Nhọc nhằn thợ điện vùng biên

16:01 | 17/12/2014

980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đưa điện đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã khó nhưng để giữ vững dòng điện ấy thông suốt lại khó khăn hơn gấp bội phần, đòi hỏi người thợ điện phải nỗ lực, quyết tâm rất cao và đôi khi, phải chấp nhận cả sự hy sinh!

Ghi chỉ số công tơ tại bản Nà Giòn, xã Mường Cai, huyện Sông Mã.

Thu không đủ chi

Một ngày đầu tháng 11, tôi về huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La để tìm gặp anh em công nhân của Đội Kinh doanh số 1, Điện lực Sông Mã (Công ty Điện lực Sơn La).

Anh Lê Quốc Huy - Đội trưởng Đội Kinh doanh số 1 cho hay, do đặc thù địa bàn hoạt động chủ yếu là vùng rừng núi, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở nên người thợ điện ở đây phải tự biến mình thành “lính” đa năng. Có những địa bàn Đội phụ trách nằm cách tới 70 km, đường xá đi lại toàn đường mòn. Ngày nắng thì còn đỡ chứ ngày mưa thì đi lại mất cả ngày trời. Vậy nên, mỗi dịp đi đến đó là anh em phải tranh thủ làm tất, từ thu tiền điện, kiểm tra hệ thống đường dây, rồi thì sửa chữa những thiết bị điện bị hư hỏng của người dân…

Rồi anh kể lại những lần cùng anh em lặn lội xuống bản để thu tiền điện hoặc khắc phục sự cố cho bà con. Quãng đường xa cả chục cây số, trời lại mưa, lầy lội và trơn trượt, mất cả nửa ngày đi đường nhưng rồi vào đến nơi, bà con đi làm nương, làm rẫy không có nhà, lại phải lóc cóc quay về. Mà nói đến chuyện thu tiền điện ở các xã vùng sâu, vùng xa  biên giới thì cũng lắm chuyện dở khóc, dở cười. Chẳng hạn như ở Pắc Ngà (Bắc Yên), có khu dân cư, để đến được đây, thợ điện phải thuê đò với giá lên tới 400 ngàn đồng nhưng rồi lại chỉ thu được 38 ngàn tiền điện.

Thợ điện Nguyễn Văn Đạt - cán bộ của Đội Kinh doanh số 1 kể: Nhiều khi vượt cả một chặng đường dài, gặp được bà con tưởng là may nhưng nào ngờ, bà con không có tiền, vào nhà lại vác thóc, vác gạo, rồi có khi lại chạy ra vườn bắt con gà, nhặt vài quả trứng để gán vào tiền điện. Có hôm anh em vào bản thu tiền điện, khi đi chỉ có mỗi cái túi nhỏ mà khi về nào thì đủ các loại túi, vắt vẻo, lủng lẳng treo đầy xe. Những khi trời nắng ráo thì còn mang về được chứ ngày mưa thì chịu, đành hẹn bà con tháng sau vào thu cả thể.

Hay như chuyện đi sửa chữa điện cho bà con cũng vậy. Theo anh Huy, hễ cứ có tin báo hỏng hóc, hay sự cố là anh em lại phân công lên đường, không quản thời tiết nắng mưa, đêm hôm mưa gió. Khó khăn, thách thức đặt ra là vậy nhưng rồi có khi đến nơi, loay hoay cả ngày không giải quyết được chỉ vì bất đồng ngôn ngữ. Thợ điện lại phải chạy lùng sục khắp bản, khắp nơi để tìm người phiên dịch thì mới khắc phục được.

Tiếp câu chuyện của anh Huy, Giám đốc Điện lực Sông Mã Nguyễn Tân Cương cho biết: Vì phải hoạt động trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái… nên thời gian đầu, việc đưa điện vào cho bà con là hết sức khó khăn. Vậy nên, mỗi thợ điện phải tự cố gắng học tiếng của bà con để mà giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ.

Sẵn sàng hy sinh vì dòng điện thông suốt

Đại bản doanh của Đội Kinh doanh số 1 có diện tích chừng 600m2. Ngoài phòng làm việc, tiếp khách thì còn có kho chứa, phòng ngủ… Đội được giao quản lý việc cung cấp điện cho địa bàn 5 xã của huyện Sông Mã, nơi xa nhất lên tới 70km, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, việc duy trì cấp điện ổn định, bền vững cho những khu vực này là không hề đơn giản, thậm chí, người thợ điện phải chấp nhận cả sự hy sinh.

Qua câu chuyện của anh Huy, tôi được biết, anh đã công tác trong ngành điện 13 năm và có tới 8 năm lặn lội khắp các bản làng của tỉnh Sơn La. Nhà ở thành phố Sơn La, vợ là giáo viên, anh chị lấy nhau đã được 7 năm và có với nhau 2 mụn con. 13 năm công tác thì có tới 8 năm anh không được ăn Tết ở nhà.

Khi vợ anh sinh cháu thứ 2, anh đang nhận nhiệm vụ trong Điện lực Sông Mã tham gia thi công dự án cấp điện cho đồng bào các dân tộc thiểu số Sơn La, anh chỉ về được trong chớp mắt rồi lại phải quay lại công trường. Và phải đúng 1 tháng sau, anh mới quay trở lại gặp mặt con lần thứ hai.

Nhiều đêm mưa, trời đen quạch, đường thì trơn trượt, lầy lội nhưng khi nhận được tin báo có sự cố, anh lại sẵn sàng cùng mọi người lên đường, mồ mẫm để khắc phục, sửa chữa một cách nhanh nhất, phục vụ cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào. Với các anh, một ngày đồng bào không có điện là một ngày các anh “đứng ngồi không yên”, thấy có lỗi, có tội với bà con!

Theo ông Phạm Văn Long, hiện Điện lực Sơn La đang quản lý vận hành hơn 3.340 km đường dây trung thế, gần 3.400 km đường dây hạ thế, khoảng 1.451 trạm phân phối và trạm trung gian với 218.032 khách hàng tại 204 xã, phường, thị trấn. Do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, cũng như năng suất lao động của các công nhân điện lực.

Và để giảm bớt những khó khăn vất vả của công nhân, Điện lực Sơn La đã có sáng kiến xây dựng các nhà trực cụm điện lực xã. Ngoài trụ sở chính của điện lực mỗi huyện, cứ 3-5 xã gần nhau sẽ có một nhà trực cụm với quân số 7-10 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ, vật tư phục vụ công việc. Công nhân tại nhà trực sẽ thực hiện các nhiệm vụ như quản lý vận hành, phân phối kinh doanh, phát triển khách hàng; tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân, sửa chữa, xử lý sự cố về điện; ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện; tuyên truyền tiết kiệm điện và nhiều nhiệm vụ khác...

Chuyện của thợ điện vùng cao là thế, khó khăn, vất vả vô cùng và theo anh Nguyễn Tân Cương, nếu không có sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm thì chắc chắn sẽ khó bám trụ được với công việc này. Nhưng đáng nói hơn cả đó là câu chuyện trách nhiệm của ngành điện với xã hội, với cộng đồng, điều đã được nhắc tới từ lâu nhưng vẫn có rất nhiều người không chịu hiểu và chia sẻ với ngành điện. Lớp lớp cán bộ ngành điện đã chấp nhận hy sinh để dòng diện được thông suốt, để những bản làng xa xôi nhất của tổ quốc có điện!

Thanh Ngọc