Cảnh giác với "thợ điện rởm"

07:00 | 16/11/2013

2,736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, trong thời gian qua, kẻ gian đã giả mạo nhân viên điện lực gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, trộm cắp. Với chiêu trò đa dạng, được sắp đặt công phu, những “thợ điện rởm” đã khiến nhiều người dân trên cả nước liên tục mắc bẫy khiến nhiều gia đình “tiền mất tật mang”.

Chỉ cần “đầu tư” chưa tới 200 ngàn đồng, những kẻ lừa đảo đã dễ dàng ngụy trang thành nhân viên điện lực với đầy đủ quần áo, mũ bảo hộ để đi lừa đảo tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trò thông dụng và dễ dàng nhất là kẻ gian đóng giả thành nhân viên thu ngân đến gõ cửa thu tiền điện từng nhà. Trong suốt tháng 10 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có hàng chục vụ giả danh nhân viên ngành điện lực đến nhà dân để lừa tiền điện. Dư luận xã hội tại Tây Ninh vẫn rất bức xúc bởi cho đến nay thủ phạm vẫn chưa bị sa lưới pháp luật.

Trong thực tế, người dân rất chủ quan khi trả tiền điện. Xuất phát từ tâm lý muốn đóng tiền tại nhà, nhanh gọn, không phiền phức nên kể cả khi không có hóa đơn, không xem biển tên nhân viên, nhiều hộ gần như “tự nguyện” nộp tiền cho kẻ lừa đảo. Chị N.T.H, ở thị xã Tây Ninh cho biết: “Đầu tháng 10, vợ chồng tôi đi làm nên chỉ có mẹ ở nhà. Một phụ nữ trung tuổi, tự xưng là nhân viên điện lực đi thu tiền điện hằng tháng. Họ nói do đang cần làm 1 số thủ tục hoàn tất giá điện mới, sẽ đưa hóa đơn xuống sau nên mẹ tôi không nghi ngờ mà cứ thế đóng tiền. Hôm sau, nhân viên điện lực mang hóa đơn xuống thu tiền thì mới biết là bị lừa. Số tiền không phải quá lớn, nhưng khiến gia đình tôi rất khó chịu và bức xúc”.

Một "thợ điện rởm" bị bắt tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi tiếp nhận một loạt phản ánh của nhân dân, Công ty Điện lực Tây Ninh đã đưa ra cảnh báo: “Những kẻ lừa đảo thường nhắm đến những gia đình neo đơn, những hộ hằng ngày chỉ có người lớn tuổi và trẻ em ở nhà. Chúng giả danh nhân viên điện lực xuống thu tiền nhưng không có hóa đơn do Công ty Điện lực phát hành. Để tránh bị lừa gạt, người dân cần cẩn thận khi đóng tiền tại nhà mà không có hóa đơn thu tiền. Đồng thời, thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi có dấu hiệu nghi ngờ kẻ xấu giả danh nhân viên thu tiền của ngành điện lực”.

Tại TP Hồ Chí Minh, liên tiếp trong 3 tháng vừa qua, trên địa bàn quận 8 đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo dưới vỏ bọc nhân viên ngành điện. Lợi dụng niềm tin của người dân đối với nhân viên điện lực, nhiều nhóm lừa đảo tiến hành trang bị đầy đủ quần áo, mũ bảo hộ lao động, vờ gặp hoàn cảnh éo le để lừa bán hàng rởm như khóa cửa, nước mắm, quần áo… Để người dân thương cảm, các nhóm lừa đảo này đã nại ra nhiều lý do như đi công tác xa, “nhặt được” ổ khóa, quần áo… nên “vừa bán vừa xin” người dân. Một số người dân quận 8 vì thương tình cộng với tâm lý ham của rẻ nên đã mắc bẫy kẻ gian nên thiệt hại hàng triệu đồng.

Liều lĩnh hơn nữa, các nhân viên điện lực rởm này còn trộm cắp rồi gạ gẫm người dân mua các thiết bị “ăn cắp điện” giữa thanh thiên bạch nhật. Sau khi vào nhà dân, chúng giở thủ đoạn vờ kiểm tra công tơ, sau đó phá chì niêm phong rồi quay sang gạ gẫm bán “nam châm” làm giảm tốc độ quay của đồng hồ đo điện. Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố 79, phường 16, quận 8 cho biết: “Những nhân viên thực của ngành điện thì chúng tôi đã biết và quen mặt hết rồi. Còn các đối tượng này nhìn vào là biết giả ngay, vì không có bảng tên, không có logo trên quần áo, đi vào bán hàng rồi tẩu thoát rất nhanh... Các đối tượng này giả danh nhân viên ngành điện và lợi dụng lòng tin của người dân để bán hàng giả là chính”.

Khu vực phía bắc trên địa bàn thành phố Hưng Yên cũng xảy ra liên tiếp 2 vụ mạo danh công nhân điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn khá lắt léo cộng với sự “ngây thơ” đến kỳ lạ của người dân.

Ngày 27/10, một thanh niên hơn 20 tuổi, mặc quần áo bảo hộ màu cam, đội mũ vàng đến nhà ông Nguyễn Văn Thủy - 368 Nguyễn Văn Linh. Tự xưng là công nhân ngành điện đến chuyển công tơ từ cột vào tường tại khu Tân Sáng. Ông Thủy không nghi ngờ gì cho người này vào nhà. Sau một lúc vờ hí hoáy, kẻ này gợi ý ông Thủy thay aptomat “cho điện trong nhà khỏe” hơn. Cả tin, ông Thủy đã đưa cho thanh niên này 500.000 đồng để nhờ mua aptomat. Sau đó thì không thấy anh ta quay trở lại nữa.

Vụ thứ 2 xảy ra trên địa bàn xã Quảng Châu. Nhóm lừa đảo đã sử dụng cả ôtô để lấy lòng tin của nạn nhân. Tự xưng là cán bộ, công nhân điện lực đang làm công trình ở xã Quảng Châu, chúng “trình bày” với ông Dương Văn Bình ở thôn 2, xã Quảng Châu là không có tiền để đi ăn cơm, đề nghị ông Bình cho vay, đồng thời “thế chấp” 3 cuộn dây nhôm mạ đồng làm tin. Ông Bình tin tưởng cho 2 người đó vay 2.600.000 đồng. Chờ mãi mà không thấy “nhân viên điện lực” quay lại trả tiền, ông Bình sinh nghi, điện thoại báo cho điện lực thành phố mới biết mình bị lừa vì không có bất kỳ đơn vị thi công nào làm việc trên địa bàn xã Quảng Châu.

Hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác những vụ lừa đảo đội lốt nhân viên ngành điện. Dù số lượng tiền mỗi hộ dân bị mất không nhiều nhưng chắc chắn tổng cộng lại có thể là một con số lớn bởi rất nhiều hộ dân mắc lừa nhưng không đi khai báo. Các công ty điện lực địa phương trên cả nước cần phối hợp với địa phương như tổ dân phố, công an phường để liên tục đưa ra cảnh báo cho người dân, nâng cao tinh thần cảnh giác.

Tùng Dương

  • el-2024