Các hồ thủy điện đồng loạt xả tràn cắt lũ

15:28 | 08/11/2013

474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bão số 13 gây mưa rất lớn trên diện rộng khắp các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên khiến lưu lượng nước về trên các sông, hồ tăng đột biến. Theo chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đồng loạt xả nước qua tràn với lưu lượng từ 50 m3/s trở lên để cắt lũ, giảm thiểu nguy cơ đối với các đập thủy điện.

Trước khi tiến hành xả tràn điều tiết hồ chứa, các công ty thủy điện đã triển khai chặt chẽ phương án Phòng chống lụt bão theo chỉ đạo của Chính phủ, ứng trực nhân viên 24/24h, chuẩn bị nguồn điện dự phòng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và loan báo trước ít nhất 24h cho người dân vùng hạ du để di chuyển vật dụng, tài sản lên vùng cao và khô ráo hơn.

Thủy điện Đồng Nai 4 xả tràn trong đêm

Tính đến 20h ngày 7/11/2013, Thủy điện Đa Nhim đã xả với lưu lượng 100m3/giây (nâng từ mức xả 50 m3/s), Thủy điện Đại Ninh xả với lưu lượng 100m3/giây và Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 xả với lưu lượng nước 50m3/giây.

Trước đó, Thủy điện A Vương cũng đã tiến hành xả tràn điều tiết hạ mực nước hồ chứa. Hồ thủy điện Sông Bung 5 cũng tiến hành xả tràn từ 8h ngày 7/11 với lưu lượng xả dự kiến từ 30 đến 150 m3/s.

Ông Phạm Văn Cúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai – đơn vị quản lý Thủy điện Đồng Nai 3 và 4, cho biết: “Do mưa quá lớn vì hoàn lưu bão nên tới 4h sáng ngày 7/11, lưu lượng nước về hồ Đồng Nai 3 đạt 378,45 m3/s; 5h là 357,26 m3/s. Lưu lượng nước về Đồng Nai 4 cũng đều lớn hơn lưu lượng qua Turbin phát điện. Lưu lượng nước qua turbine phát điện là 200 m3/s. Như vậy, tổng lưu lượng nước xả về hạ du là từ 250 m3/s đến 300m3/s.

Để đảm bảo an toàn cho hồ đập, công trình, góp phần cắt giảm lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, các nhà máy thủy điện đã tiến hành xả nước qua tràn hồ chứa với lưu lượng từ 50 m3/s đến 100 m3/s.

Trong những ngày tới, sau khi xả tràn các nhà máy thủy điện sẽ tùy theo tình hình, diễn biến của thời tiết, các đơn vị có thể điều chỉnh thay đổi lưu lượng nước xả qua tràn.

Tùng Dương