Ai bảo vệ quyền lợi cho người mua hàng trực tuyến

19:00 | 21/12/2012

1,815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thương mại điện tử rất phát triển trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, thương mại điện tử đang còn phát triển chưa đầy đủ, nhiều vấn đề về pháp lý chưa có quy định cụ thể. Vì thế, giao dịch trực tuyến (GDTT) chưa tạo được sự yên tâm cho người tiêu dùng (NTD). Nhiều vụ lừa đảo hay mua phải hàng hóa nhận được không đúng như quảng cáo... làm thiệt hại kinh tế cho nhiều người. Gần đây nhất là vụ lùm xùm tại nhommua.com, hình thức kinh doanh đa cấp trực tuyến MB24... bị triệt phá. Câu hỏi đặt ra là quyền lợi những NTD khi tham gia các hình thức giao dịch này sẽ được ai bảo vệ?

Giao dịch trực tuyến nở rộ theo… số lượng

Nước ta hiện là một trong những nước có tốc độ phát triển và phổ cập Internet vào loại hàng đầu trên thế giới. Internet từ lúc chỉ là dịch vụ xa xỉ dành cho các cá nhân có thu nhập cao hay tổ chức kinh doanh thì nay Internet đã là dịch vụ phổ thông, thậm chí là thiết yếu ở một số nhóm đối tượng như sinh viên, doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển của Internet, các hình thức thương mại điện tử như mua bán qua diễn đàn, mua theo nhóm, các website bán hàng phát triển và nở rộ cả về hình thức, chủng loại hàng hóa.

Theo khảo sát, Việt Nam (VN) có hàng trăm trang web mua hàng theo nhóm, diễn đàn mua bán đang hoạt động trong đó nhiều trang có số lượng giao dịch rất cao như nhommua.com, cucre.vn, muachung.vn, 5giay.com, muare.vn, vatgia, enbac… Rất nhiều người thường xuyên sử dụng hình thức mua hàng qua mạng và đây đang trở thành một xu hướng tiêu dùng tại VN.

Điều này xuất phát từ lợi ích và sự tiện dụng khi tham gia GDTT, đó là thủ tục đơn giản, giá bán cạnh tranh, hình thức thanh toán thuận tiện, loại bỏ được rào cản thời gian, địa lý… so với giao dịch truyền thống.

Kết quả của “Nghiên cứu Giám sát NTD với thương mại điện tử năm 2012 do Visa vừa công bố cho thấy, NTD nước ta đang chuộng mua sắm trực tuyến. Có 98% người tham gia nghiên cứu tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ trên mạng trong vòng 12 tháng qua. Trong đó, 71% đã mua hàng trực tuyến và 90% đối tượng khảo sát cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng cách mua bán này trong tương lai.

Một khảo sát của Bộ Thương mại với 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy, 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của VN đạt gần 2 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP và được dự báo lên con số 6 tỉ USD vào năm 2015.

Dự báo thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và có thể “bùng nổ” trong những năm tới.

Lắm rủi ro và còn thiếu cơ chế bảo vệ

Mặc dù gia tăng nhanh chóng về chủng loại, số lượng, ngày càng tiến tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu NTD, tuy nhiên, ngoài những thuận lợi kể trên, GDTT ở nước ta còn nhiều hạn chế, đem lại không ít bất lợi và phiền toái cho NTD.

Đầu tiên, phải kể đến an toàn thông tin khi tham gia. Đại đa số vẫn chưa có cơ chế bảo mật thông tin cho người tham gia giao dịch. Chẳng hạn, các thông tin như tên, email, số điện thoại khi tham gia giao dịch trên các trang web như muachung, nhommua, muare, 5giay… hầu như công khai, không có cơ chế bảo mật, do vậy các đối tượng dễ dàng lợi dụng để phát tán email, tin nhắn rác… hoặc sử dụng cho các ý đồ xấu bất lợi cho người mua hàng.

Mặc dù hiện nay, việc thanh toán đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các website với ngân hàng để tạo ra các ví điện tử như nganluong.vn, baokim.vn… nhưng việc thanh toán trực tuyến hiện vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mua bán điện tử ở VN. Đa số khách hàng đều thực hiện theo phương thức: xem hình ảnh và thông tin do người bán cung cấp trên mạng, nếu chấp nhận thì chuyển 100% tiền cho người bán sau đó mới được nhận hàng. Như vậy, người mua hàng là những người nắm đằng chuôi trong giao dịch, nếu chẳng may hàng hóa không đúng với mô tả hoặc hỏng hóc phát sinh, việc trả lại hàng để đòi lại tiền là rất khó. Những vụ lừa đảo kiểu này xuất hiện khá nhiều trên các diễn đàn mua bán về công nghệ như handheld.vn, tinhte.vn... Đặc biệt, NTD càng có cơ sở e ngại trao tiền khi chưa được tận mắt xem sản phẩm. Gần đây nhiều khách hàng phản ánh các trang web mua theo nhóm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái hoặc đưa ảnh lên web giống với hàng thật gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Ngoài ra, một phần lỗi thuộc về phía NTD do không biết đến quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ, một phần ngại “va chạm” khi tố cáo đơn vị cung cấp hàng hóa. Đây là kẽ hở để các đơn vị cung cấp hàng hóa ra sức “lợi dụng” sự thiếu kiến thức tự vệ và tâm lý ngại đấu tranh, ngại tranh chấp, ngại phiền hà của nhiều NTD, đặc biệt là những giao dịch có giá trị nhỏ (nhưng thiệt hại cho cả cộng đồng là lớn). Dần dần việc mất một vài chục, vài trăm nghìn đồng, bị NTD tặc lưỡi cho qua và trở nên mặc nhiên tồn tại.

Nhìn vào quy định giao dịch trên các diễn đàn, trang web mua theo nhóm hầu như không tìm được những ràng buộc cụ thể nào về trách nhiệm của đơn vị cung cấp đến chất lượng hàng hóa cho người mua. Chẳng hạn, quy định trên trang web muachung.vn cho thấy, đơn vị này chỉ cam kết hoàn tiền cho khách hàng khi lượng khách mua không đạt số lượng tối thiểu chứ không hề chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa đăng bán trên trang web của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD cũng thừa nhận: “Hiện nay nhiều NTD chưa nắm rõ Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, ngay cả những điều thiết thực nhất, đó là 8 quyền của mình với tư cách là NTD đã được ghi trong luật, có nghĩa đã được pháp luật thừa nhận và bảo hộ”. Tuy vậy, ông Hùng cũng nhấn mạnh, ngoài việc quy định quyền lợi của NTD, pháp luật cũng cần quy định cả nghĩa vụ của NTD, đó là phải thực hiện khiếu nại khi phát hiện sai phạm để bảo vệ lợi ích cho cộng đồng. Có như vậy, NTD mới bảo vệ được quyền lợi của mình và đẩy lùi được những gian lận trong GDTT.

Gần đây nhất, khi mà vụ lùm xùm tại nhommua.vn khiến nhiều NTD lo lắng vì phiếu mua hàng bị từ chối tại nhiều đơn vị liên kết cung cấp hàng hóa dịch vụ, hay vụ MB24 bị triệt phá khiến nhiều người vừa là NTD, vừa là người nằm trong mạng lưới này điêu đứng do thiệt hại kinh tế, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD của các cơ quan chức năng càng được yêu cầu cao hơn.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện mới chỉ phát hiện và khởi tố 3 doanh nghiệp hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử gồm sàn giao dịch MB24 (huy động hơn 100.000 khách hàng với số tiền khoảng 650 tỉ đồng); Công ty ĐT&TMDV Cộng Đồng Việt (huy động được hơn 200.000 khách hàng với số tiền khoảng 400 tỉ đồng) và Công ty CP ĐT Tâm Mặt Trời (huy động hơn 20.000 khách hàng với số tiền khoảng 100 tỉ đồng). Còn đó nhiều vụ việc tương tự và nhiều gian lận, sai phạm gây thiệt hại cho NTD chưa bị phát hiện. Lý do là hiện nay chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử, các trang web thông tin điện tử, tại Nghị định 57/CP về thương mại điện tử cũng chưa quy định rõ điều này.

Ngoài Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực kể từ 1/7/2011 thì hiện tại, luật VN đã có hành lang pháp lý quy định về hoạt động thương mại điện tử như Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 57/2006, Thông tư 09 và Thông tư 46 của Bộ Công Thương, nhưng các văn bản này chỉ quy định các nguyên tắc chung về giao dịnh thương mại điện tử mà chưa có các quy định về trách nhiệm của các bên đối với hình thức mua bán theo nhóm. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan ban hành luật là phải sửa đổi luật phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử và làm sao để đưa những văn bản này đi vào cuộc sống, đến với từng giao dịch để NTD biết và sử dụng quyền của mình đồng thời phải có chế tài giám sát và xử lý mạnh hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm, gian lận trong GDTT. Bên cạnh đó, NTD cần tự nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng khi tham gia GDTT.

Khánh Chi