Chống tổn thất điện năng cần bắt đầu từ đâu?

07:00 | 27/08/2014

1,182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những giải pháp được ngành điện đề ra nhằm cụ thể hóa mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư là giảm tổn thất điện năng. Hằng năm, để giảm tổn thất điện năng, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) giao chỉ tiêu cho từng đơn vị phải thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề lưới điện truyền tải nhiều nơi cũ kỹ, xuống cấp, rồi nạn trộm cắp điện… cho nên mục tiêu giảm tổn thất điện năng mà ngành điện đề ra thực hiện là rất khó khăn!

Năng lượng Mới số 350

Bài 1: Nhiều rào cản thách thức

Câu chuyện của lưới điện truyền tải

Trong cơ cấu hoạt động của ngành điện, truyền tải điện được xác định là một trong những khâu quan trọng bậc nhất, quyết định đến chất lượng cung ứng điện cũng như khả năng vận hành đảm bảo, an toàn của toàn bộ hệ thống. Chính vì vậy, trước mỗi dự án nguồn điện hay đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của một vùng, một khu vực nào đó, lưới điện truyền tải luôn phải “đi trước một bước”.

Và trong những năm qua, nhằm hoàn thành trọng trách quan trọng này, rất nhiều công trình lưới điện 220kV và đặc biệt là đường dây 500kV mạch 2 và 3 lần lượt đã được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hoàn thành. Tuy nhiên, có một thực tế, do hệ thống lưới điện truyền tải nằm trên địa bàn hết sức rộng, nằm rải rác trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế tại nhiều khu vực quá cao đã dẫn tới tình trạng lưới điện luôn phải vận hành trong tình trạng quá tải… Ngoài ra, theo EVNNPT, ở nhiều nơi, lưới điện trung áp đã cũ nát nhưng vẫn phải vận hành, đặc biệt là hệ thống điện nông thôn.

Ðó là câu chuyện mà EVNNPT đang phải đối diện từ nhiều năm nay. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, khó khăn, thách thức đặt ra cho tổng công ty và các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới sẽ còn nhân lên gấp bội cùng với đà phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Con số đầu tư lên tới cả chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, chiếm khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư của toàn ngành thoạt nghe có vẻ lớn nhưng nếu xét trên nhu cầu thực tế thì lại hết sức khiêm tốn. Hệ thống lưới điện quốc gia cần sự đầu tư lớn hơn thế rất nhiều, như mục tiêu cải tạo lưới điện nông thôn chẳng hạn, tổng vốn đầu tư theo ước tính ban đầu cũng lên tới gần 100 ngàn tỉ đồng. Ðây là con số quá lớn nếu so với khả năng tích lũy vốn đầu tư của tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.

Theo một lãnh đạo của EVNNPT, hiện nay, chi phí cho khâu truyền tải điện trong cơ cấu giá điện là 83,17 đồng/kWh (tính trong năm 2013 - PV) là quá thấp. Trong khi khả năng tích lũy vốn của tổng công ty là hầu như không có, khả năng cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện hạn chế khiến hệ thống lưới điện vốn dĩ đã “yếu” vẫn phải gồng mình “cõng” sản lượng điện tiêu thụ gia tăng hằng năm lên tới 16-17%.

Chống tổn thất điện năng cần bắt đầu từ đâu?

Trạm biến áp 110kV Lào Cai

EVNNPT đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không phải vì thế mà việc vận hành, cung ứng điện được phép gián đoạn. Và một trong những giải pháp được tổng công ty đề ra là giảm tổn thất điện năng, đặc biệt là giảm tổn thất điện năng trên lưới điện hạ áp nông thôn. Ðây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng cung ứng, vận hành không chỉ của EVNNPT mà của cả ngành điện.

Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng EVNNPT đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, trong đó có việc hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng, tăng khả năng truyền tải và cung ứng điện của ngành điện, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải trên lưới điện và tỷ lệ tổn thất điện trên lưới. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo để giảm tổn thất điện năng EVN, tỷ lệ giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải điện hiện đang có diễn biến hết sức đáng lo ngại. Cụ thể, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới 6 tháng năm 2014 là 2,47%, cao hơn kế hoạch đề ra là 0,27%.

Lý giải cho tình trạng này, đại diện EVNNPT cho hay, trong cơ cấu nguồn điện của nước ta, thủy điện vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn (khoảng trên dưới 40%) nên tỷ lệ tổn thất điện năng vì thế cũng cao bởi phần lớn những dự án này nằm xa trung tâm, lại xây dựng ở các khu vực rừng núi nên lưới điện truyền tải kéo dài, phụ tải truyền tải điện lớn. Ngoài ra, nhiều thiết bị điện đã lạc hậu, cũ kỹ, dễ xảy ra sự cố cũng khiến mục tiêu giảm tổn thất điện năng của tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Và nỗi ám ảnh trộm điện

Giảm tổn thất điện năng là giải pháp quan trọng được ngành điện quyết liệt triển khai thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi ngành điện đang triển khai rất nhiều biện pháp để cụ thể hóa mục tiêu giảm tổn thất điện năng thì lại có một thực tế, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như trộm điện, ăn cắp trang thiết bị của ngành điện… lại đang có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại không nhỏ tới hệ thống lưới điện.

Thực ra, đây không phải là câu chuyện mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay và được xem như là sự đồng hành trong hoạt động của ngành điện. Nhiều đối tượng vì muốn dùng điện thoải mái mà lại không mất tiền đã tìm mọi cách để điều chỉnh công tơ, “ăn cắp” điện.

Năm 2013, tại thôn An Ðông (xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương), qua theo dõi, giám sát, Công ty TNHH MTV Ðiện lực Hải Dương phát hiện dấu hiệu bất thường trong việc sử dụng điện của một số hộ dân tại khu vực này. Từ dấu hiệu nghi vấn này, Phòng Cảnh sát Ðiều tra tội phạm và Trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Hải Dương đã giao Ðội án Xâm phạm sở hữu trực tiếp điều tra, xác minh. Qua trưng cầu giám định 40 công tơ điện, đội phát hiện các công tơ đều bị phá kẹp chì, thay đổi bộ điều chỉnh để giảm số đo điện năng
35-75%.

Hay như tại Hải Phòng - một trong những địa phương có sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất của Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc cũng vậy, hàng chục vụ trộm cắp điện với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng cũng được phát hiện. Ðiển hình là vụ Hợp tác xã Dịch vụ Ðiện nước Lê Thiện (xã Lê Thiện, huyện An Dương) diễn ra vào cuối năm 2013. Ðơn vị đã thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ để trộm cắp điện và khi bị phát hiện HTX này phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện khoảng 170 triệu đồng.

Thậm chí, có những vụ trộm cắp điện, đối tượng là người có trình độ, có chuyên môn về điện làm thay đổi kết cấu trên hệ thống đo đếm để chiếm đoạt hàng ngàn, thậm chí trăm ngàn kWh điện mỗi tháng vào mục đích riêng. Ðể phát hiện, bắt được quả tang đối tượng trộm cắp này, đơn vị điện lực phải phối hợp với các cơ quan liên ngành, tốn rất nhiều thời gian, công sức mới bắt được thủ phạm và buộc đối tượng phải ký vào biên bản thừa nhận hành vi trộm cắp điện tinh vi này. Ðiển hình là vụ trộm cắp điện tại Ðiện lực An Lão (Công ty Ðiện lực Hải Phòng). Ðối tượng thực hiện là Công ty Nhật Phát tại Khu Công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão. Cơ quan liên ngành đã phát hiện hành vi thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế để làm sai lệch chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày.

Trộm cắp điện đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nó không chỉ đơn thuần diễn ra tại một vài hộ dân đơn lẻ mà là cả cụm, cả khu dân cư, là cả những công ty, doanh nghiệp với thủ đoạn hết sức tinh vi. Và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải vẫn ở mức cao.

Thanh Ngọc