Nhà máy Lọc dầu Dung Quất:

Bài toán tiết kiệm 1.000 tỉ đồng

08:18 | 19/08/2014

698 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên: Ở Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, mỗi phần việc đều được khuyến khích sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Hàng năm, BSR có hàng nghìn sáng kiến, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng nhưng mấy ai biết rằng, có những sáng kiến, cải tiến có trị giá… nghìn tỉ đồng.

Năng lượng Mới số 349

Sáng kiến trong bảo dưỡng

Trong thời gian bảo dưỡng 53 ngày, BSR ghi nhận hàng trăm sáng kiến khác nhau, trong đó nổi bật sáng kiến trong việc sử dụng phần mềm chuyên nghiệp trong công tác quản lý, lập kế hoạch cho hoạt động dừng và khởi động nhà máy. Việc sử dụng phần mềm đã tạo được bức tranh tổng thể và tạo được mối liên kết giữa các hoạt động của từng phân xưởng với các phân xưởng còn lại.

Ông Trần Nguyên Hoài Thu, Phó phòng Sản xuất BSR nhận định: “Phần mềm xây dựng kế hoạch một cách chặc chẽ đã đóng vai trò quyết định trong công tác điều phối trong nội bộ Phòng Sản xuất và chủ động về thông tin thời điểm bàn giao giữa Phòng Sản xuất và Phòng Bảo dưỡng tránh tình trạng bị động, thiếu chuẩn bị của các bên liên quan. Ðáng chú ý hơn nữa, phần mềm này đã được các kỹ sư của phòng tự mày mò nghiên cứu đưa vào sử dụng mà không qua một lớp đào tạo nào trước đó”.

Việc thu hồi, tái sử dụng những chất thải trong quá trình bảo dưỡng đã được các kỹ sư BSR tận dụng triệt để. BSR đã thu hồi propylene từ bể chứa propylene về bể chứa LPG thương phẩm; nhờ đó thu hồi được gần 187 tấn propylene đưa đi phối trộn vào LPG thương phẩm thay vì xả bỏ. Theo thời giá, hiện nay mỗi tấn LPG có giá 830USD. Chi phí làm lợi không lớn nhưng lợi ích cho môi trường có giá trị rất cao. Phân xưởng Chưng cất dầu thô cũng hồi lưu toàn bộ dầu xả về bể chứa dầu thô trong quá trình dừng phân xưởng. Việc này giảm được khoảng 1.500m3 dầu thải, giảm được chi phí tái xử lý. Phân xưởng Cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) đã tuần hoàn dầu xả đáy của tháp chưng cất chính để giảm 600m3 lượng dầu LCO chất lượng cao cho quá trình tuần hoàn tại phân xưởng xưởng này. Và quan trọng hơn cả, với sáng kiến này, quá trình tuần hoàn được thực hiện một cách hiệu quả, giảm thiểu công việc cho người lao động và hạn chế được nguy cơ gây hư hỏng các bơm do được vận hành ở lưu lượng thấp, không ổn định.

Có thể thấy, Phân xưởng RFCC là nơi có thiết bị máy móc phức tạp nhất và nơi đây cũng ghi nhận những sáng kiến rất hữu dụng của công nhân, kỹ sư các nhà thầu. Sáng kiến thay đổi thời điểm tuần hoàn xúc tác của phân xưởng RFCC đã góp phần giảm thiểu thời gian duy trì thiết bị phản ứng của phân xưởng RFCC trong môi trường hơi nước ở nhiệt độ thấp, qua đó hạn chế được các ảnh hưởng xấu lên thiết bị phản ứng. Ðây là bằng chứng rõ ràng cho sự sáng tạo trong việc tận dụng các khoảng thời gian, sắp xếp công việc một cách hợp lý đã rút ngắn thời gian khởi động phân xưởng RFCC được 9 giờ.

Bài toán tiết kiệm 1.000 tỉ đồng

Nhiều sáng kiến kỹ thuật được phát huy trong quá trình bảo dưỡng NMLD Dung Quất

Bên cạnh đó, van điều khiển áp đầu xả của máy nén cấp khí ở Phân xưởng RFCC có vấn đề do quá trình sử dụng bị kẹt nên áp suất cao. Sau nhiều lần họp nhóm, các kỹ sư đưa ra các giải pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề trên nhưng chưa có phương án tối ưu. Khi tìm ra nguyên nhân do thiết kế van có một chốt chặn quá ngắn, các kỹ sư đề xuất kéo dài cái chốt để điều khiển van “mượt” hơn. Với phương cách này, Phân xưởng RFCC đã giảm tiêu thụ nước hơn 10 tấn/giờ. Theo tính toán, giá thành của hơi cao áp khoảng 54 USD/tấn; như vậy mỗi năm BSR tiết kiệm gần nửa triệu đô la.

Phân xưởng RFCC cũng ghi nhận sáng kiến thay đổi thời điểm quay bích mù 60”, tạo điều kiện thực hiện công việc an toàn, dễ dàng hơn và hạn chế được mức độ giảm nhiệt độ và nguy cơ gây ngưng tụ hơi nước tại thiết bị phản ứng.

Sáng kiến sử dụng dòng dầu nhẹ MTC để tăng cường khả năng gia nhiệt cho thiết bị phản ứng của phân xưởng RFCC vào giai đoạn cuối của quá trình gia nhiệt. Sáng kiến đã góp phần rút ngắn thời gian khởi động phân xưởng khoảng 3 giờ, tạo điều kiện gia nhiệt đều cho các vùng của tháp phản ứng và cung cấp nhiệt lượng cho quá trình gia nhiệt tại các cụm thiết bị chưng cất hạ nguồn của phân xưởng. Ðây là phương án được nhà bản quyền AXENS đánh giá cao về tính hiệu quả.

Tối ưu hóa sản xuất

BSR đã nâng cấp Phao rót dầu không bến (SPM) từ 110.000 DWT lên 150.000 DWT, tàu dầu Sue - Max có thể cập bến dễ dàng. Theo ông Trần Nguyên Ngọc, Phó tổng giám đốc BSR, chi phí vận chuyển dầu thô ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 1USD/thùng, tương đương 15-20 triệu USD/năm. Phao nhập dầu một điểm neo tại vịnh Việt Thanh, cảng Dung Quất. Phao SPM nặng 360 tấn, cao 10m, bao gồm có các hệ thống plem, đường ống ngầm dẫn dầu thô dài 3,2km, 2 đường ống nổi dài 242m/1 ống nối từ phao rót dầu xuống tàu chở dầu thô, công suất tiếp nhận dầu 6.000m3/giờ.

Hiện thế giới có 3 “con đường dầu thô”, đó là: Vùng Vịnh qua eo biển Malacca sang Ðông Bắc Á; Vùng Vịnh qua kênh đào Suez sang Ðịa Trung Hải; Ðại Tây dương qua kênh đào Panama sang Thái Bình Dương và ngược lại. Việt Nam nằm trên cung đường chuyên chở dầu nhộn nhịp nhất thế giới. Hơn nữa, các con tàu chở dầu xuyên đại dương hiện nay có tải trọng từ 150.000 tấn đến 300.000 tấn. Việc nâng công suất SPM sẽ là điều kiện cần để BSR đón nhận những lô dầu thô mua từ Trung Ðông và Nga. Vừa qua, BSR và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã cùng nhau ký kết hợp đồng với Công ty SOCAR (Azerbaijan) về việc cung cấp dài hạn dầu thô Azeri cho NMLD Dung Quất. Theo hợp đồng ký kết, mỗi năm, SOCAR sẽ cung cấp cho NMLD Dung Quất với số lượng 3.500.000 thùng. Việc nâng cấp phao SPM là bước đệm trong việc mở rộng nguồn cung dầu thô cho nhà máy và phục vụ lâu dài khi nhà máy nâng cấp mở rộng lên 10 triệu tấn/năm.

Việc nâng cấp nhà máy hoạt động ở 110% công suất sau bảo dưỡng cũng là một trong những giải pháp căn cơ trong tiết kiệm chi phí sản xuất. Ông Trần Nguyên Hoài Thu, Phó phòng Sản xuất BSR phân tích: 10% công suất tức là nhà máy sẽ lọc thêm khoảng 15.000 thùng dầu/ngày, trong khi chi phí nhân lực, quản lý giữ nguyên; chi phí năng lượng, hóa phẩm, xúc tác chỉ tăng 5-7%. Theo tính toán, mỗi năm, NMLD Dung Quất có thể tạo thêm giá trị kinh tế khoảng 30-40 triệu USD/năm - ước chừng 800 tỉ đồng. Cộng thêm việc tiết kiệm chi phí chuyên chở dầu thô, sắp tới, BSR có thể làm lợi cho nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng/năm.

Hiện nay, có khoảng hơn 50 loại dầu trên thế giới đã được phân tích, nghiên cứu và khẳng định có thể pha trộn và chế biến tại NMLD Dung Quất. BSR đang triển khai xây dựng Phân xưởng sản xuất lưu huỳnh với với khả năng cung cấp 13 tấn/ngày cộng thêm khối lượng lưu huỳnh thu gom từ các phân xưởng khoảng 5 tấn/ngày, đủ để nhà máy pha chế vào các loại dầu để nâng cao giá trị kinh tế.

NMLD Dung Quất có mức tiêu thụ năng lượng tương đương với một thành phố trung bình ở Việt Nam. Theo Phó tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, sắp tới BSR sẽ thay khoảng 2.400 bóng đèn huỳnh quang bằng đèn led để viết kiệm năng lượng. Dự kiến, BSR sẽ tiết kiệm khoảng 1,4 tỉ đồng tiền điện/năm trong tổng số 17,5 tỉ đồng tiền điện thắp sáng toàn nhà máy. Chỉ số tiêu hao năng lượng EII của NMLD Dung Quất có xu hướng giảm, từ 117-118 trong năm 2011-2012, nay đã giảm xuống còn 102 - mức tiêu thụ năng lượng đạt tối ưu, tốt hơn cả những nhà máy của Tập đoàn Gazpromneft.

Chủ tịch HÐTV BSR Nguyễn Hoài Giang từng khẳng định: “Chúng tôi biết mình phải làm gì có lợi nhất cho nhà máy, không thể đánh đổi những “phong trào tiết kiệm” để mang lại rủi ro khó lường trong vận hành sản xuất”.

Đức Chính

 

DMCA.com Protection Status