Đáp ứng đủ phụ tải công nghiệp

10:16 | 16/12/2014

873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành điện phải đi trước tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy, để hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, một trong những vấn đề đặt ra hàng đầu là phải phát triển hệ thống điện đảm bảo phục vụ các phụ tải công nghiệp. Và thực tế, những năm qua, với việc hệ thống lưới điện không ngừng được mở rộng, nâng cấp với độ tin cậy, chất lượng cao, ngành điện đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Sâm - Phó giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc (NGC), thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).

Năng lượng Mới số 382

PV: Trước hết, xin ông cho biết tình hình phụ tải cho các Khu công nghiệp ở miền Bắc hiện nay?

Ông Đoàn Văn Sâm: Hiện nay, chúng tôi đang quản lý lưới điện 110kV của 21 tỉnh từ Hà Tĩnh đổ ra, trừ 3 công ty TNHH là Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình. Trên địa bàn chúng tôi quản lý có hàng trăm khu công nghiệp (KCN). Sản lượng điện phục vụ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của những KCN này chiếm tới 65-70% sản lượng điện tiêu thụ của EVNNPC.

Đáng chú ý trong đó, các KCN như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Yên Phong (Bắc Ninh), Yên Bình (Thái Nguyên), Hải Yên (Quảng Ninh), Tằng Loỏng (Lào Cai) đang trong giai đoạn đi vào hoạt động sôi nổi nên nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay rất cao.

Ông Đoàn Văn Sâm

PV: Vậy khả năng đáp ứng phụ tải phục vụ công nghiệp ở các tỉnh miền Bắc đến đâu, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Sâm: Phải khẳng định rằng, hệ thống lưới điện miền Bắc hiện đáp ứng đầy đủ, an toàn tất cả các phụ tải công nghiệp trên địa bàn, kể cả ở những khu công nghiệp đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Ví như tại KCN Tằng Loỏng II, chúng tôi vừa đưa vào vận hành Trạm Tằng Loỏng II và tiếp tục chuẩn bị xây dựng Trạm Tằng Loỏng III để cấp điện cho công nghiệp khai khoáng của Lào Cai. Hay như ở Nghi Sơn, chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu và công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, ở KCN Yên Bình với phụ tải chính là tổ hợp Nhà máy của Samsung, các công trình lưới điện hiện tại đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phục vụ sản xuất của nhà máy với chất lượng và độ tin cậy rất cao.

Nói chung, đối với các phụ tải công nghiệp, EVNNPC nói chung và NGC nói riêng luôn luôn đáp ứng và sẵn sàng đáp ứng đủ mọi nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các khu công nghiệp.

PV: Như ông đã đề cập, phụ tải điện công nghiệp, đặc biệt là phụ tải điện tại những KCN như Yên Bình (Thái Nguyên), Yên Phong (Bắc Ninh)... rất lớn, vậy vấn đề này đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Đoàn Văn Sâm: Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các phụ tải công nghiệp, căn cứ theo yêu cầu sử dụng điện của các nhà đầu tư, EVNNPC đã giao cho 2 ban quản lý dự án của tổng công ty, các công ty điện lực và NGC quản lý, triển khai thực hiện hàng chụ dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện để cấp điện cho các KCN, với tổng mức đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Ví như ở Lào Cai, trong 2 năm 2013-2014, EVNNPC đã đầu tư khoảng 750 tỉ đồng để hoàn thành một loạt các dự án 110kV như đường dây, Trạm biến áp 110kV Tằng Loỏng II; đường dây 110kV cấp điện cho Nhà máy Thép Tằng Loỏng... Hay như Dự án Trạm biến áp 220/110kV Phú Bình (Yên Bình, Thái Nguyên) và các đường dây đấu nối 220, 110kV được đóng điện vào tháng 9-2014  phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện của Samsung Thái Nguyên.

PV: Việc cấp điện cho những nhà máy, KCN công nghệ cao có đặc điểm gì?

Ông Đoàn Văn Sâm: Việc cấp điện cho các nhà máy, KCN cao có một cái khác là đòi hỏi chất lượng điện năng và độ tin cậy rất cao. Bởi nếu chỉ xảy ra mất điện khoảng 1/2 giây thì cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến dây chuyền sản xuất của nhà máy, thậm chí nhà đầu tư phải ngừng toàn bộ dây chuyền và làm lại, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí.

Một góc trạm 220kV Phú Bình (Thái Nguyên)

PV: Cụ thể đối với Samsung, việc cấp điện đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Sâm: Việc đầu tư các dự án cấp điện cho các khu công nghiệp là do EVNNPC đầu tư và giao cho các ban quản lý dự án của tổng công ty chịu trách nhiệm quản lý dự án, còn NGC thì chịu trách nhiệm quản lý vận hành. Hiện nay, đối với KCN Yên Bình (Thái Nguyên) và Yên Phong (Bắc Ninh), chúng tôi đã đáp ứng được đủ nhu cầu công suất điện phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư và cũng đã đảm bảo được chất lượng điện năng, điện áp cho các phụ tải. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng của nhóm đối tượng này, chúng tôi đã tiến hành xây dựng Trạm Yên Phong II cấp điện cho khu vực Nhà máy Samsung ở Yên Phong, đặc biệt là Samsung Dislay.

Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng Trạm Yên Phong III và đường dây 2 mạch từ trạm 500 Hiệp Hòa về KCN Yên Phong để cấp điện đảm bảo độ tin cậy cũng như chất lượng tốt nhất. Còn ở KCN Yên Bình, Trạm 220kV Phú Bình đã đưa vào vận hành với 1 máy biến áp và sắp tới, tổng công ty sẽ đầu tư, lắp đặt thêm máy biến áp thứ 2 và 4 xuất tuyến 110kV đảm bảo cấp điện cho KCN Yên Bình được tin cậy.

PV: Đầu tư điện phải đi trước một bước, tuy nhiên, có một thực tế là nhiều khu công nghiệp khi mình đầu tư vào thì lại không sử dụng hết công suất như kế hoạch, điều này đã gây ra những khó khăn như thế nào?

Ông Đoàn Văn Sâm: Đúng là trong quá trình đầu tư cấp điện cho các khu công nghiệp thì có những dự án đã không sử dụng hết công suất điện năng đầu tư, gây lãng phí đồng vốn. Ví như KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh), chúng tôi đã xây dựng 1 trạm biến áp nhưng sau đó, các nhà đầu tư không vào kịp, trạm đóng điện lúc đầu với 2 máy 40MVA và đưa vào vận hành khoảng 4 năm nhưng vì các nhà đầu tư không vào kịp nên phải rút đi và hiện chỉ để 1 máy 63MVA cung cấp cho KCN Vũng Áng.

PV: Thiệt hại cho ngành điện như vậy là không nhỏ, nhưng rõ ràng chúng ta không thể không đi trước?

Ông Đoàn Văn Sâm: Đúng là như vậy. Khi mà mình bỏ vốn ra đầu tư với suất đầu tư rất lớn (hơn 600 tỉ đồng - PV) nhưng các nhà đầu tư không vào kịp thì gây lãng phí vốn lớn vì vốn của chúng tôi là vốn đi vay. Khó khăn là vậy, nhưng nếu mình không đầu tư kịp để khi các nhà đầu tư vào lại không có điện thì cũng không được. Vậy nên, chúng tôi vẫn phải chủ động để đi trước. Và để tránh sự lãng phí này, với Thái Nguyên, chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với Samsung để có kế hoạch, tiến độ, nhu cầu sử dụng điện. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo Tổng công ty để có kế hoạch đầu tư kịp thời để khi họ có nhu cầu sử dụng điện thì chúng tôi sẽ đáp ứng được ngay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo dự kiến, tổng nhu cầu công suất của các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình ước khoảng 659,5 MVA. Trong đó, năm 2013 là 126 MVA, đến năm 2014 là 382,5 MVA, đến năm 2015 là 544,5 MVA và đến năm 2016 là 659,5 MVA. Để đáp ứng nhu cầu này, EVNNPC đã đầu tư xây dựng Trạm biến áp 110KV Yên Bình 1 công suất 3x36 MVA. Với riêng Khu công nghiệp Yên Bình, EVNNPC đã đầu tư xây dựng trạm biến áp 220/110kV Phú Bình, các đường dây 220kV, 110kV đấu nối và trạm biến áp 110kV Yên Bình 2.


Thanh Ngọc (thực hiện)

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps