Lời giải nào cho bài toán vốn của ngành điện?

07:15 | 20/09/2014

478 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện là phải “đi trước một bước”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá điện còn thấp, chưa vận hành theo cơ chế thị trường thì câu chuyện này đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho ngành điện.

Con số 120 tỉ USD theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2030) đã cho thấy điều đó.

Khó thêm khó!

Tại một cuộc hội thảo gần đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã nhấn mạnh rằng: Những năm qua, mặc dù ngành điện phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong vấn đề về vốn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho nền kinh tế. Kết quả này có được chủ yếu là nhờ nỗ lực tự thân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV)… Và trong Quy hoạch điện VII, 3 tập đoàn này - 3 trụ cột của ngành năng lượng - chắc chắn vẫn sẽ đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống điện.

Lời giải nào cho bài toán vốn của ngành điện?

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Tuy nhiên, ông Ngãi cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu cung ứng điện cho nền kinh tế khoảng 330 đến 362 tỉ kWh vào năm 2020, và 695 đến 834 tỉ kWh vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII thì chỉ “nỗ lực tự thân” là không đủ. Ông phân tích: Để cụ thể hóa những mục tiêu trên, ngành điện sẽ phải đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình, dự án điện. Và chỉ tính riêng EVN, nhu cầu vốn để thực hiện những công trình, dự án này đã lên tới 120 tỉ USD, tức mỗi năm khoảng 5-6 tỉ USD. Đây là thách thức không hề nhỏ bởi khả năng tích luỹ của ngành điện là rất thấp. Ví như năm 2013, doanh thu của EVN ước đạt 172.000 tỉ đồng nhưng sau khi khấu trừ chi phí, bù một phần lỗ lũy kế nhiều năm và lỗ tỷ giá của các năm trước để lại... Tập đoàn chỉ lãi khoảng 120 tỉ đồng. Một con số quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của ngành điện.

Bài toán vốn đặt ra cho ngành điện như vậy là hết sức nan giải. Và theo ông Ngãi, với thực trạng trên, vốn hiện có của EVN chỉ có thể đáp ứng được phần vốn đối ứng còn chủ yếu là nguồn vốn vay từ nguồn ODA do Chính phủ cho vay lại và các nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn ODA song phương (JICA, AFD, KFW), huy động từ các quỹ tín dụng người bán, tín dụng người mua và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Cái khó của ngành điện là thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, sau nhiều năm phải đi vay, cộng với khả năng tích lũy vốn thấp, việc vay vốn của EVN từ các tổ chức tài chính trong nước cũng như quốc tế cũng dần hạn chế. Tỷ lệ vốn tự tích lũy (vốn đối ứng - PV) của EVN không đáp ứng được yêu cầu của những tổ chức cho vay. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khi bị hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất điều chỉnh theo thực tế thị trường, nhiều khoản vay không được giải ngân dẫn đến tiến độ thi công của một số dự án nguồn và lưới điện bị chậm trễ…

Mặt khác, thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết cho đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Chẳng hạn, năm 2013, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại trong nước thu xếp vốn (có bảo lãnh Chính phủ) nhưng nhiều dự án, trong đó có các dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho khu vực phía nam của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia vẫn chưa thu xếp đủ vốn như: Dự án nâng cấp tụ bù dọc các đường dây Đắk Nông - Phú Lâm, Pleiku - Di Linh từ 1000A lên 2000A; đường dây và trạm 500kV Lai Châu - Sơn La…

Cần cơ chế riêng

Như đã đề cập ở trên, ngành điện đang phải đối diện với những thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề vốn. Và theo ông Hoàng Văn Ninh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance): Thu xếp vốn cho mỗi dự án điện là một thách thức lớn đối với EVNFinance. Tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế đang có nhiều biến động, nợ xấu khó kiểm soát, chính sách thắt chặt tín dụng của các tổ chức tài chính, dòng vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nên chưa tạo được sức “hút” đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho các dự án điện lớn, thời gian thu hồi kéo dài nên tính hấp dẫn chưa cao. Nhiệm vụ đầu tư phát triển các dự án điện phần lớn vẫn do EVN và các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm. Trong khi đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng 20-30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay.

Ngành điện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức và điều này cần phải được xã hội, nền kinh tế nhìn nhận và chia sẻ. Vì trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế… trong một thời gian dài, những lợi ích về kinh tế đã được ngành điện gác sang một bên. Nhưng cũng vì thế, khó khăn về vốn cũng ngày một lớn  và một mình ngành điện khó lòng đủ sức gánh vác! Và để tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận vốn cho các dự án điện, tại hội thảo quốc tế “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam”, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã kiến Chính phủ và các bộ, ngành cần kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính, bổ sung nguồn vốn đầu tư, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước cũng như ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển các dự án nguồn điện.

Ngoài ra, hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho EVN vay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên; xem xét việc giới hạn tỷ lệ 15-25% vốn tự có của EVN. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị nội địa…

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Bùi Văn Thạch nhận xét, giá bán điện tại các nước trong khu vực hiện nay khoảng 11-12 cent/kWh, thậm chí Campuchia tới 15-22 cent/kWh tùy từng vùng. Trong khi ở Việt Nam, giá bán điện vẫn do Chính phủ quyết định với mức trung bình khoảng 7 cent/kWh. Việc bao cấp giá điện quá lâu, thậm chí bao cấp cho cả doanh nghiệp nước ngoài đã làm méo mó thị trường. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giá nhiên liệu đầu vào đang áp sát giá thị trường, giá đầu ra do Chính phủ áp trần khiến giá thành điện nhiều khi cao hơn giá bán, các doanh nghiệp điện lực nếu có lợi nhuận thì rất khiêm tốn. Đây là nguyên nhân chính khiến ngành điện không thu hút được vốn từ các nhà đầu tư, ngân hàng cũng không mặn mà cho vay. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh lộ trình hình thành thị trường bán lẻ điện, nới lỏng cơ chế giá, đưa giá điện về giá trị thật của nó thì mới thu hút được các nhà đầu tư.

Lê Hà

  • el-2024