Điện lưới quốc gia sắp đến xã đảo duy nhất ở TP HCM

09:59 | 17/11/2014

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự kiến trước ngày 30/4/2015, người dân ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia, theo thông tin từ ông Phạm Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC).

Cũng theo ông Bảo, dự án đầu tư xây dựng mới tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cung cấp điện cho xã đảo Thạnh An dài 6,4km, có tổng số vốn đầu tư 167,3 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành trước ngày 30/4/2015.

Dự kiến đến cuối tháng 4/2015 xã đảo Thạnh An sẽ có lưới điện quốc gia

Hiện người dân trên xã đảo Thạnh An đang sử dụng điện từ máy phát điện diesel 250kVA, được đưa vào sử dụng từ 2004, suất hao dầu bình quân là 267,8g/kWh (tăng 1,6%/năm). Đội quản lý gồm 8 người làm việc chế độ 3 ca 4 kíp đã phát điện 18/24 giờ mỗi ngày (thời gian có điện trong ngày từ 6-24 giờ), ngoại trừ phát điện 24 giờ đối với các ngày lễ lớn, tết cổ truyền, ngày lễ truyền thống của địa phương, trực phòng chống lụt bão.

Giá thành phát điện ở mức khá cao, tính đến năm 2011 là 6.999 đ/kWh, gấp năm lần giá thành phân phối điện chung của EVNHCMC. Trong đó nguyên nhân giá thành cao chủ yếu từ 4 chi phí lớn: nhiên liệu chiếm 82,2%, lương và bảo hiểm xã hội là 7,4%, khấu hao tài sản 5,8%, vật liệu 3,5%; các chi phí còn lại 1,1%.

Trong khi đó, giá nhiên liệu luôn có xu hướng tăng nhanh và chiếm tỉ trọng cao, giá bán điện tăng chậm, nhất là ở bậc 1 gần như không tăng và luôn thấp hơn giá thành là nguyên nhân chính gây lỗ khi phát điện diesel.

Trạm phát điện diesel ở xã đảo Thạnh An

Sau khi nghiên cứu và đánh giá tính khả thi, EVNHCMC sẽ xây dựng mới 2 trạm ngắt kiểu trạm phòng và tủ trung thế hợp bộ 24kV, gồm: trạm ngắt 22kV Tắc Xuất tại bến đò Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ; và trạm ngắt 22kV Thạnh An tại trạm phát Diesel Thạnh An, xã Thạnh An.

Sau đó, EVNHCMC sẽ xây dựng một tuyến cáp ngầm 22kV dưới biển từ trạm ngắt 22kV Tắc Xuất đến trạm ngắt 22kV Thạnh An, với chiều dài tuyến cáp gần 6km. Ngoài ra, mua dự phòng một đoạn cáp dài 500m.

Trạm ngắt Tắc Xuất và Thạnh An sẽ được thiết kế kiểu trạm phòng xây kín, theo mô hình trạm không người trực, các thiết bị có chức năng thao tác từ xa, có trang bị hệ thống tủ hợp bộ 24kV.

Theo dự kiến của EVNHCMC, phụ tải phát điện của xã đảo giai đoạn đến năm 2015 là 350,6 kW, giai đoạn đến năm 2020 là 611,8kW và đạt gần 2.000kW vào năm 2030.

EVNHCMC dự báo, nếu có nguồn điện ổn định, công suất lớn thì mức tiêu thụ điện sẽ nhanh hơn mức trên, do người dân sẽ mua sắm thêm các thiết bị tiêu thụ điện và sản xuất nước đá để phục vụ kinh doanh thủy hải sản.

Nguyễn Hiển

  • el-2024