Phú Quốc, sức sống mới từ nguồn điện

09:19 | 17/02/2014

2,770 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 2/2014, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là sự kiện đặc biệt, quan trọng trong kế hoạch phát triển hệ thống các huyện đảo của nước ta. Từ đó, các dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đã mạnh mẽ khởi động. Hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam đang bừng lên một sức sống vô cùng mãnh liệt.

Năng lượng Mới số 296

Đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích của đảo tương đương với diện tích đảo quốc Singapore, khoảng 590km2, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á rất thuận lợi phát triển thương mại, du lịch. Đảo có khí hậu ôn hòa, nhiều bãi biển dài, bằng phẳng đan xen các cảnh quan, thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Định hướng phát triển và quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, trong đó đảo Phú Quốc sẽ là đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương. Phú Quốc có sứ mệnh phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng và lãnh thổ quốc gia. Phú Quốc sẽ từng bước trở thành khu du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Mô hình Khu nghỉ dưỡng quốc tế Sunset-sanato

Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc. Với dự án này, lưới điện trên đảo Phú Quốc sẽ được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định ít nhất đến năm 2025, tạo ra một động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên đảo trong những năm tới.

Từ tháng 2/2014, nhân dân và các thành phần kinh tế Phú Quốc sẽ được hưởng giá điện chung của quốc gia. Giá điện giảm từ hơn 5 ngàn đ/kWh xuống chưa đến 1,8 ngàn đ/kWh. Theo dự đoán của Điện lực Kiên Giang, trong năm 2014 sản lượng điện thương phẩm toàn bộ huyện đảo sẽ vượt 80 triệu kWh, tăng khoảng 1,5 lần so với 2013. Mặc dù lượng điện tiêu thụ tăng mạnh nhưng toàn bộ người dân và các doanh nghiệp trên đảo Phú Quốc sẽ tiết kiệm được hơn 230 tỉ đồng do giá bán điện giảm.

Ngay sau khi điện lưới quốc gia chính thức thắp sáng tại Phú Quốc, nhiều dự án du lịch với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đã chính thức khởi động. Một trong những dự án hàng đầu được khởi công đầu năm 2014 là  khách sạn 5 sao của Tập đoàn BIM Phú Quốc, hạng mục đầu tiên của khu du lịch sinh thái rộng hơn 200ha tại Bãi Trường. Dự án khách sạn 5 sao quy mô 25 tầng, 500 phòng lưu trú có vốn đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng dự kiến sẽ hoàn thành và chính thức kinh doanh từ giữa năm 2016.

Cũng tại khu vực Bãi Trường, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng - Dịch vụ Quý Hải khởi công xây dựng khách sạn 4 sao, trung tâm hội nghị quốc tế 500 chỗ và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Mercure. Khách sạn 4 sao được thiết kế 160 phòng, trong đó có 10 phòng được thiết kế đặc biệt dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công. Trước đó, công ty này đầu tư 530 tỉ đồng xây dựng 106 bulgalow (nhà một tầng nhỏ, hiên rộng), hồ bơi, nhà hàng… đạt tiêu chuẩn 4 sao. Tính đến tháng 2/2014, Phú Quốc đã có hơn 200 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Đây là những tín hiệu vui đánh dấu sự cất cánh của Đảo Ngọc trong những năm sắp tới.

Để có sự phát triển toàn diện, tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ tại Phú Quốc, đầu tiên phải kể đến là phương thức thực hiện minh bạch, bài bản của Chính phủ trong quy hoạch, kêu gọi đầu tư. Cách đây hơn 8 năm, Chính phủ đã khi đề ra quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển cho đảo Phú Quốc. Sau đó, tỉnh Kiên Giang cùng chính quyền đảo Phú Quốc đã công bố rộng rãi quy hoạch chi tiết, đề ra các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư trên cả nước và quốc tế. Bên cạnh các dự án đầu tư du lịch, thương mại, tỉnh Kiên Giang đã dành những ưu đãi đặc biệt cho các dự án xây dựng hệ thống xử lý rác thải và nước thải, bệnh viện chất lượng cao, trung tâm đào tạo nhân lực cho các ngành du lịch, thương mại, khu phi thuế quan gắn với sân bay quốc tế Phú Quốc và tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ngay từ  năm 2007, Chính phủ đã quyết định đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc, xây dựng sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng biển nội địa, đường giao thông… khá hoàn chỉnh. Cộng với những ưu thế như dân số (103 ngàn người và đang nhanh chóng tăng lên), tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước hơn 20% (2.500USD) và nay là hưởng giá điện chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Chính những chuẩn bị bài bản, đầu tư có trọng điểm đã khiến Phú Quốc trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn ngay thời điểm khủng hoảng kinh tế vẫn đang diễn ra phức tạp.

Đánh giá ngắn gọn 9 năm phát triển đảo Phú Quốc, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “GDP của Phú Quốc tăng bình quân hằng năm hơn 22%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 70 triệu đồng/năm, gấp 8,1 lần năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo còn chưa đến 2%. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng”.

Nếu nói Phú Quốc sẽ trở thành một Hongkong, Singapore của Việt Nam sẽ khiến nhiều người cho rằng hơi quá, lạc quan tếu. Nhưng rõ ràng sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, Phú Quốc đã đến thời điểm cất cánh bay lên, chí ít cũng trở thành đầu tàu kinh tế vùng biển đảo của các huyện đảo nước ta.

Tùng Dương

  • el-2024