"Ẩn họa" của nợ xấu!

08:14 | 15/10/2012

862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nợ xấu là 202 ngàn tỉ đồng theo Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay 270 tỉ theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp mà nền kinh tế đặt ra cho hệ thống NH. Ngoài một lượng tiền lớn được cho là đang “nằm chết” trong các kho hàng của doanh nghiệp thì vấn đề đạo đức NH trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn và ký bảo lãnh tín dụng NH cũng được xem là nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới tình trạng gia tăng nợ xấu NH. Minh chứng rõ nét cho nhận định này là hàng loạt các vụ lừa đảo thế chấp sổ đỏ, ký thư bảo lãnh được các cơ quan chức năng phát giác thời gian gần đây.

Thẩm định có như không

Cho vay là một trong những nghiệp vụ quan trọng nhất của hệ thống NH và để đảm bảo thành công, khâu thẩm định tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo được xác định là yếu tố quyết định bảo toàn dòng vốn vay mà NH đưa ra, cũng như khả năng sinh lời từ khoản tiền đó. Chính vì vậy, nếu khâu thẩm định trong hệ thống NH không được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình thì mức độ rủi ro đối với dòng vốn của NH sẽ là rất cao. Điều này đã được nhiều chuyên gia đề cập tới trong hội thảo khoa học “Cơ chế xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức ngày 19/9. Theo đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng: Không ít cán bộ NH đã thông đồng với khách hàng, cho vay khống, dẫn đến nguy cơ NH mất vốn hoặc nợ xấu gia tăng.

Đây không còn là nhận định khi mà liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội, một loạt các vụ lừa đảo thế chấp sổ đỏ đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Điển hình là vụ lừa đảo chiếm đoạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hơn 20 hộ dân xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội. Theo những thông tin mà chúng tôi nắm được thì, vào đầu năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An đã dùng “mồi câu” là các khoản vay lãi suất thấp, nhanh gọn để lừa những hộ gia đình này thế chấp sổ đỏ và ký vào một tờ giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tổng số tiền mà công ty này cho người dân vay chỉ vào khoảng 500 triệu nhưng công ty đã mang đi thế chấp NH lấy 5 tỉ đồng. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An không còn khả năng thanh toán và buộc phải bỏ trốn. NH đã khởi kiện ra tòa và phát mại tài sản của người dân ở xã Cần Kiệm do Công ty Thanh An thế chấp với NH khiến hơn 20 hộ gia đình này đang đứng trước nguy cơ không nhà, không cửa!

HD Bank đang bị tố cáo là đã vô trách nhiệm khi cấp thư bảo lãnh

Chưa biết vụ việc trên sẽ được xử lý như thế nào, nhưng trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là khâu thẩm định hồ sơ vay vốn của phía NH đang được đặt dấu hỏi lớn. Dư luận xã hội tin rằng, nếu cán bộ thẩm định hồ sơ vay vốn làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, thì hẳn hậu quả của vụ việc sẽ không nghiêm trọng như hiện nay.

Hay trước đó, cuối năm 2011, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan để lừa đảo chiếm đoạt 70 tỉ đồng do Lê Bá Quỳ cầm đầu với sự tiếp tay của cán bộ NH. Vụ án đã khép lại nhưng điều đáng nói là trong quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện, trong 4 pháp nhân mà Quỳ thành lập thì có tới 3 công ty không sản xuất - kinh doanh, có đăng ký mã số thuế nhưng chưa mua hóa đơn giá trị gia tăng lần nào. Những công ty này được Quỳ dùng để ký khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu với nhau, làm giả báo cáo tài chính, tờ khai thuế giá trị gia tăng, quyết toán thuế giá trị gia tăng…

Cơ quan công an cũng chỉ ra rằng, nếu các cán bộ NH tuân thủ đúng, đủ các quy định của NH về đăng ký giao dịch đảm bảo, thì các giao dịch lừa đảo trên sẽ sớm bị phát hiện hoặc ít nhất cũng phát hiện việc các đối tượng sử dụng sổ đỏ để thế chấp nhiều lần.

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ việc được các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian vừa qua, điều đáng nói là, hầu hết những vụ việc kiểu như vậy chỉ được phát hiện khi khách hàng của các NH không còn khả năng thanh toán hoặc nảy sinh tranh chấp…

Bùa hộ mệnh

Bên cạnh nghiệp vụ cho vay thì bảo lãnh NH cũng được xem là một trong những nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực NH, đặc biệt là trong những năm gần đây khi nền kinh tế ngày càng mở rộng và phát triển. Thư bảo lãnh được giới doanh nghiệp ví von là “lá bùa hộ mệnh” trong quá trình tham gia các hợp đồng kinh tế. Theo giám đốc một công ty xây dựng bậc trung ở Hà Nội chia sẻ thì, một trong những văn bản không thể thiếu trong hầu hết các hồ sơ dự thầu là thư bảo lãnh của NH. Nó có thể là bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh bảo hành, bảo lãnh thực hiện hợp đồng…

Chính vì tính chất bắt buộc như vậy nên dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ khi đã tham gia dự thầu tại dự án có quy mô to hay nhỏ cũng phải xuất trình được thư bảo lãnh của NH. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp lớn thì có tài sản đảm bảo, có vốn lưu động đủ lớn… còn các doanh nghiệp nhỏ thì không.

“Làm gì có nhiều doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có vốn lưu động lên tới hàng trăm tỉ để mà NH xuất cấp thư bảo lãnh dự thầu cơ chứ. Không ít doanh nghiệp đã dùng tiền, dùng quan hệ để mua cái sự bảo kê của NH bằng thư bảo lãnh”, vị giám đốc nhấn mạnh.

Ví dụ điển hình cho tình trạng này là vụ việc ký bảo lãnh của Giám đốc Chi nhánh Thăng Long của NH HD Bank cho Công ty TNHH Sản xuất vật liệu mới Á - Âu thực hiện hợp đồng 1201/HĐMB2012/AD-AA với Công ty CP Dịch vụ viễn thông An Đô. Tổng giá trị hợp đồng được xác định là hơn 10 tỉ đồng và thời hạn thanh toán chậm nhất là 15/5/2012. Cụ thể, HD Bank Chi nhánh Thăng Long do ông Lê Quý Hiền là giám đốc ký khẳng định cam kết sẽ thanh toán số tiền trên cho Công ty An Đô ngay sau khi nhận được văn bản kèm theo hồ sơ chứng minh Công ty Á - Âu không hoàn thành đúng nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng hai bên đã ký.

Những tranh cãi xung quanh vụ việc dường như vẫn chưa có hồi kết khi mà đại diện phía HD Bank lên tiếng khẳng định, thư bảo lãnh do ông Lê Quý Hiền ký đã không thực hiện đúng quy trình của NHNN, quy trình nội bộ của HD Bank vượt thẩm quyền được giao… còn Công ty An Đô thì khẳng định, thư bảo lãnh trên là hoàn toàn hợp pháp.

Chưa biết vụ việc sẽ được giải quyết theo hướng nào nhưng nó cũng cho thấy, cấp thư bảo lãnh đã và đang trở thành một lỗ hổng rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của NH. Có ai đảm bảo rằng, trong vô số các thư bảo lãnh mà các NH đã phát ra có bao nhiêu thư bảo lãnh được thực hiện không đúng quy trình cơ chứ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các NH sẽ phải đối diện với những vụ tranh cãi pháp lý hoặc là mất tiền để thực hiện vai trò “bảo kê” của mình.

Khảo sát của dự án “Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam” (ITBI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 16,75% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, khi tiếp cận nguồn vốn họ sử dụng dịch vụ tư vấn vay vốn hoặc trung gian môi giới. Đây chưa gọi là tham nhũng, song cũng khiến doanh nghiệp mất một khoản phí không nhỏ bình quân là 2,8% tổng vốn được vay. Cá biệt chi phí này có thể đến 10%.

Lê Hà

Năng lượng Mới số 163, ra ngày 12/10/2012