Chống tổn thất điện năng cần bắt đầu từ đâu? (Bài cuối)

07:00 | 29/08/2014

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giảm tổn thất điện năng là một trong những mục tiêu lớn mà ngành điện đề ra thực hiện hằng năm. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, trong những năm qua, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), các tổng công ty cũng như các đơn vị trực thuộc đã triển khai rất nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống điện... Nhưng để những giải pháp này phát huy tối đa hiệu quả đề ra, ngành điện rất cần sự chung tay giúp sức của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương và của cả người dân.

Năng lượng Mới số 351

>> Chống tổn thất điện năng bắt đầu từ đâu?

 Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Nỗ lực vượt khó

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Lê Xuân Hoan - Phụ trách truyền thông Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay: Nhằm cụ thể hóa mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng mà EVN giao, hằng năm EVNNPT đều yêu cầu các đơn vị truyền tải đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý kỹ thuật nhằm chống sự cố, nhất là sau các hiện tượng thiên tai bất thường đối với các đường dây 500kV và 220kV để có kế hoạch sửa chữa, ngăn ngừa nguy cơ sự cố. Ðồng thời tăng cường phối hợp trong công tác vận hành, hạn chế dòng ngắn mạch trên lưới; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý kỹ thuật, đề xuất các giải pháp vận hành thiết bị bảo đảm an toàn, đúng thông số kỹ thuật, vận hành hợp lý các giàn tụ bù, các nhà hợp bộ…

Nỗ lực, cố gắng của EVNNPT là vậy nhưng cũng như rất nhiều đơn vị khác của ngành điện, một trong những trở ngại, vướng mắc nhất mà tổng công ty phải đối diện là vốn. Theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu vốn của ngành điện hằng năm vào khoảng 5-6 tỉ USD (trên 100 ngàn tỉ đồng), trong đó, nhu cầu vốn cho hệ thống lưới điện truyền tải cho giai đoạn 2011-2020 là 210 ngàn tỉ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 494 ngàn tỉ đồng. Và chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư để hoàn thành 121 dự án lưới điện 220kV, 500kV của EVNNPT là 116 ngàn tỉ đồng. Nhu cầu vốn của EVNNPT như vậy là rất lớn so với khả năng tích lũy của tổng công ty.

Bên cạnh vấn đề về vốn, một trong những vấn đề nan giải đối với các dự án phát triển lưới điện là công tác giải phóng mặt bằng. Sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng khiến chi phí đầu tư xây dựng tại nhiều dự án nâng cấp đường dây truyền tải điện, các sân phơi điện, trạm biến áp lớn… gia tăng đáng kể. Ðiển hình như Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh, đường dây 220kV Ðắk Nông - Phước Long - Bình Long… ảnh hưởng đến việc giải tỏa nguồn điện, khiến công suất của các nhà máy thủy điện không thể đạt mức cực đại, thiệt hại không nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này theo EVNNPT, có nhiều địa phương thiếu tích cực khi được giao thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Chống tổn thất điện năng cần bắt đầu từ đâu?

Bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc - Nam

Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, để tăng khả năng tích lũy vốn trong công tác truyền tải điện, EVNNPT cho rằng, cần phải nâng mức phí truyền tải điện trong cơ cấu giá thành điện. Ðây là đề xuất hết sức thực tế và cần được các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới. Còn trước mắt, trong khi chờ sự điều chỉnh này, EVNNPT rất mong sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương có dự án lưới điện truyền tải để dự án hoàn thành đúng tiến độ, tiết giảm tối đa chi phí.

Ngoài ra, trong khi chờ những chuyển biến về mặt nhận thức của người dân, cũng như chờ đợi sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật, ngành điện đã chủ động tăng cường các giải pháp phòng, chống trộm điện. Ví như Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam (EVNSPC) đã trang bị như máy dò điện ngầm, sào đo dòng lệch, máy ảnh, ống nhòm, máy ghi âm… cho các tổ kiểm tra công tác tại 192 điện lực trực thuộc. Ðồng thời, EVN PC cũng phối hợp Trường cao đẳng Ðiện lực TP Hồ Chí Minh đào tạo kỹ năng khảo sát, đo đếm thực hiện tác động sai số  mạch nhị thứ hệ thống đo đếm gián tiếp, kỹ năng phát hiện và nhận dạng các hình thức vi phạm trong quá trình kiểm tra sử dụng điện; phổ biến quy định pháp luật xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Ngoài ra, EVNSPC cũng đang cho nghiêm cứu các thiết bị phát hiện cảnh báo vi phạm trộm cắp điện bằng nam châm điện.

Quyết liệt về đích

Theo tìm hiểu, trong những năm qua, để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng, ngành điện đã áp dụng quy trình quản lý tiên tiến, đầu tư có hiệu quả hệ thống lưới điện trên tinh thần phát huy hiệu quả cao nhất với những gì mình có. Ví như ở Công ty Ðiện lực Lào Cai (PC Lào Cai) chẳng hạn. Nếu xét trên các yếu tố dẫn tới hiện tượng tổn thất điện năng thì có lẽ, mục tiêu giảm tổn thất điện năng ở Công ty Ðiện lực Lào Cai (PC Lào Cai) là khó khăn, thách thức nhất bởi đây là địa bàn miền núi, địa bàn rộng, dân cư thì lại rất thưa thớt. Tuy nhiên, trái hẳn với cách suy diễn đó, PC Lào Cai lại là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành điện về giảm tổn thất điện năng. Chỉ trong 3 năm, từ 2010 đến 2013, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm gần 10 lần, từ 30% xuống còn 3,9%.

Trao đổi với báo chí về kết quả hết sức ấn tượng như trên, ông Phan Tử Lượng - Giám đốc PC Lào Cai cho hay: PC Lào Cai không ưu tiên đầu tư xây dựng mới bởi theo tính toán, để đầu tư một trạm biến áp, cùng với việc thay một số đường dây phải mất ít nhất 1 tỉ đồng, mỗi trạm biến áp chỉ giảm tổn thất được 50 triệu đồng/năm. Như vậy, phải 20 năm mới thu hồi được vốn. Vì vậy PC Lào Cai đã tăng cường công tác quản lý, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ, đội, nhóm về đảm bảo tổn thất trên từng đoạn đường dây và các trạm biến áp, đồng thời tập trung cho công tác sửa chữa lưới điện.

Giảm tổn thất điện năng là mục tiêu lớn mà ngành điện đề ra và dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức thì mục tiêu này vẫn là nhiệm vụ phải hoàn thành đối với toàn ngành. Và để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng toàn EVN năm 2014 là 8,45%, Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVN yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý vận hành, kinh doanh, đầu tư cải tạo lưới điện nhằm thực hiện được mục tiêu trên. Ðặc biệt, đối với EVNNPT cần chỉ đạo các công ty truyền tải tăng cường các biện pháp quản lý đảm bảo vận hành an toàn, giảm sự cố và giảm tổn thất điện năng. Trong đó lưu ý tăng cường kiểm tra thiết bị trạm và đường dây để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Ngoài ra, EVN yêu cầu cần tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh nhằm giảm tổn thất điện năng. Các tổng công ty cần bảo đảm thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp lưới, sửa chữa lớn theo kế hoạch. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện tại các khu vực có biến động lớn về tổn thất điện năng.

Ông Ðặng Hoàng An - Phó tổng giám đốc EVN, Trưởng ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVN khi đề cập tới vấn đề cũng nhấn mạnh rằng: Tất cả lãnh đạo các đơn vị phải rà soát lại toàn bộ nguyên nhân tổn thất điện năng và tìm đến tận cùng nguyên nhân vì sao tỷ lệ tổn thất điện năng lại tăng. Qua đó tìm biện pháp khắc phục để hoàn thành được chỉ tiêu tổn thất điện năng trong năm 2014 và chuẩn bị cho năm 2015. Không một đơn vị nào được đặt vấn đề hiệu chỉnh chỉ tiêu tổn thất, mà phải quyết tâm làm bằng được.

Nói như vậy để thấy rằng, ngành điện đang rất quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giảm tổn thất điện năng và nó được cụ thể bằng rất nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng vì lý do, cả khách quan lẫn chủ quan, mục tiêu giảm tổn thất điện năng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn và ngành điện rất cần sự chúng tay giúp sức, vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng như của người dân để đẩy lùi nhưng nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ tổn thất điện năng!

Thanh Ngọc