Những “chính sách mềm” giữ chân người tài ở BSR

08:03 | 02/11/2014

835 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang đứng trước những thách thức của việc đào tạo và giữ chân người tài, phục vụ dài lâu cho Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Bên cạnh chiến lược đào tạo, BSR cũng đang triển khai một loạt các “chính sách mềm” nhằm giúp người lao động (NLĐ) thêm yêu nghề, gắn bó, cống hiến trọn đời cho nhà máy.

Năng lượng Mới số 370

Trọng tâm là đào tạo chuyên gia

Tổng số nhân lực hiện tại của BSR là 1.422 người; trong đó có 1 tiến sĩ, 61 thạc sĩ, 708 trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật. Về chính sách trọng dụng người tài, ở BSR có một câu nói: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”. Đó chính là ý thức phát hiện, trọng dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của BSR.

Từ cuối năm 2012, BSR đã triển khai chương trình tuyển chọn và đào tạo chuyên gia, nhằm đảm bảo nhà máy vận hành ổn định, an toàn hiệu quả. Theo định hướng của BSR, chương trình đào tạo sẽ tiến hành từ năm 2012-2025 để có được 45 chuyên gia (tuyển chọn từ 88 ứng viên), chia thành 5 cấp làm việc. BSR sẽ tập trung vào phát triển năng lực chủ yếu bằng các hoạt động đào tạo, huấn luyện ngay trong quá trình làm việc. Đào tạo năng lực chuyên môn song song với kỹ năng phụ trợ và đào tạo xoay vòng. Các đợt kiểm tra sẽ tiến hành hằng năm, được thực hiện bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm. Việc kiểm tra chủ yếu dựa vào bảng mô tả năng lực và thang đo năng lực trên cơ sở các phiếu đánh giá và phỏng vấn trực tiếp. Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở để công nhận chuyên gia và điều chỉnh lộ trình phát triển, chương trình đào tạo cho năm tiếp theo.

Những “chính sách mềm” giữ chân người tài ở BSR

Kỹ sư BSR làm việc trong Phòng Điều khiển trung tâm NMLD Dung Quất

Nói thêm về 5 cấp này, Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc giải thích: Thu nhập của chuyên gia cấp 1 tương đương Phó phòng; cấp 2 tương đương Trưởng phòng; cấp 3 ngang với Phó tổng giám đốc; cấp 4 bằng Tổng giám đốc và đặc biệt, khi chuyên gia đạt trình độ cấp 5 sẽ có mức thu nhập cao hơn Tổng giám đốc BSR.

Thực tế, ở BSR có quá nhiều người giỏi cùng đảm đương một nhiệm vụ, một công việc. Chỉ riêng Phòng Sản xuất là nơi tập hợp khoảng 600 công nhân, kỹ sư, chuyên gia - được coi là “lá phổi sống” của NMLD Dung Quất. Theo quy định, ở mỗi phòng chức năng chỉ có cơ cấu 1 trưởng phòng và 2-3 phó phòng. Phòng Sản xuất của BSR có cơ cấu 1 trưởng, 3 phó. Tuy nhiên, số lượng kỹ sư giỏi quá nhiều, trong khi quy chế không cho phép bổ nhiệm quá số lượng lãnh đạo phòng. Vì vậy, việc đào tạo kỹ sư thành một chuyên gia giỏi, hưởng các chế độ đặc biệt vừa để không bị chảy máu chất xám, vừa tôn vinh NLĐ chuyên tâm làm việc cho nhà máy.

Hiện nay, trên toàn nhà máy, nhân sự của BSR hoàn toàn đảm đương được công tác vận hành trong điều kiện bình thường và xử lý hầu hết các sự cố xảy ra (khoảng 95% công việc). Phần còn lại cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài để xứ lý các tình huống phức tạp cần trình độ tổ chức cao, kinh nghiệm xử lý nhanh, chính xác để đảm bảo an toàn cho nhà máy, tiết kiệm chi phí.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, giữa năm 2014, BSR và Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo nguồn nhân lực bổ sung cho BSR. Khóa đào tạo này thu hút 158 học viên (87 kỹ sư, 71 công nhân), thời lượng 1 năm bao gồm 6 tháng học lý thuyết và 6 tháng thực hành trực tiếp tại nhà máy. Khóa đào tạo gồm 5 chương trình: đào tạo Anh văn; đào tạo Core program; an toàn; thực hành trên Simulator; On Job Training (OJT).

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo chuyên gia, NLĐ trực tiếp, BSR luôn tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và dấy lên lòng tự hào. Ở BSR, NLĐ luôn tự hào mình là người tiên phong nắm giữ công nghệ lọc hóa dầu, là công trình tạo ra 3,5% GDP cả nước và tạo ra gần 40% sản lượng xăng dầu cho nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, NLĐ luôn được chăm lo đầy đủ về đời sống vật chất, tinh thần. Thậm chí, chuyện đi lại của cán bộ công nhân viên cũng được thay đổi, phù hợp với tình hình thực tế. Trước kia, NLĐ phải tự đến nơi làm việc bằng xe ôtô riêng và xe máy. Xét thấy nguy cơ mất an toàn giao thông, lãnh đạo BSR đã thuê riêng một đội xe chuyên chở NLĐ.

BSR còn là nơi kết nối cho những sáng tạo của NLĐ. Năm qua, 3 sáng kiến của BSR đã được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn. Đó là sáng kiến “Nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện lộ trình và thực hiện triển khai giải pháp tối ưu hóa và hoàn chỉnh tổng thể các vòng điều khiển cho NMLD Dung Quất” của kỹ sư Lương Thái Hà; Sáng kiến “Dùng khí H2 từ phân xưởng LCO-HDT để duy trì quá trình sweeping xúc tác phân xưởng SRU trong trường hợp phân xưởng CCR/NHT bị sự cố” của kỹ sư Lê Trọng Khải và “Tối ưu dầu thải nhẹ LSO từ D-1106 của CDU” của kỹ sư Đào Xuân Giỏi. Trong đợt bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất vừa qua, những sáng kiến trên đã được kiểm chứng và phát huy tính khả dụng, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỉ đồng.

Hướng tới mục tiêu lâu dài

Trong bối cảnh hàng loạt dự án lọc hóa dầu đã và đang xây dựng ở miền Trung Việt Nam, nguy cơ hút nhân lực chất lượng cao của BSR, khiến đơn vị này rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám”. Khi trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc bình thản: “Chúng tôi chấp nhận một tỷ lệ nhất định nhân lực chuyển công tác. Suy cho cùng, BSR cũng đang đóng góp cho lĩnh vực chế biến dầu khí ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra đi của một lực lượng lao động có tay nghề thì phải có lộ trình rõ ràng, không để ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nhà máy”.

Thực tế, BSR đã được Công ty Lọc - Hóa dầu Nghi Sơn lựa chọn để đào tạo nguồn nhân lực vì đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo Nhật Bản. Hơn một năm triển khai dự án ở Nghi Sơn, một lượng kỹ sư giỏi của BSR đã được cử ra Thanh Hóa để trực tiếp đào tạo NLĐ nơi đây. Và hơn thế nữa BSR cũng sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật cũng như nhân lực cho công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và khởi động Nhà máy Lọc - Hóa dầu Nghi Sơn trong 2 năm 2016 và 2017. Khi dự án đi vào hoạt động, nhóm kỹ sư của BSR sẽ trở về vị trí công tác tại NMLD Dung Quất, khi ấy kết quả thu được là NLĐ BSR sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm, quản trị, vận hành một nhà máy lọc dầu.

BSR xác định, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của đội ngũ lao động lọc hóa dầu mà BSR đang sở hữu, công ty cũng chỉ ra những điểm chưa đạt được là nhân sự làm công tác thiết kế, kỹ thuật chuyên sâu chưa đảm nhiệm được, cần sự hỗ trợ và cung cấp dịch vụ từ bên ngoài. Nhân sự bảo dưỡng sửa chữa, sản xuất đã đảm bảo thực hiện công việc trong phạm vi cụ thể được phân công. Tuy nhiên chưa thực hiện được công việc ở phạm vi rộng hơn và theo nhóm kỹ năng. Nhân sự phòng cháy chữa cháy cần tiếp tục được kiện toàn và đào tạo theo chuẩn mực quốc tế để đảm bảo ứng phó trong mọi tình huống.

Trước tình hình trên, BSR kiến nghị Tập đoàn: Phê duyệt phương án tăng quỹ lương để tăng lương cho các nhân sự chủ chốt đảm bảo yếu tố cạnh tranh với các dự án mới; xây dựng chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp; chấp thuận phương án tái cấu trúc để BSR phát triển ổn định, bền vững. Tăng kinh phí đào tạo trong những năm kế tiếp. Tăng cường trao đổi chuyên môn nhân sự, chuyên gia giữa các đơn vị có sự tương đồng trong sản xuất kinh doanh và yêu cầu công nghệ kỹ thuật.

Đức Chính

 

DMCA.com Protection Status