Công đoàn Dầu khí:

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

15:46 | 18/03/2014

1,252 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiều ngày 12/3/2014, tại thành phố Vũng Tàu, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Năng lượng Mới số 305

Tới dự lễ phát động có đồng chí Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hồ Công Kỳ - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐDKVN), đồng chí Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn, đồng chí Vũ Khánh Trường - thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Quốc Thập - Phó tổng giám đốc Tập đoàn. Ngoài ra còn có đại diện các ban, ngành của thành phố Vũng Tàu, 500 CBCNV đại diện cho hơn 6 vạn người lao động ngành Dầu khí cũng tham dự lễ phát động này.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Công Kỳ báo cáo tóm tắt tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ và thực hiện các chính sách về bảo hộ lao động trong PVN. Trong giai đoạn 2008-2013, tai nạn lao động tính trên số giờ làm việc của PVN luôn ở mức thấp so với mặt bằng chung của ngành công thương, không có sự cố cháy nổ nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn còn có những tai nạn lao động gây chết người, số lượng những vụ tai nạn nặng và bệnh nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng. Tại các đơn vị thành viên, kế hoạch bảo hộ lao động, trang thiết bị an toàn, mạng lưới an toàn - vệ sinh viên đã và đang được quan tâm, đầu tư và đem lại những hiệu quả tích cực...

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Viện Dầu khí Việt Nam

Với tinh thần đó, Chủ tịch CĐDKVN đã phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 và phát động an toàn giao thông năm 2014 của Tập đoàn và CĐDKVN với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc và đảm bảo an toàn giao thông”. Đồng chí Hồ Công Kỳ cũng đề nghị các đơn vị trong Tập đoàn, tổ chức công đoàn hãy tích cực hơn nữa, tập trung và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ:

Một là, các đơn vị, tổ chức công đoàn các cấp trong Tập đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ theo từng tháng, từng quý và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.

Hai là, tập trung đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, huấn luyện và tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, hướng tới người lao động, tăng cường tuyên truyền văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Ba là, người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc và đẩy đủ các quy định, chế độ bảo hộ lao động cho người lao động, kiểm soát, áp dụng các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ... Tăng cường tổ chức hoạt động huấn luyện, đào tạo, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...

Bốn là, các cấp công đoàn trong toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”.

Năm là, người lao động hãy vì sức khỏe của mình và cộng đồng để không ngừng nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; chủ động và tích cực cùng người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, tích cực nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm bảo vệ mình.

Sáu là, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ cần được quan tâm, thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014 nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình đã được Chính phủ phê duyệt; Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế để thúc đẩy công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong phát triển và hội nhập.

Tám là, tổ chúc công đoàn các cấp trong Tập đoàn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động để tuyên truyền thường xuyên tới người lao động về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện môtô, xe gắn máy, xep đạp điện, tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe và an toàn xã hội...

Phát biểu hưởng ứng tại lễ phát động, Chủ tịch Công đoàn PV Drilling Hồ Trọng Thoán đã nêu lên tầm quan trọng “tối thượng” của an toàn lao động trong ngành Dầu khí nói chung. Một tai nạn, một sự cố không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn có thể hủy hoại toàn bộ uy tín của doanh nghiệp, tệ hơn là dẫn đến phá sản. Vụ cháy tại giàn khoan nước sâu của BP (Anh Quốc) tại bờ biển Hoa Kỳ là ví dụ điển hình, là lời cảnh báo sâu sắc đến ngành công nghiệp dầu khí nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Nhận thức sâu sắc về những tác hại do mất an toàn lao động gây nên, PV Drilling đã và đang đưa công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ lên hàng đầu, là yếu tố sống còn để đảm bảo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu khẳng định: Ngành Dầu khí luôn đi đầu trong việc đề xuất và áp dụng những quy trình an toàn, người lao động dầu khí trong suốt những năm qua đã thực hiện một cách nghiêm túc tất cả những quy định, quy tắc trong hoạt động sản xuất. Chính vì thế, trong suốt nhiều năm qua, PVN đã có những tai nạn, sự cố lớn, cho dù hoạt động dầu khí là vô cùng rủi ro. Tổng giám đốc thay mặt lãnh đạo Tập đoàn cam kết sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đồng thời kêu gọi toàn thể lãnh đạo, người quản lý tại các đơn vị, các công trình tuân thủ tuyệt đối những quy định, quy tắc về lao động, hạn chế tối đa những thiệt hại do tai nạn lao động gây ra. Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu gửi lời chúc đến toàn thể 6 vạn CBCNV ngành Dầu khí: “Hoạt động sản xuất an toàn; sống an toàn; đi lại an toàn; về nhà an toàn”.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2013 cả nước xảy ra gần 6.700 vụ tai nạn lao động, khiến 627 người chết, 1.506 người bị thương nặng, số lao động nữ là hơn 2.000 người. Còn theo Bộ Y tế, thực trạng bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay cũng rất đáng lo ngại: năm 2013 có tới hơn 7.000 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp, tập trung vào bệnh bụi phổi, viêm phế quản, nhiễm độc benzen, bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ. Hiện có khoảng 28.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

Trong năm 2013, cả nước xảy ra hơn 2.700 vụ cháy, thiệt mạng trên 100 người, thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 1.700 tỉ đồng.


Bảo Sơn

DMCA.com Protection Status