Phát triển lưới điện truyền tải của Hà Nội gặp khó

07:14 | 17/04/2014

690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết, một số dự án phát triển lưới điện trên địa bàn Hà Nội như đường dây 220kV Vân Trì - Chèm, Hà Đông - Thành Công hiện đang triển khai khá chậm so với tiến độ đề ra. Và theo ông Trần Kim Vũ - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) thuộc EVN NPT, nếu không sớm khắc phục được tình trạng này thì mùa hè 2014, Hà Nội sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu điện.

Năng lượng Mới số 313

Theo Quy hoạch phát triển lưới điện thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020, hệ thống lưới truyền tải 500, 220, 110kV của thành phố sẽ được thiết kế với cấu trúc đa mạch vòng, trong đó lưới 500kV là vòng ngoài, tiếp đến là vòng 220kV và các vòng 110kV. Các trạm biến áp 500kV được xây dựng, cải tạo mở rộng với quy mô công suất 710 máy biến áp 1 pha công suất đến 300MVA trong đó có 1 máy dự phòng. Đường dây 500kV sử dụng dây dẫn có tiết diện 330mm2, trong trường hợp truyền tải công suất lớn có thể tính toán dùng dây phân pha tiết diện lớn hơn là 400mm2; cột đường dây 500kV sử dụng cột thép nhiều mạch để có thể kết hợp nhiều cấp điện áp...

Trong những năm qua, để thực hiện những mục tiêu được đề ra trong quy hoạch, vượt qua nhiều khó khăn về vốn cũng như công tác giải phóng mặt bằng, một loạt những công trình, dự án quan trọng phát triển hệ thống lưới điện của thành phố đã được ngành điện triển khai thực hiện. Điển hình có thể kể tới công trình đường dây 220kV Sóc Sơn - Vân Trì và trạm biến áp 220kV Vân Trì. Hai công trình 220kV sau khi hoàn thành và đi vào vận hành đã góp phần không nhỏ bảo đảm cấp điện cho nhu cầu phụ tải của Hà Nội năm 2013.

Kiểm tra lưới điện ở Hà Nội

Bước sang năm 2014, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của thành phố, ngành điện tiếp tục cho triển khai nhiều dự án phát triển lưới điện quan trọng. Tuy nhiên, cũng như những dự án phát triển hệ thống lưới điện trước đó, ngoài những khó khăn về vốn thì công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là một trở ngại lớn của ngành điện. Ngoài ra, theo đánh giá của EVN NPT thì, nhiều dự án phát triển hệ thống lưới điện của Hà Nội chậm còn do vướng quy hoạch.

Ví như Dự án đường dây 220kV Vân Trì - Chèm chẳng hạn. Dự án do EVN NPT làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên tới 574,6 tỉ đồng, AMB trực tiếp quản lý dự án, được khởi công từ tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện giai đoạn 1 tháng 12/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn còn vướng mắc. Phần móng cột, mặc dù đã bàn giao được 100% vị trí, nhưng trước đó, ở vị trí cột số 33, 34 do vướng nhà và đất ở không giải quyết được nên EVN NPT đã chủ động thống nhất với chính quyền địa phương chuyển vị trí. Đối với phần hành lang tuyến, công tác kiểm đếm cho thấy, có 33 hộ dân có đất ở, nhà ở nằm trong hành lang tuyến nhưng đến nay chưa được huyện Đông Anh (TP Hà Nội) khảo sát giá đất và trình duyệt theo quy hoạch.

Còn đối với công trình đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công và mở rộng TBA 220kV Thành Công, ông Vũ cho biết: Vướng mắc chính trong quá trình thực hiện dự án là việc xin cấp phép xây dựng công trình. Hiện tại dự án chỉ được cấp phép vào ban đêm và từng đoạn tuyến. Hết mỗi đoạn tuyến lại phải xin cấp phép tiếp. Trong quá trình xin phép đó ít nhất phải mất một vài ngày dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ. Do đó, để hoàn thành đường dây này đúng tiến độ, chúng tôi mong muốn Sở Xây dựng Hà Nội sớm cấp phép xây dựng công trình, đồng thời đoạn H5 - Trạm 220kV Thành Công cho phép thi công cả ban ngày để đảm bảo tiến độ.

Mặc dù vướng mắc, khó khăn là vậy nhưng mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu EVN NPT bằng mọi giá phải hoàn thành 2 dự án này trong tháng 4 để đảm bảo điện cho thủ đô. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, với khối lượng công việc còn lại rất lớn, cộng với những khó khăn trong quá trình thi công trong nội đô Hà Nội như thủ tục xin cấp phép thi công, chỉ được thi công vào ban đêm và phải hoàn trả mặt đường để đi lại… nên việc đóng điện công trình vào tháng 4 là thách thức rất lớn, đặc biệt là khi một số đoạn thi công như đoạn cáp ngầm từ Cống Mọc - Thái Hà - Trạm biến áp Thành Công hiện chỉ được thi công vào ban đêm.

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội ngày 2/4, khi đề cập tới những vướng mắc trong các dự án công trình lưới điện trên địa bàn thành phố, cũng như nguy cơ thiếu điện của Hà Nội, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An cho biết: Để bảo đảm việc cấp điện cho Hà Nội, tránh tình trạng quá tải, thiếu sản lượng, EVN đã yêu cầu sử dụng tối đa công suất các trạm biến áp 220kV đang vận hành. Thậm chí, Hà Nội là địa phương duy nhất có trạm biến áp 220kV phải sử dụng cùng lúc 3 máy biến áp để bảo đảm cấp điện. Ngoài ra, tiến độ thi công các dự án lưới điện 220kV chậm, kéo nguy cơ thiếu điện cho Hà Nội. Bên cạnh đó, việc triển khai cải tạo xây dựng các công trình 110kV theo quy hoạch cũng rất khó khăn do các công trình liên quan đến việc xây dựng các xuất tuyến đường dây 110kV phụ thuộc vào các trạm biến áp 220kV…

Để giải quyết tình trạng này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án của ngành điện và các ngành chức năng, các quận, huyện của thành phố có dự án đi qua tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong việc hoàn thiện các thủ tục, rà soát, có ngay những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đồng thời, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu muộn nhất ngày 20/4, các quận, huyện phải bàn giao mặt bằng cho EVN NPT triển khai 2 dự án lưới điện cấp bách trên để đảm bảo đủ điện cho Hà Nội trong mùa hè này và các năm tiếp theo.

Thanh Ngọc