Từ nguyên của "bù nhìn" là chuyện còn dài (Bài cuối)

20:33 | 12/12/2014

|
Rất may là bạn chỉ khẳng định về mặt lý thuyết chứ, về thực tế, nó có xảy ra hay không thì chúng tôi đã chứng minh bằng ba trường hợp “Bombay”, “Bà Lai”, “bồ hòn” và bạn Cong Minh Do với trường hợp “Khôn sống bống chết”.

>> Từ nguyên của "bù nhìn" là chuyện còn dài

(Tiếp theo và hết)

Dưới đoạn trên đây một tí, bạn viết tiếp: “Trong tiếng Việt xưa có nhiều phụ âm kép. Trường hợp tồn tại cặp biến thể mồ hôi//bồ hôi... gợi ý cho những nhà tái lập ngữ âm cổ về một âm kép mb-. Giả sử khi vay mượn, âm “*mô” (âm cổ của “vô”) có thể được thể hiện trong tiếng Việt thành *mbô, âm này diễn biến thành mồ//bồ. Ta hãy so sánh với trường hợp khác mà bác An Chi đã phân tích: 腸 tràng>  *tlàng> lòng. Tất nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều kịch bản có thể xảy ra, nhưng nó giúp khẳng định rằng, mô (vô) > mồ > bồ, không phải là con đường biến đổi duy nhất.”

Bạn viết như trên nhưng hiện nay “bồ hôi”, “bồ côi”đã bị đẩy xuống hàng những yếu tố không chuẩn và hai đơn vị này tuyệt đối không thể hành chức ngang hàng với “mồ hôi”, “mồ côi” trong tiếng Việt toàn dân, càng không thể ngang hàng trong tiếng Việt văn học. Vì vậy cho nên, nếu đúng như bạn giả định, vào thời mà Tàu mượn của ta hai tiếng đang xét, “bồ hòn” đang tồn tại song song với “mồ hòn”, thì  lúc đó “mồ hòn”vẫn là hình thức chuẩn và phổ biến (cho nên Tàu mới mượn) còn “bồ hòn” chỉ thuộc hàng không chuẩn và mang tính chất địa phương, thậm chí thổ ngữ nữa. Thực ra, chỉ về sau thì “mồ hòn”mới biến thành “bồ hòn”, do loại suy từ sự tồn tại của nhiều đơn vị mà âm tiết đầu là “bồ”. Bạn còn giả định rằng khi ta vay mượn “vô hoạn” [無患] của Tàu thì âm “*mô” (âm cổ của “vô”) có thể được thể hiện trong tiếng Việt thành *mbô, âm này diễn biến thành mồ//bồ. Nhưng đây lại là chuyện khó xảy ra nếu ta xét đến âm thượng cổ của chữ “vô” [無]. Đồng nguyên tự điển của Vương Lực (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.178) phục nguyên cho nó âm “miua”. Grammata Serica Recensa của Bernhard Karlgren (Museum of Far Eastern Antiquities, Stockholm, 1964, p.47, 104a) phục nguyên “mịwo”(Chúng tôi phải thay dấu “mặt trăng ngược” dưới chữ “i”bằng dấu “nặng” và thay chữ “w” thường bằng “w” in). Hán tự cổ kim âm biểu (tu đính bản) của nhóm Lý Trân Hoa (Trung Hoa thư cục, 1999 , tr.87) phục nguyên “mǐwa”. Tất cả những quyển sách công cụ quan trọng và đầy uy tín này đều nhất trí phục nguyên cho chữ “vô” [無] phụ âm đầu M. Cho nên nếu vào thời đó mà tiếng Việt có “một âm kép mb-”, như bạn đã giả định, thì người Việt vẫn phiên âm chữ “vô” [無] bằng M, là phụ âm đầu thích hợp hơn “MB”. Bạn lại so sánh sự giả định của bạn với sự phân tích của An Chi về trường hợp  “腸 tràng>  *tlàng> lòng”. Nhưng An Chi phân tích về mặt lịch đại còn 阮大瞿越 thì lại giả định về mặt đồng đại nên đâu có thể so sánh hai thao tác đó với nhau được!

Và bạn đã kết luận:“Vì thế, tôi vẫn bảo lưu quan điểm, m > b, xét về mặt lý thuyết là khó xảy ra”.

Rất may là bạn chỉ khẳng định về mặt lý thuyết chứ, về thực tế, nó có xảy ra hay không thì chúng tôi đã chứng minh bằng ba trường hợp “Bombay”, “Bà Lai”, “bồ hòn” và bạn Cong Minh Do với trường hợp “Khôn sống bống chết”.

Trong bài trước, chúng tôi đã viết: “Đặt tên cho một vật thông thường, thường thấy trong đời sống hằng ngày của người Việt thì không việc gì phải đi lấy từ “bồ” của tiếng Tàu, là một từ thực sự không thông dụng trong tiếng Việt”.

Bạn phản bác: “Tôi (阮大瞿越) cũng có thắc mắc y hệt, tại sao phải lấy chữ 鳧 phù (con le le) này đặt trước một vài  tên chim ở Việt Nam, như bồ câu, bồ nông...? (Đây là quan điểm mà bác An Chi đã nêu ra trong bài viết “Từ nguyên của “bù nhìn” […])”.

Chúng tôi mạn phép lưu ý rằng trong “bồ câu”, “bồ nông”, v.v.. “bồ” đã là một hình vị phụ thuộc nhưng thông dụng trong tiếng Việt còn “bồ” trong “bồ nhân” vẫn cứ y nguyên là một yếu tố Hán ngữ không dùng độc lập và không thông dụng. 

Bạn lại có viết: “Người Việt dùng yếu tố Hán Việt để tạo ra các kết cấu riêng của tiếng Việt từ bao giờ? Hiện không có tư liệu để khảo cứu. Tra từ điển Việt Bồ La đã có những cụm “cầm thực” (Chúa ăn cơm), “sinh tiêm”(que diêm), “tố lộ” (cách công khai)... là những từ mà trong tiếng Hán không có - theo tra cứu của tôi. (Ở đây không kể các trường hợp kiểu “bà lão” - tức là mặc dù dùng các yếu tố Hán Việt để tạo từ, nhưng kết hợp theo ngữ pháp tiếng Việt - tôi không xếp vào Hán Việt tự tạo.) Một số từ mới của công giáo được tạo ra thời kỳ này, cũng cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt, ví dụ “thông công” (sự thông hiệp của các thánh), “thông đạo” (truyền giáo), “thông sự” (phiên dịch) vân vân...”.

Câu “Người Việt dùng yếu tố Hán Việt để tạo ra các kết cấu riêng của tiếng Việt từ bao giờ?” của bạn là một câu không đầy đủ. Phải thêm ngữ giới từ “theo cú pháp tiếng Hán” thành “Người Việt dùng yếu tố Hán Việt để tạo ra các kết cấu riêng của tiếng Việt theo cú pháp tiếng Hán từ bao giờ?” thì mới đúng với ý của chúng tôi. Trong ba trường hợp mà bạn lấy ở Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes thì “cầm thực” là một cấu trúc “Động từ + Danh từ” theo đúng cú pháp tiếng Việt, y như các từ tổ “cầm bút”, “cầm dao”, “cầm đủa”, v.v., vì A. de Rhodes đã giảng rõ như sau: “Chúa cầm thực: Chúa dùng tay cầm lấy đồ ăn, tức là ăn”. (Xin x. ở chữ “Thực”). Ở đây, “cầm thực” là cầm món ăn chứ không phải cầm để ăn; “thực” là danh từ chứ không phải động từ. Nếu ta hiểu “thực” là động từ thì chẳng thà ta dùng hai tiếng “bốc lủm” để chỉ cái “thao tác” ăn của nhà vua còn hơn. “Tố lộ” cũng là một cấu trúc theo cú pháp tiếng Việt kiểu “nói rõ”, “vạch trần” v.v...: “tố” là nói rõ ra (thường là việc làm sai trái) còn “lộ” là hiện rõ. Trong ba “từ mới của Công giáo” mà bạn đưa ra thì “thông sự” (phiên dịch) là một từ tổ tiếng Hán, chữ Hán là [通事], được Từ hải (bản cũ, nghĩa 4) giảng là “vị thông dịch ngôn ngữ chi nhân” [謂通譯言語之人], nghĩa là “chỉ người thông dịch ngôn ngữ”. Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch [通事] là “an interpreter” (người phiên dịch). Còn “thông công” chẳng qua là hai tiếng đầu của thành ngữ “thông công dịch sự” [通功易事], mà từ điển Mathews dịch là “an interchange of productions and labour” (sự trao đổi sản phẩm và lao động). Chẳng qua là bên Công giáo đã mượn hai tiếng đầu của thành ngữ sẵn có này rồi thay vì “sản phẩm và lao động” thì họ đã đưa vào một khái niệm tôn giáo là quyền được tham gia vào các sinh hoạt tinh thần của Giáo hội để nhờ nó mà được hưởng những lợi ích siêu nhiên.

Phản bác ý kiến của chúng tôi cho rằng không có khả năng về hiện tượng đồng hóa (thanh điệu) trong hai tiếng “bù nhìn”, bạn viết: “Thanh điệu có thể bị đồng hóa hay không, “bù” có khả năng ảnh hưởng để “nhin” biến thành “nhìn” hay không, tôi xin nêu vài ví dụ thay cho lời giải đáp:

Cá đuôi > cá đuối

Nước miệng > nước miếng

Chúng cư > chung cư

Khôn sống mông chết > khôn sống mống chết (mông 矇: ngu muội).

Và, chắc không có lý do lịch sử nào đó để nghi ngờ rằng, “miếng” thực ra cổ hơn “miệng” (…)”.

Bốn “ví dụ thay cho lời giải đáp” trên đây của bạn, ta có thể thấy trong một mục trên Forum của VVH ngày 29-10-2014. Bốn “lời giải đáp” này đều khập khiễng. Nếu đúng là do đồng hóa thanh điệu nên “cá đuối” đã ra đời thay cho hình thức gốc là “cá đuôi” thì ta có thể mặc nhiên hiểu rằng tất cả các loài cá khác còn lại trên trần gian đều không có… đuôi. Và cứ theo cái mốt này thì ta có thể “sáng tạo” ra nào là “chim cánh”, “hổ chân”, “ngựa mõm”, “mèo râu”, v.v... Ta cũng chưa biết được một cách tuyệt đối chắc chắn nghĩa của “miếng” trong “nước miếng” là gì nên không thể kết luận một cách vô căn cứ rằng đó vốn là “nước miệng” mà “miệng” bị thanh điệu 5 (dấu sắc) của “nước” đồng hóa. Tại sao “nước bọt” không thành (khth) “nước bót”, “nước độc” (rừng thiêng nước độc) khth “nước đốc”, “nước gạo” khth “nước gáo”, “nước lạnh” khth “nước lánh”, “nước lọc” khth “nước lóc”, “nước lợ” khth “nước lớ, v.v...? “Chúng cư” mà biến thành “chung cư” thì chỉ là do từ nguyên dân gian bóp méo dưới áp lực của “chung” trong “chung chạ”, “chung đụng” vì “chúng cư” là một kiến trúc tại đó nhiều hộ cùng sống chung với nhau. Vì thế “chung” mới chiếm chỗ của “chúng”. Nó là một từ tiếm vị. Chẳng làm gì có đồng hóa thanh điệu ở đây. Tai sao “chúng sinh” khth “chung sinh”, “chúng ta” khth “chung ta”, “chúng tôi” khth “chung tôi”, v.v...? Trường hợp “khôn sống mống chết” thì có nhiều phần thú vị và cần nói hơi dài cho nên chúng tôi phải xuống hàng.

Trước nhất, xin mở ngoặc đơn để nói rằng chữ [矇] của bạn và chữ [蒙] của chúng tôi là những đồng nguyên tự nên ở đây không có mâu thuẫn. Bạn khẳng định rằng do đồng hóa mà “khôn sống mông chết” trở thành “khôn sống mống chết. Nhưng nếu cái sự trở thành (trth) này là do đồng hoá thanh điệu từ ngang (không dấu) thành sắc thì tại sao “áo gấm đi đêm” không trth “áo gấm đí đêm”, “áo rách thay vai” không trth “áo rách tháy vai”, “ăn ít no lâu” không trth “ăn ít nó lâu”, v.v…? Đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là ta tuyệt đối không có bất cứ một bằng chứng nhỏ nhoi nào để khẳng định rằng, ở đây, “mông” là một từ độc lập, có thể hành chức một cách tự do. Không! “Mông” là một hình vị Hán Việt phụ thuộc cho nên nó tuyệt đối không thể có mặt trong cái câu tưởng tượng *“khôn sống mông chết”. Đây là một điều dứt khoát. “Mống” mới là một từ độc lập và nhờ đó mà nó mới có thể có mặt trong câu “khôn sống mống chết”, là hình thức gốc duy nhất, tồn tại một cách tự nhiên nhi nhiên, không có bất cứ một sự đồng hóa thanh điệu nào sỗ sàng thò tay vào. Ở đây, “mống” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [蒙] (hoặc một đồng nguyên tự khác của nó), mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “mông”, có nghĩa là ngu dại, đần độn. Về mối quan hệ lịch sử giữa thanh điệu 1 (không dấu) của “mông” với thanh điệu 5 (dấu sắc) của “mống, ta còn có thể thấy qua một số trường hợp khác:

- “lâm’ [淋] là ướt sũng ↔ “lấm” trong “lấm nước”;

- “mai” [枚] là tấm thẻ; chiếc, cái ↔ “mái” trong “mái chèo”;

- “môi” [媒] trong “môi giới” ↔ “mối” trong “mối lái”;

- “ngân” [垠] là bờ nước, ranh giới ↔ “ngấn” trong “ngấn nước”;

- “nghiên” [研] là mài, cọ xát ↔ “nghiến” trong “nghiến” răng”;

- “vi” [圍] trong “vi nhiễu” ↔ “ví” trong “ví bắt”; v.v...

Trở lên, chúng tôi đã phản-phản biện những điểm chính trong bài bạn 阮大瞿越 viết để phản biện chúng tôi. Nếu đi vào thật chi tiết thì e quá dài cho khuôn khổ một bài báo, mà bạn đọc chắc cũng chẳng cần chi ly đến như thế. Rất vui được trao đổi với bạn và xin cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi. Chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng, với chúng tôi, chuyện từ nguyên của “bù nhìn” vẫn chưa chấm dứt tại đây.

A.C