Tín hiệu lạc quan của thị trường điện cạnh tranh

11:26 | 21/02/2014

959 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính thức vận hành chưa đầy 2 năm nhưng thị trường phát điện cạnh tranh đã thu được những kết quả lạc quan. Thị trường điện vận hành thông suốt, không hề bị gián đoạn bởi những sự cố khách quan. Làm được điều này một phần lớn là đóng góp của các đơn vị phát điện của EVN, PVN, TKV.

Thị trường điện đang tạo tính công bằng, minh bạch.

Vận hành liên tục

Từ khi đi vào hoạt động chính thức ngày 1/7/2012 tính đến nay, với sự chỉ đạo sát của các Bộ liên quan và nhờ nỗ lực, cố gắng của các Tập đoàn EVN, PVN, TKV cùng các đơn vị điện lực, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Điều thấy rõ nhất là thị trường điện đã nâng cao tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, mang lại hiệu quả lớn cho các đơn vị tham gia, khuyến khích giảm chi phí phát điện của các nhà máy và tạo động lực cho các nhà máy rút ngắn thời gian sửa chữa đặc biệt là vào mùa khô. Rồi thị trường điện cũng vận hành liên tục không bị gián đoạn kể cả những thời điểm tưởng chừng như căng thẳng nhất. Đó là sự cố rã lưới điện miền Nam tháng 5/2013, rồi tạm ngừng cung cấp khí cho các nhà máy điện từ đường ống khí Nam Côn Sơn.

Theo Bộ Công Thương, toàn hệ thống điện có 102 nhà máy điện đang vận hành và tham gia thị trường điện với tổng công suất 26.901 MW. Trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất lắp đặt 11.947 MW, chiếm 44,4% toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp gồm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, nhiệt điện chạy dầu/than nhập đắt tiền và các nhà máy hưởng cơ chế đặc thù.

Thử làm một phép so sánh với thời điểm mới vận hành thị trường chính thức thì số lượng nhà máy điện trực tiếp chào giá tăng thêm 12 nhà máy. Giá điện năng thị trường phản ánh rõ nét điều kiện vận hành thực tế của hệ thống điện trong từng thời điểm trong năm, góp phần đảm bảo huy động điện bám sát nhu cầu thị trường. Tổng sản lượng các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường đạt mức 52,8 tỷ kWh, chiếm hơn 40% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) trong năm 2014 có trên 11.947MW tổng công suất đặt của các nhà máy điện sẽ chính thức tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM).

Cụ thể, năm 2014 sẽ có tổng số 48 nhà máy điện tham gia chào giá trực tiếp trên VCGM, với tổng công suất đặt là hơn 11.947 MW. Trong đó, khu vực miền Bắc có 16 nhà máy với tổng công suất 4.459 MW, miền Trung là 17 nhà máy với 2.070 MW và con số này ở miền Nam là 15 nhà máy và 5.417 MW tổng công suất.

Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, ngoài các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp, năm 2014 cũng sẽ có 25 nhà máy tham gia gián tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt là 11.983 MW. Đây quả là thông tin đáng mừng bởi chắc chắn sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh của thị trường.

Tiếp tục hoàn thiện

Thực ra, bên cạnh những kết quả tích cực như vậy, theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, tính từ lúc vận hành chính thức đến nay, thị trường điện không phải là không gặp những khó khăn. Khi mà bối cảnh chung vẫn là tình trạng hệ thống lưới điện truyền tải yếu và tình trạng nghẽn mạch còn khá thường xuyên nhất là tuyến huyết mạch 500kV Bắc - Nam đã và đang gây khó cho việc vận hành an toàn hệ thống điện cũng như khai thác hiệu quả các nhà máy điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường. Đó là chưa kể tới việc vẫn còn nhà máy thủy điện vi phạm mức nước giới hạn, vi phạm yêu cầu cấp nước xuống hạ du. Rồi thì hạ tầng thông tin cũng chưa đáp ứng 100% yêu cầu vận hành theo thời gian thực của hệ thống. Kế đó là việc tuân thủ cũng chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ các quy định từ chủ đầu tư đơn vị phát điện.

Muốn thị trường điện hoạt động ổn định và phát triển cũng như đạt hiệu quả cao hơn, tạo tiền để cho việc hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh thí điêm từ cuối 2015 – thời điểm đã rất gần thì nhất thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quản nhằm giải quyết những phát sinh của vận hành thị trường trong đó là vấn đề bảo đảm an ninh hệ thống điện. Cụ thể, cần bổ sung quy định để các nhà máy đa mục tiêu tham gia thị trường điện không như hiện nay là nằm ngoài thị trường phát điện cạnh tranh.

Đơn cử về nguyên tắc, các tổ máy phát điện trong vòng 6 tháng kể từ ngày vận hành thương mại phải hoàn tất đầu tư, đào tạo đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia thị trường điện nhưng thực tế nhiều nhà máy còn chậm trễ nên cũng cần nhắc nhở, đốc thúc.

Để chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Tại cuộc họp vừa mới đây với các bộ ngành và PVN, EVN, TKV, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hình thành và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý, thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước, thận trọng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức hội thảo trong nước (có thể mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm) để tìm ra được mô hình thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các Tổng công ty điện lực sẽ là các đơn vị chính mua buôn điện và có thể xem xét bổ sung thêm một số khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua buôn điện để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện tham gia trực tiếp trên thị trường đăng ký với Công ty mua bán điện sang ký với các Tổng công ty điện lực, trên cơ sở giá mua điện bình quân gia quyền của các Tổng công ty điện lực bảo đảm trang trải được các chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (tỷ suất lợi nhuận của các Tổng công ty điện lực tương đương nhau)…

Và để bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các Tổng công ty điện lực thực hiện mua buôn điện trên thị trường điện, tỷ lệ mua buôn điện giao ngay được tăng dần theo từng bước phát triển của thị trường.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn đang đẩy nhanh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện nhất là xây dựng SCADA/EMS. Nhiều khóa học về thị trường điện cũng đã được tổ chức. Hiện, Tập đoàn đang khẩn trương đàm phán, ký hợp đồng với các nhà máy điện đã vận hành nhưng chưa có hợp đồng mua bán điện, Tập đoàn sẽ báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo thời điểm tham gia vận hành thị trường phát điện cạnh tranh với các nhà máy này. Tập đoàn tin tưởng với những phần việc được giao của mình sẽ hoàn thành sớm để phục vụ cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm từ cuối 2015 tới.

Ngọc Thọ