Điện về với đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ

08:45 | 20/11/2014

1,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đưa điện thành công về vùng đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ là một trong những thành tích Tập đoàn Điện lực đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.

Năng lượng Mới số 375

Niềm vui từ lưới điện quốc gia

Người dân nông thôn và đồng bào dân tộc ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chủ yếu sống trong khu vực vùng sâu, xa hẻo lánh, cách xa trung tâm đô thị nên việc sử dụng điện cũng không thuận lợi như ở thành thị. Ban đêm phải thắp đèn dầu để chiếu sáng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì khí hậu nóng bức, không tivi, không thiết bị phục vụ sinh hoạt, ban đêm thôn xóm chìm trong bóng tối nên việc đi lại rất khó khăn, lao động hoàn toàn bằng sức người… người dân nơi vùng chưa có điện không có cơ hội tiếp cận, học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên năng suất, hiệu quả không cao, kinh tế vì thế mà chậm phát triển. Cuộc sống cứ trong vòng tuần hoàn đói nghèo.

Thấy được vấn đề khó khăn của bà con, và ý thức trách nhiệm của mình, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) trong nhiều năm liền đã tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới điện, thực hiện nhiều dự án đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi phục vụ đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, các dự án phát triển giao thông nông thôn, y tế, văn hóa, giáo dục, các dự án cấp điện còn góp phần thúc đẩy thực hiện quy hoạch dân cư ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc trong chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Đời sống người dân được cải thiện từ khi có điện - nhà bà Lâm Thị Thu

Trong niềm hân hoan khi có điện lưới quốc gia, gặp chúng tôi, bà Lâm Thị Thu, sinh 1963, người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hồ hởi kể: “Lúc chưa có điện, cả xóm vào đêm là tối mù tối mịt, nhà có máy phát thì cũng không dùng được bao lâu vì tốn nhiều tiền. Từ khi điện đưa vào trong xóm, nhà sáng, đường sáng thì thấy sáng trong lòng. Giờ nhà ai cũng có tivi, quạt máy, không sợ buồn, không sợ nóng nữa”. Trong niềm vui chung đó, ông Liên Sang, sinh năm 1956, người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nhớ lại: “Khi điện lưới quốc gia còn chưa kéo tới, nhà chúng tôi phải chạy máy phát và chỉ thắp sáng 3 tiếng đồng hồ một đêm, chi phí khoảng 40.000 đồng/đêm là quá cao so với những người lao động nghèo. Đến khi đường điện chạy ngang nhà, kinh tế gia đình mới khá hơn vì có thể buôn bán phục vụ bà con. Trẻ con trong xóm cũng có ánh sáng để học bài”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh: “Từ khi có lưới điện quốc gia kéo miễn phí vào nhà, đã thỏa lòng mong ước của bà con bao lâu nay, từ đó, đồng bào Khmer càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Sau khi có điện, họ quyết tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.

Lưới điện quốc gia đã tạo tiền đề phát triển sản xuất, người dân mở rộng chăn nuôi, trồng trọt bằng sự hỗ trợ của các loại máy móc chạy bằng điện, nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, công việc bớt cực nhọc, thu nhập tăng lên nên đời sống người dân được cải thiện rất nhiều, điều đó thể hiện qua từng hành động, nụ cười, ánh mắt của những em nhỏ đến các cụ già, khi trong mỗi gia đình đều có tivi, tủ lạnh, quạt máy…

Lưới điện tiếp tục vươn xa

Trong hai năm liên tiếp, từ 2013 đến 2014, các dự án cung cấp điện cho đồng bào Khmer ở Tây Nam bộ đã hoàn thành, góp phần tăng tỷ lệ hộ dân có điện như: tỷ lệ hộ dân Khmer tại Trà Vinh có điện đạt trên 92%; tại Sóc Trăng, tỷ lệ hộ dân Khmer có điện trên 90%; tại Kiên Giang tỷ lệ hộ dân Khmer có điện chiếm khoảng 95%; tại Bạc Liêu tỷ lệ hộ dân Khmer có điện chiếm 95%. Theo lãnh đạo EVN SPC, tất cả các hộ dân nằm trong vùng dự án không phải đóng một khoản chi phí nào, từ đường điện vào nhà đến điện kế, kể cả hệ thống chiếu sáng sinh hoạt sau công-tơ cho mỗi hộ.

Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi đồng bào Khmer chiếm 30% dân số, việc triển khai lưới điện gặp không ít khó khăn như việc cung cấp điện được triển khai thực hiện chủ yếu cho các hộ dân Khmer chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng lõm, các khu này hầu hết có nhiều sông ngòi chằn chịt, địa bàn phức tạp, rất khó khăn cho việc giám sát, thi công, phải sử dụng nhiều phương tiện trung chuyển mới đến được chân công trình, gây tốn nhiều chi phí trong quá trình thi công, lắp đặt. Thời gian từ khi khảo sát đến khi thi công kéo dài nên số hộ đã khảo sát có nhiều thay đổi như: Thay đổi địa chỉ, di dời, nhiều hộ đi làm ăn xa không có ở nhà... Do đó, Công ty Điện lực Sóc Trăng phải mất thời gian rà soát và nhiều lần trình ký lại danh sách các hộ được đầu tư với chính quyền địa phương.

Theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, sau khi các dự án hoàn tất, sẽ cung cấp điện ổn định, lưới điện được bảo đảm về kỹ thuật, an toàn điện, tổ chức đưa điện trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, góp phần giảm giá điện ở nông thôn, đem lại lợi ích lâu dài và bền vững. Ngoài ra, dự án còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn với thành thị, từng bước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyễn Hiển

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps