Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Nguyễn Hùng Dũng:

Chúng tôi là những người đi câu

07:00 | 12/02/2013

1,011 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Năm 2012, mặc dù gặp bộn bề khó khăn, nhưng PTSC đã giành được những thắng lợi ngoạn mục, đạt 112% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm trước. Đây là một con số mà ngay chính những người lãnh đạo của PTSC cũng cảm thấy “hơi bất ngờ”. Làm thế nào để có kết quả này và liệu năm tới, PTSC còn tạo được sự bất ngờ như thế này nữa không? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi thú vị với Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng, vốn được mệnh danh là “Người của biển”.
TGĐ Nguyễn Hùng Dũng

PV: Xin chào “Người của biển”! Cuối năm 2011, trong một lần gặp anh, tôi có hỏi: Sang năm mới, anh mong gì? Và lúc đó anh trả lời ngắn gọn: “Chỉ mong có đủ công ăn việc làm cho anh chị em”. Như vậy là lúc đó anh đã nhìn thấy những khó khăn của năm 2012. Nhưng thực tế năm nay thì PTSC lại hoàn thành xuất sắc và vượt mức tất cả những chỉ tiêu được giao. Vậy điều gì làm nên thắng lợi này?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: PTSC là đơn vị kinh doanh dịch vụ, mà nghề làm dịch vụ là nghề làm dâu trăm họ, và như người đi câu. Biển nhiều cá đấy, nhưng có phải lúc nào cũng câu được cá to đâu. Có khi hôm trước vừa câu được nhiều, nhưng hôm sau lại phải gác cần.

PV: Ồ, nghe cách nói này thì có vẻ anh cũng là một thợ câu thì phải?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: (Cười) Tôi làm thủy thủ bao nhiêu năm, cho nên cũng biết câu.

PV: Anh vừa nói làm dịch vụ là như người đi câu. Vậy là năm 2012 anh đã câu thắng lợi. Anh dùng cần gì, mồi gì và chọn người đi câu như thế nào?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: Cần câu là cơ chế chính sách, là những định hướng có tính chiến lược mà lãnh đạo tập đoàn và PTSC đã đặt ra. Mồi câu là tính chuyên nghiệp, có kỹ năng, có công nghệ, có tổ chức quản lý đúng, có kinh nghiệm. Còn người đi câu thì phải là những người cần mẫn, kiên trì và không nản chí trước những khó khăn. Anh biết không, trước lúc biển động, đi câu là hay vớ được cá to lắm.

Còn thị trường thì là biển, là hồ. Có lúc thủy triều lên, có lúc thủy triều xuống, lúc sóng to gió lớn, lúc yên lặng, buồn tẻ. Ở biển, ở hồ có cá đấy và cũng có rất nhiều người buông câu. Nhưng có phải ai cũng câu được cá đâu. Nhiều người phải xách cần về không.

Với PTSC, khi thị trường giảm sút, khó khăn, đó là lúc phải cạnh tranh khốc liệt. Mà việc cạnh tranh ở đây là phải cạnh tranh với “những người đi câu” từ nước ngoài, từ những tập đoàn kinh tế, kỹ thuật danh tiếng. Nói đơn giản như thế này thôi, các công ty liên doanh với nước ngoài cũng phải tìm mọi kế, mọi cách để công ty của nước họ được trúng thầu chứ; họ cũng có chính sách bảo hộ riêng… Nhưng khi phải lao vào cạnh tranh thì cũng có một cái tốt cho mình, đó là buộc mình phải vươn lên, phải nghĩ cách đổi mới, phải lao động sáng tạo và phải biết tận dụng từng cơ hội, chắt chiu từng cân sắt thép. Nếu không có cạnh tranh thì cần gì phải đào tạo, phải đổi mới, phải chiến đấu quyết liệt. Và nếu không có cạnh tranh thì đó sẽ là nguyên nhân của sự trì trệ, bảo thủ. PTSC là đơn vị làm dịch vụ, cho nên việc cạnh tranh diễn ra từng ngày, từng giờ, từng tháng, mà chủ yếu là phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Năm 2012, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thị trường dịch vụ dầu khí ngày càng thu hẹp; cạnh tranh trong lĩnh vực dầu khí ngày càng khốc liệt. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, tài chính, bằng mọi giá xâm nhập vào thị trường cung cấp dịch vụ trong nước. Do yêu cầu phát triển nhanh của sản xuất kinh doanh, PTSC vẫn còn thiếu nhiều chức danh bậc cao; các chuyên gia, cán bộ kinh tế kỹ thuật, quản lý có kinh nghiệm. Sự phát triển nhanh về khoa học công nghệ dẫn tới các máy móc, phương tiện thiết bị nhanh chóng bị lạc hậu và lỗi thời. Trong khi đó, nguồn lực cơ sở vật chất của PTSC vẫn còn hạn chế so với yêu cầu hiện nay của thị trường, tỷ trọng thuê dịch vụ ngoài cao đã gây khó khăn và làm giảm tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình thu xếp vốn trên thị trường tài chính gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất vay duy trì ở mức cao, gây rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư, thu xếp tài chính cho các dự án lớn.

PV: Nghe nói PTSC đang có kế hoạch chiến lược vươn ra biển lớn - nghĩa là vươn ra thị trường ngoài nước. Vậy việc đó hiện nay thế nào?

Trên tàu Bình Minh 02

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: Đúng là phải vươn ra nước ngoài. Bởi vì trong nước, chúng ta phải nhìn thấy một thực tế rằng, trữ lượng dầu khí sẽ suy giảm dần theo từng năm. Đó là lẽ đương nhiên. Nó cũng giống như người ta lúc trẻ khỏe, rồi phải đến lúc già yếu, phải đến lúc sức tàn lực kiệt. Vậy thì phải vươn ra nước ngoài. Nhưng muốn vươn ra nước ngoài thì phải có 4 yếu tố quan trọng, đó là: công nghệ cao, có tiền, có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, bài bản, có kinh nghiệm và  tay nghề. Trong 4 yếu tố này thì PTSC có gì? PTSC không phải là siêu giàu để mà lao vào các cuộc đấu thầu bằng cách bỏ vốn lớn, hạ giá thấp, dìm chết đối thủ. Công nghệ của PTSC là tiên tiến, nhưng không phải là giỏi nhất. PTSC chỉ có kinh nghiệm, có hệ thống quản lý tốt, chuyên nghiệp và có một đội ngũ những người thợ luôn luôn cháy bỏng khát vọng vươn ra biển lớn. Nhưng chúng tôi ý thức được rằng, để vươn ra nước ngoài, nếu đơn thương độc mã thì khó lắm.

Các cụ dạy rằng: Buôn có bạn, bán có phường. Chính vì thế mà chúng tôi đã cùng Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas)… và một số đơn vị khác hợp tác chặt chẽ với nhau, để đồng hành cùng vươn ra biển lớn. Vietsovpetro là đơn vị cực mạnh, có đủ các điều kiện để ra nước ngoài cạnh tranh. PVEP là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn và họ đang “tung hoành” ở Nam Mỹ, ở Nga. PVFCCo là đơn vị rất mạnh trong công nghệ chế biến dầu khí… Nếu như các đơn vị này cùng dựa vào nhau thì chắc chắn sẽ tạo ra được một sức mạnh tổng hợp trong việc ra nước ngoài tìm kiếm những cơ hội đầu tư.

Trong đấu thầu quốc tế, phải biết được đối thủ của chúng ta mạnh cái gì, hơn ta những gì và ta có thể khắc phục được những điểm yếu của ta bằng cách liên kết với những đơn vị có thể bù đắp điểm yếu đấy. Liên kết với nhau để cùng vươn ra nước ngoài là một chủ trương lớn của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí. Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, những đơn vị như chúng tôi sẽ không phải đơn độc.

Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu toàn Tổng Công ty PTSC năm 2013

PV: Thưa anh, hiện nay, PTSC đã vươn ra được những đâu?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: Chúng tôi làm với nhiều đối tác Malaysia; hiện đang thực hiện một số công việc thăm dò địa chấn với Myanmar và Campuchia. Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ phải đi xa hơn nữa. Có một điều thế này, công tác thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí luôn luôn phải có dịch vụ kèm theo. Cho nên, chúng tôi không sợ bị mất việc, mà chỉ sợ rằng mình có làm được việc hay không? Trong nghề làm dịch vụ, đòi hỏi phải cần mẫn, cầu thị, khiêm tốn, chịu khó học hỏi. Một điều tối kỵ đối với những người làm dịch vụ là thói huyênh hoang, vỗ ngực. Không ít anh, vừa câu được một con cá to, đã nghĩ rằng mình là người câu giỏi nhất. Không biết học hỏi, không cần cù và lại thích oai thì doanh nghiệp chỉ có “chết” sớm mà thôi.

Trở lại việc cạnh tranh hiện nay, chúng tôi không chỉ lo cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, mà còn lo cạnh tranh với cả một số công ty tư nhân trong nước về khâu dịch vụ. Một ví dụ đơn giản thế này để bạn đọc thấy, đó là công ty tư nhân mua tàu cũ, tàu nát, họ trả lương cho thủy thủ rất thấp. Cho nên giá cả vận chuyển của họ cũng rất rẻ, nhưng độ an toàn thì chắc chắn không thể cao được. Điều gì xảy ra nếu như một con tàu của một công ty tư nhân nào đó, do chạy theo lợi nhuận mà bỏ đi khâu an toàn, con tàu va vào giàn khoan, va vào kho nổi, thì điều gì sẽ xảy ra?

PV: Anh vừa có những ví dụ rất hay về công việc của “người đi câu”. Nhưng trở lại vấn đề của năm 2012. Qua những thắng lợi của năm qua, các anh đã rút ra được bài học gì?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: Những bài học chúng tôi rút ra thực ra cũng có tính chất muôn thuở. Chỉ có điều là PTSC đã có cách làm riêng của mình mà thôi.

Bài học đầu tiên, đó là phải tạo được sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ, phải khơi gợi được khát vọng, năng lực, sự sáng tạo trong mỗi cá nhân. Nếu không làm được điều đó, thì tất cả mọi cố gắng sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Bài học thứ hai, đó là việc khen thưởng phải công bằng, phân minh, kịp thời, phải tạo được cơ hội thăng tiến cho những người làm tốt. Phải tránh bằng được tình trạng người làm tốt không được khen, người làm kém không bị phạt. Để làm được điều này, quan trọng nhất là từ người chỉ huy phải hết sức gương mẫu và phải biết xông lên trước những lúc khó khăn. Người chỉ huy phải biết trân trọng người lao động, còn cứ nói xoen xoét là phải năng động, sáng tạo, nhưng lại nói một đằng, làm một nẻo thì ai còn nghe.

Bài học thứ ba, đó là phải quản lý thật chặt khâu tài chính của đơn vị. Tất cả mọi việc phải làm theo luật. Còn những bài học khác, như trong công tác tiết kiệm, đổi mới quản lý để giảm chi phí sản xuất… Những điều đó là đương nhiên. Như lúc đầu tôi đã nói, chúng tôi làm dịch vụ là phải cạnh tranh từng ngày, từng giờ và cuộc cạnh tranh này ngày càng khốc liệt, cho nên không có ý chí vươn lên thì chắc chắn sẽ có ngày chìm ngoài biển.

PV: Anh nhìn vào năm con Rắn (2013) thấy thế nào?

TGĐ Nguyễn Hùng Dũng: Chúng tôi xác định năm con Rắn sẽ là một năm tiếp tục khó khăn. Tại Hội nghị Tổng kết năm 2012, chúng tôi cũng đã đề ra những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của năm 2013, trong đó đặc biệt là phải đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; trong và ngoài ngành Dầu khí để phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị, nhằm tăng sức cạnh tranh dịch vụ, cũng như tránh đối đầu trực tiếp; Phối hợp chặt chẽ, bám sát các hoạt động mở rộng, phát triển dịch vụ ra nước ngoài của PVEP để tham gia thực hiện Marketing, quảng bá thương hiệu; Từng bước tham gia cung cấp dịch vụ tới các nước Nga, Myanmar, Ấn Độ, Venezuele, Đông Âu.

Để thực hiện thắng lợi được giải pháp này thì một biện pháp có tính tiên quyết, đó là phải củng cố, hoàn thiện và phổ biến văn hóa PTSC “Đoàn kết, năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp”, nâng cao nhận thức “Vững bước hội nhập, làm chủ biển lớn” tới từng vị trí công tác, từng người lao động, tạo động lực cho người lao động phát huy tối đa khả năng của mình; Ổn định tổ chức hoạt động của Tổng Công ty, rà soát lại các quy định, quy chế hiện có để hoàn chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Hoàn thiện hệ thống thu thập và xử lý ý kiến đóng góp của khách hàng. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phục vụ sản xuất.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này. Chúng tôi tin tưởng rằng, năm 2013, mỗi cán bộ, nhân viên của PTSC sẽ là một người thợ câu sát cá.

Bảo Sơn (thực hiện)

DMCA.com Protection Status