Vấn đề đánh dấu thanh điệu

08:17 | 11/11/2012

|
Bạn đọc: Gần đây, trên nhiều trang báo, các biển hiệu của nhiều trụ sở cơ quan công quyền, chúng tôi thấy những chữ như: “Hòa; tòa án, hóa học…” thì dấu “sắc” thường đánh vào chữ “a”. Ví dụ: Hoà, toà án, hoá học. Ngay trong cả Từ điển Bách Khoa toàn thư Việt Nam cũng nhiều chỗ đánh dấu theo kiểu thế này. Thậm chí kể cả tấm biển đề ở Văn phòng Chủ tịch nước tại số 2 Hùng Vương cũng đánh dấu “sắc” như vậy. Vậy xin hỏi ông, việc đánh dấu như vậy là đúng hay sai? Và nguyên tắc sử dụng dấu trong chữ Việt là như thế nào? Rất mong được ông giải đáp. Nguyễn Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

An Chi: Dấu thanh (dấu giọng) là ký hiệu trên văn tự dùng để ghi thanh điệu của âm tiết. Về bản chất của thanh điệu, trong bài “Bàn về chuyện “đánh dấu thanh” trong tiếng Việt”, Đoàn Xuân Kiên viết:

“Khi phát âm tiếng Việt, chúng ta phát âm từng đơn vị lời nói cắt rời nhau, gọi là âm tiết (…). Mỗi âm tiết được định một bậc cao thấp, gọi là thanh điệu. Trong lời nói, mỗi âm tiết tiếng Việt đều mang một thanh. Thanh này xuất hiện lập tức khi âm tiết được phát ra, cho nên có thể nói rằng thanh là một thành phần bất khả phân của âm tiết. Thanh là thành phần âm vị phi tuyến tính của một âm tiết tiếng Việt”.

Vì thanh điệu là một thành phần “bất khả phân” và “phi tuyến tính” cho nên đánh dấu nó ở đâu trong chữ viết (để ghi từng âm tiết), suy cho cùng cũng nặng về quy ước. Trước đây, nhà ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo từng nói riêng với những người cộng sự của mình rằng nên ghi ký hiệu đánh dấu thanh ở cuối, vì nó bao trùm cả âm tiết.

Trở lại với thực tế, cá nhân chúng tôi tán thành việc đánh dấu thanh trên nguyên âm chính của âm tiết, như đã ghi nhận trong một tài liệu:

1. Với các âm tiết không tròn môi (âm đệm zero, tức không có [w] ở đầu vần) có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng, v.v...

2. Với các âm tiết tròn môi (có âm đệm [w]), được biểu diễn bằng “o, u”) có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quờ, thuỷ, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt, v.v...

3. Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:

a. Nếu là âm tiết có nguyên âm được viết bằng “iê, yê, uô, ươ”; âm cuối được viết bằng “p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i,” thì bỏ dấu lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường, v.v…

b. Nếu là âm tiết có nguyên âm được viết là: “ia, ya, ua, ưa” và không có âm cuối thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: ỉa, tủa, cứa, thùa, khứa, v.v...

4. Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp “ua” và “ia”:

a. Với “ia” thì thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái “g” ở đầu âm tiết. Có “g” thì đặt vào “a” (già, giá, giả, v.v.), không có “g” thì đặt vào “i” (bịa, chìa, tía, v.v...). Trường hợp đặc biệt: “gịa” (có trong từ “giặt gịa”).

b. Với “ua” thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái “q”. Có “q” thì đặt vào “a” (quán, quà, quạ, v.v...), không có “q” thì đặt vào “u” (túa, múa, chùa, v.v...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi “qu” như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như “gi, nh, ng, ph, th”, v.v… Khi đó, sẽ coi “quán, quà, quạ”, v.v... như là những âm tiết có âm đệm zero.

Nói chung, trở lên là cách đánh dấu được gọi là kiểu mới (so với kiểu cũ, kiểu truyền thống). Từ điển Bách Khoa toàn thư Việt Nam và Văn phòng Chủ tịch nước đã theo kiểu viết này. Ngành giáo dục cũng khuyến khích dùng kiểu đánh dấu này và cá nhân chúng tôi cũng dùng nó. Nếu toàn xã hội đều áp dụng nó một cách nhất trí thì sẽ rất có lợi cho sự giao tiếp.

A.C