Thợ xây lắp điện 2 với bài toán khó

07:00 | 11/12/2013

1,917 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng công trình vẫn về đích đúng hẹn. Đó là tin vui của công trình 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Ông Nguyễn Hữu Ý - Phó giám đốc Công ty Xây lắp điện 2 cho biết: “Với một công trình đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, cộng với khó khăn thử thách về thời tiết, khí hậu tại các địa bàn công trình đi qua… thì bí quyết để thắng lợi chính là “sức mạnh của tinh thần quyết thắng”.

PV: Xin ông cho biết, việc thi công công trình 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có gì đặc biệt so với các công trình khác?

Ông Nguyễn Hữu Ý: Đường dây (ĐD) 500kV Pleiku  - Mỹ Phước - Cầu Bông là một trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt với hệ thống điện cả nước, có nhiệm vụ đảm bảo truyền tải điện công suất cao cho các tỉnh miền Nam những năm tiếp theo. Điểm khác biệt của công trình là phải đi qua nhiều địa hình đồi núi phức tạp từ các tỉnh Tây Nguyên vào miền Nam, cộng với thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, mưa lũ nhiều… Vì vậy, thi công công trình này là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà các đơn vị tham gia xây dựng, trong có Công ty Xây lắp điện 2.

Ông Nguyễn Hữu Ý - Phó giám đốc Công ty Xây lắp điện 2.

PV: Ngoài những khó khăn đặc thù tự nhiên, yêu cầu về chất lượng và tiến độ của công trình này có những điểm gì khác biệt không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Ý: Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, ngay từ lúc tính toán thiết kế, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) và các đơn vị tư vấn, thi công… đã đặt ra mục tiêu rút ngắn thời gian thi công. Kể cả công trình chính và các hạng mục đồng bộ đều phải đáp ứng các yêu cầu chung đó.

Các hạng mục mà Công ty Xây lắp điện 2 phải thực hiện là cải tạo 1 mạch đường dây Tân Định - Phú Lâm, tạo thành đường dây 2 mạch, mục đích là gom chung 2 ĐD Tân Định - Phú Lâm và Đắk Nông - Phú Lâm vào 1 đường dây mạch kép, lấy mặt bằng làm ĐD Pleiku  - Mỹ Phước - Cầu Bông. Đối với hạng mục này, theo phương án thiết kế thi công ban đầu, thời gian thi công  lên tới 90-100 ngày. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phải rút ngắn thời gian, giảm thời gian cắt điện trên hệ thống ĐD 500kV trong quá trình thi công, nên các đơn vị đã tính toán, tìm các giải pháp thi công hợp lý, rút ngắn thời gian xuống còn 55 ngày.

Như vậy, tổng thời gian cắt điện của cả 4 đợt thi công chỉ còn 55 ngày. Đây thực sự là 1 áp lực rất lớn đối với đơn vị xây lắp điện. Làm cách nào vừa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, vừa đảm bảo an toàn thi công và chất lượng công trình. Đó thực sự là bài toán “hóc búa” mà tất cả các đơn vị phải hợp sức tìm lời giải.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về cách giải “bài toán khó” đó như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Ý: Tất cả các đơn vị gồm EVN NPT, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT), Công ty Tư vấn xây dựng điện 2, Truyền tải điện 4 và Xây lắp điện 2, đã cùng nhau ngồi lại, nghiên cứu, tính toán kỹ, tìm ra giải pháp thi công hợp lý nhất.

Sau khi được EVN NPT phê duyệt phương án, chúng tôi đã tập trung tối đa lực lượng, tận dụng sức mạnh tổng hợp, bao gồm các điều kiện tốt nhất về thiết bị, vật tư, con người… để thi công công trình. Về thời gian, chúng tôi cho thi công liên tục 12 giờ/ngày, lúc cao điểm sẵn sàng tăng ca để đảm bảo tiến độ. Tất cả lãnh đạo đơn vị, cán bộ, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề… đều được huy động ra công trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tận dụng tối đa các giải pháp nhằm “chạy đua thần tốc” với thời gian.

Ví dụ: Thi công phần móng, chúng tôi cho thi công trước, trong thời gian đường dây mang điện vẫn tiến hành đúc móng, nên đến ngày đầu chính thức cắt điện (1/10/2013), cơ bản đã thi công xong móng. Về phần cột, tại tất cả các vị trí an toàn cho phép, chúng tôi cũng đã tiến hành dựng trước phần dưới khoảng 10m, đến 1/10/2013 là cơ bản xong. Đến giữa tháng 10/2013 tiến hành kéo dây công trình.

PV: Ngoài nỗ lực, sáng tạo của đơn vị thi công, ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của chủ đầu tư và các bên liên quan khác?

Ông Nguyễn Hữu Ý: Để đơn vị thi công có thể triển khai công việc một cách thuận lợi, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khác đã theo sát, hỗ trợ rất nhiều mặt. Từ lúc bàn bạc phối hợp tìm phương án thi công hợp lý, Ban AMT, Truyền tải điện 4 và đặc biệt là lãnh đạo EVN NPT đã luôn sát cánh cùng chúng tôi. Lãnh đạo AMT cũng thay nhau túc trực trên công trường, bám sát tiến độ, giám sát và động viên anh em làm việc không kể ngày đêm, đồng thời cũng dõi theo từng chi tiết nhỏ nhất trên công trường. Đó chính là nguồn sức mạnh, động lực giúp chúng tôi quên đi mệt nhọc, vất vả… phấn đấu làm việc trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

PV: Với sự vào cuộc đồng bộ như vậy, đơn vị thi công có cam kết như thế nào về tiến độ công trình?

Ông Nguyễn Hữu Ý: Không chỉ đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng yêu cầu của AMT, EVN NPT… mà chúng tôi đang nỗ lực rút ngắn thời gian thi công. Bằng sức mạnh và ý chí tổng hợp, chúng tôi có niềm tin “quyết thắng” vào công trình quan trọng này, cũng như cam kết cao nhất về tiến độ thực hiện. Đó cũng là truyền thống và màu cờ sắc áo của đơn vị thi công - Công ty Xây lắp điện 2.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong 55 ngày đêm thi công đường dây 500kV Đắk Nông - Phú Lâm và Tân Định - Phú Lâm, hoàn thành việc gộp 7,1km của 2 tuyến đường dây này đi chung một tuyến cột trên địa bàn huyện Củ Chi để dành hành lang thi công ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, các đơn vị thi công đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện thi công gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của các cơn bão số 10, 11, 12, 13 và 14.

Cụ thể: Đào đúc móng với khối lượng bê tông 1.725,8m3; vận chuyển và lắp dựng hoàn chỉnh 18 vị trí cột thép với trọng lượng 724,19 tấn; gia công và lắp dựng 117,37 tấn thép móng; kéo rải căng dây 2 mạch 500kV, phân pha 4 dây với chiều dài tổng cộng là 7,5km...

 

Hà - Ngọc