Một đề tài khoa học giúp ngành điện tiết kiệm ngàn tỉ

15:21 | 28/08/2014

945 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giảm thiểu thời gian cắt điện để di chuyển, bảo dưỡng, sửa chữa cũng như tiết giảm tối thiểu chi phí bảo dưỡng các máy biến áp 500 kV là kết quả của đề tài “Lập Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV” do Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 2 làm chủ nhiệm.

Năm 1994, hệ thống điện siêu cao áp 500 kV của Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào vận hành với 18 máy biến áp (MBA). Do phải vận hành liên tục, thường xuyên mang tải cao trong thời gian dài, nên chất lượng vận hành các MBA đã suy giảm. Trong đó, nhiều máy đã bị hư hỏng, không còn khả năng vận hành. Một số máy mới, khi đưa vào vận hành không đạt tiêu chuẩn cũng đã phải chuyển trả về hãng chế tạo ở nước ngoài để sửa chữa, điển hình như trường hợp pha A MBA 500 kV-AT2 trạm 500 kV Đà Nẵng. Việc bảo dưỡng thông thường phải mất từ 15 đến 18 tháng với nhiều thủ tục phiền phức. Do vậy, gây ảnh hưởng không chỉ đến công tác vận hành mà còn gây lãng phí thời gian, tốn kém chi phí trong khâu vận chuyển.

Bảo dưỡng MBA 500 kV ở PTC2

Lúc này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bảo dưỡng được các MBA 500 kV tại hiện trường, nhằm tiết kiệm chi phí và chủ động trong công tác sửa chữa, phục vụ vận hành cung cấp điện. Trước tình hình đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã giao cho nhóm đề tài của Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) nghiên cứu đề tài khoa học “Lập quy trình sửa chữa, bảo dưỡng MBA 500 kV” tại hiện trường.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc PTC2, chủ nhiệm đề tài cùng với nhóm đã nghiên cứu kỹ cấu tạo, chất liệu của các MBA 500 kV ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới và đưa ra kết luận: “Để công tác bảo dưỡng các MBA siêu cao áp thành công, bằng mọi cách phải tách được toàn bộ các tạp chất, khí và ẩm với các phần tử bên trong MBA nhằm đưa cách điện MBA trở về tinh khiết tuyệt đối. Quá trình thực hiện phải đảm bảo không làm biến đổi, hư hỏng các phần tử MBA. Chất dầu cách điện đã được làm nóng 85ºC đưa vào gia nhiệt bên trong MBA (bơm & hút tuần hoàn) theo nguyên tắc toàn bộ các phần tử trong MBA đều phải được gia nhiệt ở cùng một nhiệt độ. Duy trì bên trong MBA ở môi trường chân không và nhiệt độ cao khoảng 80ºC trong 24 giờ. Khi đó, toàn bộ các tạp chất, các loại khí và đặc biệt là hàm lượng ẩm sẽ bị hút và đào thải ra ngoài, đưa cách điện MBA trở về tinh khiết tuyệt đối, đảm bảo phục hồi cách điện ở điện áp siêu cao áp 500 kV”.

Trên thực tế, đề tài đã được áp dụng bảo dưỡng thành công với MBA 500 kV - AT2 tại Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng (Công ty Truyền tải điện 2). Mới đây, Công ty Truyền tải điện 1 cũng áp dụng quy trình công nghệ của đề tài này bảo dưỡng thành công và đã đưa vào vận hành 2 máy biến áp 500 kV tại trạm 500 kV Hòa Bình. Hiện nay, hệ thống điện cả nước có cả trăm MBA 500 kV, nếu bảo dưỡng theo công nghệ cũ, mỗi máy phải tốn khá nhiều thời gian cũng như chi phí. Trong khi trên thế giới vẫn chưa có công xưởng chuyên bảo dưỡng, sửa chữa MBA 500 kV, công việc này hiện đang được thực hiện bởi các hãng chế tạo, sản xuất ra MBA.

Vì vậy, việc đàm phán để đưa MBA đi bảo dưỡng, sửa chữa hết sức khó khăn và phụ thuộc. Thành công của đề tài đã giải quyết được cơ bản các vấn đề vướng mắc nêu trên. Mặc dù đề tài Lập quy trình bảo dưỡng cho MBA 500 kV. Nhưng còn hàng trăm MBA 220, 110, 35 và 22 kV khác có cấu tạo cơ bản giống nhau, nếu tiếp tục áp dụng nghiên cứu khoa học này cho các MBA cấp điện áp nhỏ hơn đó sẽ không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất trị giá hàng ngàn tỉ đồng, mà quan trọng hơn, là chúng ta có thể hoàn toàn chủ động được trong công tác chăm sóc bảo dưỡng tại chỗ các MBA, nhằm đảm bảo hệ thống cung cấp điện an toàn liên tục cho nền kinh tế quốc dân.

Đề tài “Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa MBA 500 kV” đã được các nhà khoa học trong Hội đồng Giám khảo cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2011 đánh giá là đề tài xuất sắc nhất và được đề cử với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới trao Huy chương Vàng. Bên cạnh giải Nhất danh giá này, Ban tổ chức cũng đã đề nghị Chính phủ và các tổ chức tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo và Kỷ niệm chương tuổi trẻ sáng tạo cho nhóm thực hiện đề tài.

Mỹ Uyên