trong khí quyển và trên không gian vũ trụ. Hệ phương pháp địa vật lý tổng hợp đã được sử dụng rất có hiệu quả trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam.

tham do dau khi bang phuong phap dia vat ly tong hop

Ảnh minh họa

Thăm dò từ là gì?

Trái đất là một khối nam châm khổng lồ có trường địa từ mạnh bao phủ quanh mà qua địa bàn ta có thể xác định được phương hướng hành trình của mình. Trường địa từ tạo ra hiệu ứng nhiễm từ (từ hoá) của vật chất theo định luật Cu-long. Cường độ từ hoá của đất đá không đồng đều, phụ thuộc vào thành phần vật chất và điều kiện thành tạo của chúng. Chính tính chất này là cơ sở xây dựng phương pháp thăm dò từ để nghiên cứu cấu trúc sâu vỏ trái đất, lập bản đồ địa chất, tìm kiếm quặng sắt, cũng như các mỏ kim loại và không kim loại, các khoáng chất giàu magnetit, khu vỡ vụn và khối xâm nhập. Phương pháp đo từ tính có thể tiến hành trên mặt đất, trên biển, trên máy bay (từ hàng không) hoặc trên vệ tinh nhân tạo. Khảo sát từ trường bằng các máy đo như cân từ, máy Proton, máy từ lượng tử.

Trong thăm dò dầu khí phương pháp từ hàng không được sử dụng trong giai đoạn đầu nghiên cứu khu vực nhằm phân vùng kiến tạo, phát hiện các bể trầm tích, đặc biệt là vẽ được địa hình móng của tầng trầm tích.

Từ năm 1960 bản đồ từ hàng không, tỉ lệ 1/200.000 (01cm bản đồ ứng với 2000m trên thực địa) ở miền Bắc Việt Nam đã được thành lập để phục vụ cho công tác điều tra cơ bản. Năm 1967, bản đồ từ hàng không tỉ lệ 1/1.000.000 toàn miền Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào) đã được thành lập. Trên bản đồ từ hàng không đã phát hiện hàng loạt các dãy dị thường âm dương lớn, đó là cơ sở ban đầu nghiên cứu địa chất khu vực, trong đó nghiên cứu cấu trúc địa chất sâu của trũng Hà Nội, góp phần khoanh vùng khu vực triển vọng dầu khí.

Sau ngày thống nhất đất nước bản đồ từ hàng không tỉ lệ 1/1.000.000 toàn quốc đã được thành lập,cho phép phân chia các miền nền, miền uốn nếp các đứt gãy sâu, liên quan đến phân vùng kiến tạo. Đến năm 1993, bản đồ từ hàng không 1/200.000 thống nhất được thành lập cho toàn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Kết quả thăm dò từ đã góp phần rất quan trọng trong việc phát hiện các bể trầm tích chứa dầu khí của Việt Nam.

Thăm dò trọng lực là gì?

Tất cả các vật thể đều hút lẫn nhau tuân theo định luật hấp dẫn của Niuton. Cũng nhờ có sức hút của trái đất giữ cho chúng ta không rơi vào không gian vũ trụ. Đó là trường trọng lực của trái đất. Các vật chất cấu tạo nên vỏ trái đất có tính hấp dẫn khác nhau phụ thuộc vào cấu trúc và mật độ riêng của chúng. Đây là cơ sở để xây dựng nên phương pháp thăm dò trọng lực.

Khảo sát trọng lực là đo dị thường (sự bất thường) trường hấp dẫn của trái đất. Các đối tượng của thăm dò trọng lực là những bất đồng nhất về mật độ của đá cấu tạo nên vỏ trái đất. Thăm dò trọng lực được sử dụng để nghiên cứu cấu tạo địa chất và thăm dò khoáng sản, bao gồm công tác vẽ bản đồ trọng lực và xây dựng mô hình trọng lực của đối tượng nghiên cứu.

Số đo trọng lực tại bất kỳ địa điểm nào trên mặt đất đều bao gồm thành phần trường khu vực của trái đất và trường địa phương (dị thường) do các cấu trúc bất đồng nhất địa chất ở đó gây ra. Nhiệm vụ phân tích số liệu trọng lực là dùng các thuật toán khác nhau để tách các dị thường địa phương ra khỏi trường khu vực.

Kết quả của thăm dò trọng lực cho phép nghiên cứu cấu trúc địa chất sâu, xác định độ sâu của móng, xác định chiều dày tầng trầm tích, được sử dụng để xác định hướng và khối lượng tìm kiếm tiếp theo bằng các phương pháp khác. Đo trọng lực chính xác cao cũng là một phần của một phức hệ các phương pháp địa vật lý thăm dò dầu khí trực tiếp. Đo trọng lực có thể tiến hành trên đất liền, dưới nước, trên tàu biển và trên máy bay bằng con lắc và các máy trọng lực kế.

Nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu địa chất và tìm kiếm dầu khí, trong những năm từ năm 1961-1964 Tổng cục Địa chất đã thành lập các bản đồ trọng lực khu vực 1/500.000 và 1/200.000 trên toàn miền Bắc Việt Nam. Trong những năm tiếp theo các bản đồ chi tiết 1/100.000, 1/50.000 và 1/25.000 được xây dựng cho các vùng cấu tạo có triển vọng dầu khí như vùng trũng Hà Nôi và vùng trũng An Châu. Kết quả công tác này đã đóng góp rất hiệu quả trong việc phát hiện các cấu tạo chứa dầu khí ở đồng bằng Sông Hồng và vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Từ những năm 1979 thăm dò trọng lực đã được tiến hành song song với thăm dò địa chấn bằng các tàu địa vật lý và kết quả là đã xây dựng nên các bản đồ trọng lực vùng biển Việt Nam với các tỉ lệ khác nhau phục vụ cho công tác tìm kiếm dầu khí. Thăm dò trọng lực đã góp phần rất quan trọng trong công tác phân vùng cấu trúc có triển vọng tích tụ dầu khí, trước khi tiến hành nghiên cứu chi tiết bằng các phương pháp khác đắt tiền hơn như thăm dò địa chấn.

Thăm dò điện là gì?

Dòng điện tích ion của mặt trăng tác động lên từ trường trái đất, làm mất cân bằng tầng ion và tạo nên dòng điện thứ cấp trong lòng đất. Đó là dòng điện telua hay còn gọi là “dòng điện đất” lang thang trong đất với cường độ và tần số khác nhau. Trường điện đất tự nhiên này đã được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc địa chất và tìm kiếm khoáng sản có ích. Dòng điện này xuất hiện không theo quy luật ổn định về thời gian và không gian, cũng gây nhiều trở ngại cho việc sử dụng nó. Vì vậy, ngoài trường điện tự nhiên người ta phải dùng đến dòng điện công nghiệp một chiều và xoay chiều phục vụ cho công tác thăm dò khoáng sản. Cấu tạo của vỏ trái đất bao gồm các nham thạch có thành phần vật chất cùng những đặc tính vật lý và hoá học khác nhau.Trong đó tính chất dẫn điện và điện trở xuất của đất đá là các tham số đặc trưng được sử dụng vào mục đích thăm dò địa chất và tìm kiếm các khoáng sản có ích.

Trong phương pháp thăm dò điện (nhân tạo) người ta dùng hai cực phát điện cắm vào đất ở hai đầu và lần lượt đo điện áp, từ đó tính được điện trở suất đất đá ở khoảng giữa. Phụ thuộc vào khoảng cách các cực phát ta có thể đo được điện trở suất ở các chiều sâu khác nhau, khoảng cách càng lớn việc nghiên cứu càng sâu.

Trong các phương pháp thăm dò điện xoay chiều có phương pháp đo sâu từ telua (MTZ) và phương pháp dòng điện đất (MTP). Đó là các phương pháp đo điện trở suất đất đá phụ thuộc vào tần số (chu kỳ) của dòng điện tự nhiên theo chiều sâu.

Phương pháp điện cảm ứng (trường nhân tạo) hay phương pháp nghiên cứu trường thứ sinh do dòng điện cảm ứng tạo nên. Phương pháp điện hàng không đo trường điện cảm ứng bằng thiết bị trên máy bay. Phương pháp chiếu sóng vô tuyến điện được sử dụng để nghiên cứu sự hấp thụ năng lượng sóng điện từ của các đối tượng địa chất nằm giữa các giếng khoan. Phương pháp sử dụng sóng vô tuyến đài phát thanh (Radio kip) sử dụng sóng điện từ của các đài phát thanh để nghiên cứu địa chất.

Từ năm 1966 công tác thăm dò điện bằng các phương pháp khác ở đồng bằng Sông Hồng (vùng trũng Hà Nội) với tỉ lệ 1/500.000; 1/200.000; 1/100.000. Công tác này đã góp phần làm sáng tỏ cấu trúc các tầng trầm tích nằm sâu đến 4,4- 4,5 km, phân chia các dải nâng Khoái Châu- Tiền Hải, trũng Đông Quan, lõm Phượng Ngãi, xác định móng trầm tích Đệ Tam là đá carbonat tuổi Paleozôi. Kết quả này đã đóng góp xứng đáng vào công tác thăm dò dầu khí ở miền Bắc nước ta.

Thăm dò địa chấn là gì?

Thăm dò địa chấn là một tập hợp các phương pháp địa vật lý dựa trên quá trình kích thích và ghi các sóng địa chấn khác nhau để nghiên cứu cấu trúc, thành phần vật chất trong vỏ trái đất. Sóng địa chấn nhân tạo hình thành do các vụ nổ tạo ra sóng trên mặt đất lan truyền sâu vào lòng đất. Trên đường đi sóng gặp các mặt ranh giới đất đá có thành phần và tính chất cơ lý khác nhau. Một phần năng lượng địa chấn bị phản xạ trở lại, phần khác bị khúc xạ và đi vào chiều sâu lát cắt địa chất. Sóng phản xạ trở lại bề mặt gần điểm phát nguồn, còn sóng khúc xạ đi qua các lớp sâu hơn, có tốc độ truyền sóng cao hơn, tạo ra sóng trượt theo ranh giới khác và trở lại mặt đất. Tại các điểm bất đồng nhất của môi trường phát sinh sóng tán xạ truyền ra mọi phía. Đây là các sóng có ích được sử dụng trong tìm kiếm thăm dò khoáng sản, trong đó dầu khí là đối tượng quan trọng. Ngoài các sóng có ích này còn có các sóng nhiễu cản trở cho công việc thu sóng, cần có các giải pháp xoá bỏ chúng nhằm tăng độ tin cậy của các kết quả khảo sát.

Câu nói “ầm ầm địa chấn hỏi, run rẩy đất trả lời” đã khái quát hoá được quá trình thu nổ địa chấn. Kích thích rung động địa chấn được thực hiện trên mặt đất bằng nguồn nổ mìn, đập cơ học hoặc xung rung, nguồn khí nén hoặc tia lửa điện (nguồn địa chấn không nổ) trong môi trường nước. Dao động cơ học của đất đá được hệ thống máy thu sóng chuyển đổi thành tín hiệu điện, thông qua các đường kết nối (các cáp địa chấn) hoặc chuyển qua sóng điện từ về trạm địa chấn. Ở đây tín hiệu địa chấn được khuếch đại, lọc và ghi lại dưới dạng kỹ thuật số trên băng từ. Kết quả xử lý số liệu địa chấn trên các trung tâm xử lý cho phép xây dựng các lát cắt địa chấn, bản đồ các ranh giới địa chấn. Các bản đồ địa chấn là cơ sở để lập các bản đồ cấu tạo địa chất, qua đó thể hiện địa hình các cấu trúc sâu của lát cắt địa chất. Phân tích các thuộc tính của sóng địa chấn như biên độ, tần số và các thông số khác cho phép xác định tính chất, thành phần vật chất và hình thái các loại đá. Đo sâu địa chấn cho phép nghiên cứu cấu trúc sâu của vỏ trái đất xuống đến bề mặt Moho (ranh giới giữa lớp phủ trầm tích và vỏ trái đất sâu đến 70-80km).

Phương pháp địa chấn khúc xạ dựa trên quan sát sóng khúc xạ có thể xác định vị trí và hình dạng của bề mặt của một hoặc một số lớp trong lát cắt địa chất ở độ sâu đến hàng chục kilomet.

Phương pháp thăm dò địa chấn cổ điển tiến hành nổ mìn và thu sóng trên cùng một tuyến, quan sát lát cắt địa chất theo chiều đứng và ngang (không gian 2 chiều) hay còn gọi là Địa chấn 2D. Ngày nay, phương pháp này đã phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau để đạt được độ chuẩn xác cao hơn như địa chấn 3D, 4D, 4C.

Trong phương phápđịa chấn 3D, việc thu sóng trong không gian 3 chiều, quan sát đồng thời trên nhiều tuyến song song. Phương pháp này khắc phục được nhiều nhược điểm của địa chấn 2D, xây dựng được cấu trúc địa chất tổng thể trong không gian 3 chiều. Địa chấn 3D có độ chính xác cao, đòi hỏi đầu tư thiết bị thu nổ và xử lý hiện đại đi cùng chi phí cũng cao. Địa chấn 3D thường được tiến hành khi cần khảo sát chi tiết ở các vùng có cấu tạo triển vọng, chuẩn bị cho công tác thăm dò tiếp theo.

Sau một giai đoạn khai thác người ta cho khảo sát lại địa chấn 3D để kiểm tra tình trạng mỏ, chuẩn bị cho hướng khai thác tiếp theo. Đó là địa chấn 4D, ngoài yếu tố 3D có thêm yếu tố thời gian đo lặp lại.

Phương pháp địa chấn đa thành phần (4C) là khảo sát đồng thời sóng dọc P và sóng ngang S, máy thu sóng đặt ở đáy biển, qua đó xác định được mối quan hệ vận tốc các loại sóng P và S nhằm nghiên cứu thành phần nham thạch và dự báo sự hiện diện dầu khí trong lát cắt địa chất.

Thăm dò địa chấn được sử dụng để giải quyết vấn đề về địa chất cấu trúc, lập bản đồ ranh giới địa chất trong tầng trầm tích, nghiên cứu địa hình bề mặt móng kết tinh, phát hiện phá huỷ kiến tạo. Phương pháp địa chấn áp dụng công nghệ cao được sử dụng thường xuyên và rộng rãi trong thăm dò dầu khí. Tuỳ theo điều kiện áp dụng mà phân chia ra: địa chấn trên bộ, địa chấn biển, địa chấn giếng khoan. Khảo sát địa chấn chi tiết đặt cơ sở cho việc nghiên cứu đặt giếng khoan thăm dò dầu khí.

Từ năm 1962 phương pháp phản xạ 2D đã được sử dụng ở đồng bằng Sông Hồng (vùng trũng Hà Nội) và Đồng bằng Sông Cửu Long. Kết quả xây dựng các bản đồ cấu tạo tỉ lệ 1/200,000; 1/100,000 và 1/25.000 cho phép xác định kiến trúc trầm tích Đệ Tam (Kainozoi), phân vùng triển vọng dầu khí. Qua đó xác định vị trí để khoan các giếng khoan tìm kiếm dầu khí, cung cấp số liệu để đánh giá về triển vọng dầu khí ở hai khu vực trên đất liền nước ta. Việc phát hiện mỏ khí đầu tiên ở Tiền Hải, Thái Bình có công đầu của công tác thăm dò địa chấn. Thăm dò địa chấn đồng thời cũng được thực hiện trên vùng biển. Trước năm 1975 khảo sát địa vật lý khu vực đã được thực hiện ở Thềm lục địa phía Nam, khoanh vùng triển vọng, phát hiện hàng loạt các cấu tạo dầu khí như Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng...

Năm 1976, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã cho tiến hành khảo sát địa chấn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng ven biển Nam Bộ. Kết quả công tác này đã làm rõ cấu trúc địa chất vùng đồng bằng, liên kết với vùng biển nông và biển sâu, đánh giá mức độ triển vọng dầu khí của vùng này.

Năm 1982, tàu Bình Minh - tàu địa vật lý đầu tiên của Việt Nam đã khảo sát địa chấn ở vùng biển nông vịnh Bắc Bộ,kết quả đã xây dựng được bản đồ cấu tạo vùng biền nông ven bờ, làm rõ cấu trúc địa chất, liên kết địa chất trên đất liền với vùng thềm lục địa phía Bắc nước ta.

Từ năm 1978, với sự hợp tác quốc tế hàng loạt các dự án thăm dò địa vật lý biển (địa chấn 2D, 3D; trọng lực, từ) đã được tiến hành trên toàn thềm lục địa Việt Nam và khu vực Biển Đông bằng các tàu địa vật lý Longva II (Nauy), Poisk, Malưgin và Gambursev (Liên Xô). Tiếp theo những năm sau đó, việc khảo sát địa chấn biển do tàu địa chấn Bình Minh II (BM-II) của Việt Nam tiến hành. Hệ thống tuyến địa vật lý khu vực phủ hầu hết các khu vực trọng yếu đã cho phép vẽ bản đồ cấu - kiến tạo địa chất, phát hiện và khẳng định các cấu tạo có triển vọng, đặt cơ sở cho công tác khoan tìm kiếm-thăm dò dầu khí trên toàn khu vực.

tham do dau khi bang phuong phap dia vat ly tong hop

Bản đồ khảo sát địa vật lý Việt Nam

Địa vật lý giếng khoan là gì?

Tổ hợp các phương pháp địa vật lý trong giếng khoan, nghiên cứu các trường vật lý tự nhiên và nhân tạo (điện, siêu âm, phóng xạ...) để nghiên cứu tính chất vật lý của đá, các chất lưu trong vỉa, thành phần các loại khí khác nhau trong bùn. Phương pháp này còn được sử dụng để nghiên cứu địa chất chung quanh thành giếng, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và phát triển các mỏ dầu và khí đốt.

Trong địa vật lý giếng khoan các thiết bị đo được thả xuống lòng giếng nhờ hệ thống cáp treo, đo các đặc trưng địa vật lý các lớp đá dọc theo lòng giếng khoan. Thiết bị đo có các nguồn phát và máy thu, các tín hiệu được cáp chuyển dưới dạng liên tục hoặc rời rạc lên đến mặt đất và được thiết bị trên mặt ghi nhận dưới dạng các đường cong hoặc mảng dữ liệu kỹ thuật số.

Phương pháp siêu âm đo vận tốc, biên độ và các thông số khác của sóng âm và siêu âm. Phương pháp đo phóng xạ (địa vật lý hạt nhân) trong các giếng được sử dụng để nghiên cứu các đặc tính bức xạ nơtron và gamma của đất đá.

Carôta khí nghiên cứu thành phần các loại khí đốt và bitum trong bùn khoan, đồng thời các thông số đặc trưng cho chế độ khoan, phân tích thành phần dầu, khí và nước cho phép để đánh giá tầng chứa dầu khí. Để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của giếng người ta đo góc nghiêng và góc phương vị, đường kính trung bình (caliper) và khoảng cách từ trục thiết bị đến thành giếng, nhiệt độ, điện trở riêng của dung dịch khoan, xác định chiều cao và chất lượng xi măng trong ống chống theo đường cong siêu âm và gamma - gamma. Phương pháp siêu âm xác định độ rỗng, độ cứng, biến đổi áp suất, đới nứt nẻ, chất lượng trám xi măng. Nghiên cứu trường phóng xạ tự nhiên hoặc nhân tạo trong giếng khoan để xác định thành phần thạch học của đất đá, phân chia lát cắt, xác định tầng chứa nước, độ rỗng, ranh giới dầu/nước, dầu/khí.

Phương pháp đo địa chấn thẳng đứng (VSP) dùng nguồn phát địa chấn đặt trên mặt đất, các máy thu di chuyển trong giếng khoan nhằm xác định tốc độ thực của địa tầng. Trong phương pháp VSP ngược đo nguồn nổ di chuyển trong giếng khoan, các máy thu đặt trên mặt đất.

Phạm vi ứng dụng của phương pháp địa vật lý được quy định phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu. Trong nhiều trường hợp các phương pháp địa vật lý được sử dụng kết hợp. Trong công tác tìm kiếm dầu khí, ban đầu có thể sử dụng phương pháp trọng lực và từ hàng không để phát hiện các bể trầm tích, sau đó sử dụng phương pháp thăm dò địa chấn để nghiên cứu chi tiết. Thăm dò địa chấn có thể xác định các khu vực cần quan tâm, đặc biệt nơi cần phải tiến hành khảo sát địa chấn chi tiết.

Việc ứng dụng tổng hợp các phương pháp địa vật lý thăm dò phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam đã đạt được kết quả rất thiết thực và to lớn, nghiên cứu được cấu trúc các bể trầm tích, khoanh vùng triển vọng dầu khí, phát hiện hàng loạt các mỏ dầu khí trên toàn Việt Nam. Đến nay, tổng khối lượng khảo sát địa vật lý ở Việt Nam có trên 400.000 km (địa chấn, từ, trọng lực) và trên 30.000 km2 địa chấn 3D. Trên cơ sở khảo sát và tổng hợp tài liệu địa vật lý, người ta đã nghiên cứu được cấu trúc địa chất, phân vùng kiến tạo, phân chia và đánh giá các bể trầm tích có triển vọng dầu khí ở Việt Nam như các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, nhóm bể Hoàng Sa, nhóm bể Trường Sa và bể Tư Chính- Vũng Mây.

Đến nay kết quả nghiên cứu địa chất- địa vật lý cho phép đánh giá được trữ lượng dầu khí ở các bể trầm tích Đệ tam Việt Nam. Đến năm 2010, tổng trữ lượng tại chỗ có khoảng 3.647 triệu mét khối, trong đó khả năng thu hồi vào khoảng 1.351 triệu mét khối quy dầu (theo số liệu của Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí - PVEP). Con số này có thể tăng thêm 40-50 triệu tấn hằng năm. Hằng năm đã khai thác trên 20 triệu tấn quy dầu, đóng góp 22-25% tổng thu ngân sách Nhà nước,phục vụ đắc lực việc phát triển nền kinh tế quốc dân trong tiến trình CNH-HĐH và Đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong thành tựu to lớn của ngành Dầu khí có sự đóng góp rất quan trọng của công tác thăm dò Địa vật lý.

Tiến sỹ Khoa học Trương Minh

DMCA.com Protection Status