Út nam - Út nữ

15:35 | 21/12/2014

|
Bạn đọc: Chung quanh mấy tiếng “út nam - út nữ”, mới đây đã có một cuộc thảo luận nhẹ nhàng và thú vị trên Facebook mà chắc ông An Chi cũng đã biết. Xin ông cho nhận xét về những ý kiến đã được phát biểu. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Năng lượng Mới số 384

Học giả An Chi: Bạn Quy La đặt vấn đề: “Trong các thiệp cưới, người ta thường gặp những cách ghi “út nam”, “út nữ”. “Trưởng nam”, “thứ nữ” thì đúng rồi. Còn “út nam”, “út nữ” nghe kỳ kỳ làm sao! (…) Dễ hiễu thôi: “Nam” và “nữ” là Hán Việt; còn “út” là tiếng Việt rặt ròng, làm sao mà ghép chúng thành đôi cho được?!”.

Theo chúng tôi thì trong trường hợp này vấn đề không phải ở chỗ “Hán Việt” hay “Việt rặt ròng” mà ở chỗ yếu tố được nói đến là từ Hán Việt độc lập hay hình vị Hán Việt không độc lập. “Tuyết” [雪] là một yếu tố Hán Việt còn “đầy” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “đầy tuyết”. “Sách” [册] là một yếu tố Hán Việt còn “ít” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “ít sách”. “Bộ” [部] là một yếu tố Hán Việt còn “trọn” là Việt rặt (ít nhất cũng là theo quan niệm của đại đa số) nhưng ta vẫn nói được “trọn bộ”. Sở dĩ có được những sự kết hợp trên đây là vì các yếu tố Hán Việt “tuyết”, “sách”, “bộ” là những từ độc lập. Cũng vậy, sở dĩ người ta vẫn nói “út nam”, “út nữ” là vì “nam”, “nữ” là những từ Hán Việt độc lập. Thí dụ: - Công nhân phân xưởng này chỉ có nữ, không có nam. - Học sinh lớp 8C gồm có 25 nam và 15 nữ. - Dãy nhà nam và dãy nhà nữ của khu tập thể này cách nhau khá xa. V.v... Vậy “út nam”, “út nữ” là những cách diễn đạt bình thường. Nhưng trong những văn bản có tính trang trọng như thiệp cưới mà dùng “út nam”, “út nữ” thì nghe hơi… bình dân.

Vậy ta có thể thay thế bằng cách nào? Bạn Quy La có nhận xét là trong thiệp cưới có liên quan đến người gốc Hoa thì thấy ghi là  “ấu nam”, “ấu nữ”. Nhưng đây chỉ là những danh ngữ được đặt ra theo tập quán ngôn ngữ riêng của người Hoa (và người Trung Quốc) chứ riêng chữ “ấu” [幼] thì lại không có nghĩa là “út”. Bằng chứng là ta không thể tìm thấy nó trong 5 nghĩa của chữ “ấu” mà chính bạn đã nêu: - 1. trẻ em, trẻ con; - 2. nhỏ tuổi; - 3. non, mới sinh; - 4. nông cạn, chưa thành thục; - 5. yêu thương, che chở. Vả lại đây chỉ là cách nói cận đại và hiện đại của họ mà ta cũng chẳng nên theo.

Vậy có nên thay “út nữ” bằng “quý nữ”, chẳng hạn? Nhưng bạn Quy La đã hoài nghi một cách có lý: “Quý nữ [季女] là con gái út. Có lẽ đây là từ cổ chăng? Vì thế nên ngày nay chỉ thấy chữ “ấu” [幼] được dùng tràn đầy trong các thiệp cưới”. Bạn đã có lý. Nghĩa “con gái út” của hai chữ “quý nữ” quả có được dùng vào thời xưa. Hán ngữ từ điển (cidian.xpcha.com) đã cho nghĩa 2 của “quý nữ” [季女] là “tiểu nữ nhi” [小女儿], tức là “con gái út”, như có thể thấy trong lời một bài văn bia do Hàn Dũ (đời Đường) thảo ra. Với nghĩa này, Tuyến thượng từ điển (ichacha.net) đã dịch câu “Tha đích tiểu nữ nhi thị tha đích chưởng thượng minh châu” [他的小女儿是他的掌上明珠] thành “His youngest daughter is the apple of his eye.” “Youngest daughter” dĩ nhiên là con gái út. Còn nói chung thì đúng như bạn Quy La đã viết: “Ngày xưa, thứ tự anh em từ lớn tới nhỏ xếp theo: , trọng, thúc, quý [伯,仲,叔,季]. Tuổi nhỏ nhất gọi là quý”.

Bạn Cá Vàng nêu vấn đề: “Hình như “quý nam” [季男] là con trai út và “quý nữ”[季女] là con gái út (?)”.

Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng tiếng Hán lại không dùng “quý nam” theo nghĩa này còn nghĩa “con gái út” của “quý nữ” thì, như đã nêu, lại là một cái nghĩa rất xưa, nay không dùng nữa (nên mới thay bằng “ấu nữ”). Có lẽ do cũng thấy như thế nên chính bạn Cá Vàng mới bổ sung:

“Do “quý nữ” [季女] có nghĩa là con gái út (theo ghi nhận trong vài từ điển Hán Việt) nên tôi tạm suy ra “quý nam” [季男] là con trai út. Nói là tạm suy (ở trên tôi viết là “hình như”) vì tôi chẳng tìm được tài liệu nào giảng nghĩa như vậy.

Nhiều trang mạng tiếng Trung giảng “quý nữ” [季女] là: 1. Thiếu nữ 少女; 2. Tiểu nữ nhi 小女兒. Theo trang http://baike.baidu.com/view/12090781.htm thì chữ “quý” [季] trong câu “Thùy kỳ thi chi, hữu Tề quý nữ” 誰其尸之,有齊季女 (Thi Kinh) có nghĩa là “thiếu” 少, “tiểu” 小 (tức “quý nữ” [季女] là “thiếu nữ” 少女, “tiểu nữ” 小女); còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì dịch hai chữ “quý nữ” 季女 trong câu thơ trên là “con gái út”.”

Nhưng chúng tôi lại xin lưu ý rằng “thiếu nữ” không đồng nghĩa với “tiểu nữ”. “Thiếu nữ” [少女] là những cô gái trẻ chưa chồng, thường là tuổi từ 12-18 còn theo phụ khoa (của Tàu) thì tuổi đó là từ 13-17 (Xin x. http://www.baike.com/wiki/少女). Còn “tiểu nữ” [小女] thì mới là con gái út (Xin x. http://xh.5156edu.com/html5/74925.html, nghĩa 1).

Tóm lại, “con gái út” chỉ là nghĩa xưa (nay không dùng nữa) của “quý nữ” [季女] còn riêng chữ “ấu” thì không có nghĩa là “út”. Nhưng nhân chuyện này, bạn Bùi Quốc Huy có nêu vấn đề: “Không chừng “út” là biến âm của “ấu”.” Bạn Quy La đã trả lời: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự”. Bạn Bùi Quốc Huy nói thêm: “Thì “thúc” thành “chú”, “cữu” thành “cậu”, “bá” thành “bác” ... vậy mà”.

Còn chúng tôi thì xin nói thêm như sau. Trước nhất, “thúc” [叔] thành “chú” không phải là một hiện tượng biến âm có quy luật chặt chẽ từ tiếng Hán đời Đường sang tiếng Việt, như có thể thấy trong rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi đã từng nêu ra. Chúng tôi cho rằng xuất phát điểm ở đây là âm tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV mà Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý (Xin x. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.79, cũng như cả Chương thứ ba).

Còn “cữu” ↔ “cậu” là chuyện bình thường (từ âm Hán đời Đường sang âm Việt) và ta có nhiều dẫn chứng về mối quan hệ ƯU ↔ ÂU : “ưu” trong “ưu phiền” ↔ “âu” trong “lo âu”; “Ngưu” trong “Ngưu lang” ↔ “Ngâu” trong “vợ chồng Ngâu”; “sưu” trong “sưu thuế” ↔ “xâu” [có thể là < “sâu”] trong “làm xâu”; “tựu” [僦] là thuê mướn ↔ “tậu” trong “tậu nhà”.

Trường hợp thứ ba mà bạn Bùi Quốc Huy đã nêu thì lại không phải là “bá”
[伯] thành “bác”, mà ngược lại. “Bác” có trước “bá”. Đây là một chữ thuộc vận bộ “mạch” [陌] và thiết âm của nó trong Quảng vận là “bác mạch thiết” [博陌切]. Vậy âm Hán Việt đời Đường của nó phải là “bách”. Nhưng nếu “bá” là hàng con cháu thì “bách” cũng chỉ là hàng cha chú chứ “bác” mới là hàng ông bà. Thật vậy, trong mối quan hệ giữa những âm cùng gốc thì -AC xưa hơn (xh) -ACH: “bạc” trong “bạc phếch” xh “bạch” [白] trong “bạch phiến”; “khạc” trong “khạc đờm” xh “khách” [咯] là ho hoặc tiếng khạc; “khác” trong “khác lạ” xh “khách” [客] trong “chủ khách” ( khách = không phải chủ → [người] lạ → [người] khác); “tác” trong “tan tác” xh “tách” [析] (↔ tích) trong “phân tách”; “trác” trong “tổ trác” xh “trách” [責] trong “trách phạt”; v.v.. Vậy thì “bác” là hàng ông bà; “bách” (tiếng Việt không dùng) là hàng cha, chú còn “bá” thì chỉ là hàng con cháu. Nhưng hàng con cháu này do đâu mà ra? Với chúng tôi thì đây là cách đọc theo âm của tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, tức là âm cuối đời Nguyên đầu đời Minh.

Riêng chữ “ấu” [幼] thì bản thân nó không có nghĩa là “út”. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, “ấu nữ” là một lối nói cận đại và hiện đại chưa bao giờ đi vào từ vựng của tiếng Việt. Thứ ba, trong lịch sử ngữ âm Hán Việt, không có mối quan hệ giữa hai vần ÂU và UT. Vì vậy nên bạn Quy La mới viết: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự.” Thực ra thì cái lý do dễ thấy nhất là sự xuất hiện của T (trong “út”) từ âm cuối U (của “ấu”). Đây là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra. Xin nói thêm rằng hiện nay, trong một số thiệp cưới (dĩ nhiên là của Tàu), người ta còn dùng chữ “yêu” [幺] thay cho chữ “ấu” [幼] nữa. Và “yêu nữ” được giảng là “Yêu tại yêu nữ trung vi tiểu; bài hàng tối mạt đích ý tứ, cố yêu nữ chỉ tiểu nữ nhi”. [幺在幺女中为小、排行最末的意思,故幺女指小女儿], nghĩa là “ chữ “yêu” trong “yêu nữ” [nghĩa] là nhỏ; hàm ý là đứng cuối [khi] xếp hàng, do đó “yêu nữ” chỉ con gái út”. (Xin x. http://baike.baidu.com/view/1749051.htm).

Liên quan đến vấn đề này, bạn Trần Mã Thượng băn khoăn:

“Nếu ta muốn bỏ từ ghép Út (“út nam”, “út nữ” - AC) thì lấy từ gì thay thế; rồi từ Trưởng (nam) và từ Thứ (nữ) có phải bỏ luôn không? (…) Vậy là người Việt sáng tạo (“út nam”, “út nữ” - AC) để bổ sung thêm từ mà chữ Hán Việt còn thiếu rồi. Nếu để chữ Ấu thì e bị nhầm lẫn nên xài chữ Út cho dễ hiểu hơn”.

Ở đây, ta không nên nhân chuyện “út nam - út nữ” mà bỏ đi  những cách nói “trưởng nam”, “trưởng nữ”, “thứ nam”, “thứ nữ”, là những cách diễn đạt thuận lý, hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt ngôn ngữ, đã trở nên thực sự quen thuộc và thông dụng từ lâu trên thiệp cưới. Khái niệm mà bạn gọi là “chữ Hán Việt” thực chất là những chữ Hán mà người Việt đọc theo hoặc âm Hán đời Đường (là chủ yếu) hoặc âm Hán trước đời Đường, hoặc âm Hán sau đời Đường. Mà chữ Hán thì vẫn có những danh ngữ chỉ con trai út, con gái út. Gái thì có “quý nữ” và “ấu nữ”. Trai thì có “thiếu nam” [少男], “tiểu nhi tử” [小兒子], “ấu nam”. Vấn đề là có thể hoặc vì không biết đến những lối nói này của tiếng Hán, hoặc tuy có biết đến nhưng lại thấy nó không hợp với cái “lỗ tai” nên người ta không dùng và buộc phải tạo ra những cách diễn đạt bình dân là “út nam”, “út nữ”. Nhưng đâu có phải bình dân lúc nào cũng hay ho! Chúng tôi chủ trương thay “út nam”, “út nữ” bằng “quý nam”, “quý nữ”. “Quý nữ” là một lối nói xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi; song song với nó là “quý nam” mà ta “tự tạo” nhưng lại rất cân đối. “Vu quy” [于歸] là hai tiếng Hán xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi, được dùng “đều trời” bên nhà gái trong các đám cưới ở nước ta hiện nay. Nếu ta phản đối “quý nam”, “quý nữ” vì nó là Tàu thì có lẽ ta cũng nên thay hai tiếng “vu quy” bằng cụm từ “lễ tiễn đưa con gái về nhà chồng” cho nó có vẻ  “ta” chăng?

   A.C